Góc nhìn kinh tế học về việc Mỹ thôi làm “cảnh sát quốc tế”
VOV.VN - Nước Mỹ đang có xu hướng tránh can thiệp quân sự vào các điểm nóng, thôi làm “cảnh sát quốc tế”. Đây được xem là sự thay đổi lớn của chính trị Mỹ.
Cây viết Ivan Danilov của hãng thông tấn Nga Sputnik cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phản đối vai trò “cảnh sát toàn cầu” của Mỹ (trong quan hệ quốc tế) có thể xem là sự kiện quan trọng nhất của năm 2018 vừa qua.
Tổng thống Mỹ Trump (người đeo ca-vát đỏ) thăm lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq vào ngày 26/12/2018. Ảnh: AFP.
Danilov nhấn mạnh rằng giờ thì có thể thấy rõ các vết nứt trong nền tảng của cái mà ông này gọi là sự bá quyền của Mỹ.
Cộng tác viên Sputnik Danilov – đồng thời cũng là một nhà kinh tế học Nga, nói rằng các sự kiện Mỹ đột ngột rút quân khỏi Syria và rút một phần quân khỏi Afghanistan chỉ ra rằng Mỹ không còn đủ năng lực đổ hàng nghìn tỷ USD vào các hoạt động quân sự ở hải ngoại.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ không quân Al Asad ở Iraq vào ngày 26/12/2018, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố chấm dứt vai trò của Mỹ với tư cách là “sen đầm” toàn cầu. Ông Trump cho rằng thật là nực cười khi duy trì hiện diện quân sự ở “những nước mà hầu hết người dân còn chẳng mấy khi nghe đến”.
Đã chiến đấu thì phải được trả tiền
Tổng thống Trump nói với binh sĩ Mỹ: “Trong nhiều trường hợp, Mỹ không nên đi chiến đấu cho mọi quốc gia trên Trái Đất này rồi không được bồi hoàn chút nào cả... Nếu họ muốn chúng ta chiến đấu thì họ cũng phải chi trả”.
Hồi tháng 4/2018, Nhật báo Phố Wall đưa tin rằng Mỹ đã yêu cầu Saudi Arabia, Qatar và UAE phân bổ hàng tỷ USD để khôi phục khu vực đông bắc Syria và duy trì hiện diện quân sự của họ ở vùng này nhằm lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại khi Mỹ rút quân khỏi đây.
Bây giờ theo ông Trump, chính Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia sẽ gánh lấy trách nhiệm này.
Phát biểu tại căn cứ Al Asad, ông Trump tuyên bố: “Thực tế, Saudi Arabia đã nhập cuộc và đã cam kết cung cấp đáng kể ngân sách cho việc phát triển Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đã nhất trí truy quét các tàn quân IS. Và chúng ta sẽ hợp tác với họ”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh thêm rằng người Mỹ “đang chi hàng trăm tỷ USD” khi chiến đấu cho các nước khác. Ông Trump lặp lại tuyên bố cho rằng Mỹ đã chi tới 7.000 tỷ USD ở Trung Đông kể từ năm 2001.
Năng lực tài chính suy giảm
Bình luận về các nhận xét của ông Trump, nhà kinh tế học Danilov cho rằng Tổng thống Mỹ đã nhận ra là nước Mỹ hiện đại không có đủ nguồn lực để tiến hành chiến tranh ở khắp mọi nơi trên thế giới”.
Theo Danilov, Washington không thể ép các đồng minh và đối tác chi trả cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài tiêu tốn nhiều tỷ USD.
Kỷ nguyên mới cho Syria và Trung Đông sau khi Mỹ rút quân
Để minh họa cho quan điểm của mình, Danilov trích dẫn thực tế là cho tới nay chỉ có Ba Lan đã nhất trí chi 2 tỷ USD để được nhận sự bảo vệ của Washington. Ông đề cập tới việc Warsaw yêu cầu duy trì lâu dài một căn cứ quân sự Mỹ ở Ba Lan. Nhưng 2 tỷ USD này chỉ như muối bỏ bể so với lượng tiền cần thiết để vận hành bộ máy chiến tranh của nước Mỹ.
Danilov nhận định: “Tóm tắt các tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, ta có thể rút ra vài kết luận quan trọng. Không còn tiền nữa rồi. Chính xác hơn thì họ vẫn còn tiền nhưng không còn khả năng chi tiền ồ ạt vì số tiền này đang cạn dần, và thị trường tài chính Mỹ (thường dự đoán tốt tình trạng nền kinh tế tổng thể của nước này) không có dự cảm tốt lành”.
Theo Bloomberg, mặc dù nền kinh tế Mỹ chưa tiến tới chỗ suy thoái, nền kinh tế này đã trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước các lỗi chính trị và sự cố thị trường.
Đầu năm 2018, Cục Giải trình Chính phủ Mỹ và Cục Ngân sách Quốc hội Mỹ đã báo động về tình trạng gia tăng nợ quốc gia và thâm hụt liên bang, được dự báo lên mức 1.000 tỷ USD vào năm 2020./.