Gọi “virus Trung Quốc”, Tổng thống Trump có đi quá giới hạn?
VOV.VN - Hạ Nghị sĩ Ted Lieu nói: “Covid-19 giờ đã là virus Mỹ, virus Italy, virus Tây Ban Nha, tất cả chúng ta đều bị tác động và cần hợp tác với nhau”.
Mỹ-Trung lời qua tiếng lại
Theo CNN, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên khắp thế giới và các chuyên gia đang cân nhắc mọi biện pháp cần thiết để khống chế dịch bệnh thì giới chức Mỹ-Trung lại đang bận rộn “chĩa mũi dùi” vào nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Trong một nội dung Twitter đăng tải hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi “virus Trung Quốc”. Đáng chú ý, cụm từ “virus Trung Quốc” cũng được rất nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa của ông Trump sử dụng trước đó để ám chỉ virus SARS-CoV-2, xuất phát từ việc virus này lần đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Bắc Kinh ngay lập tức coi đây là lời lẽ “đổ lỗi cho Trung Quốc” vì dịch Covid-19 và “phủ nhận sạch trơn” những lỗ lực của giới chức nước này trong suốt thời gian qua để khống chế dịch bệnh trong bối cảnh, đầu tuần này cũng là thời điểm đầu tiên trong vài tháng qua, số ca mắc Covid-19 mới ở Trung Quốc thấp hơn nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Đáp lại, Tổng thống Trump khẳng định, ông không thấy có gì sai trái khi sử dụng cụm từ này và nhấn mạnh: “Thay vì phải tranh luận nhiều, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đang gọi thẳng vào nguồn gốc của loại virus này, nó đến từ Trung Quốc. Chính vì thế tôi nghĩ rằng mình đã gọi đúng”.
Tuyên bố của ông Trump được cho là càng “thổi bùng lên ngọn lửa” bất đồng giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc khi trước đó cả hai bên không ngần ngại đổ lỗi cho nhau vì dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, ngày 11/3, trong phiên điều trần trước Ủy ban Cải cách và Giám sát Hạ viện Mỹ, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Robert Redfield cho biết, một số ca tử vong vì cúm tại Mỹ sau đó được phát hiện là do mắc Covid-19. Tuy nhiên, ông Redfield lại không cung cấp thông tin về việc những người này thiệt mạng khi nào.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên trên tài khoản Twitter cá nhân đã cáo buộc “có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán” và lên tiếng yêu cầu Mỹ “Cần minh bạch! Công khai dữ liệu của các ông! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích!”.
Trong một đoạn Twitter khác, ông Triệu Lập Kiên đã dẫn lại lời Mạnh Tử [Triết gia Trung Quốc sinh năm 327 TCN- ND]: “Hành động mà chẳng đạt, đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình” và kêu gọi “giới chức Mỹ cần tôn trọng sự thật. Mỗi phút bị lãng phí vì than phiền và bôi nhọ người khác sẽ đáng giá hơn nếu tập trung vào việc nâng cao hệ thống phản ứng trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế”.
Covid-19 đang gây tác động xấu đến toàn thế giới và Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Ảnh: AP |
“Những hệ lụy nguy hiểm”
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng từng lên tiếng khuyến nghị không nên gọi SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc” bởi điều này có thể gây ra “những hệ lụy nguy hiểm còn hơn cả bản thân loại virus nói trên”.
Cụ thể, nhiều người Mỹ gốc Á, đặc biệt là gốc Trung đang phải đối mặt với tình trạng kỳ thị ngày càng gia tăng chỉ vì dịch bệnh Covid-19. Nhiều người trong số này thậm chí bị khiêu khích và đánh đập ngay tại những nơi công cộng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các nước châu Âu.
Trong khi đó, ai cũng hiểu rằng, sự lây lan của virus sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ quốc gia nào. Bản thân WHO cũng đã bắt đầu từ bỏ việc gọi tên một loại dịch bệnh mới theo tên khu vực hoặc quốc gia nơi bắt nguồn của dịch bệnh đó với lý do khi dịch Cúm Trung Đông (MERS) bùng phát, nhiều cộng đồng sinh sống trong khu vực này đã bị đối xử hết sức tệ hại.
Hạ Nghị sĩ bang Califonia Ted Lieu, một người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã lên tiếng cảnh báo: “Người Mỹ gốc Á đang phải đối mặt nhiều hơn với tình trạng phân biệt đối xử chỉ bởi nội dung Twitter của ông Trump. Covid-19 giờ đã là virus Mỹ, virus Italy, virus Tây Ban Nha, tất cả chúng ta đều bị tác động và cần hợp tác với nhau”.
Hội nhà báo Mỹ gốc Á cho biết họ cũng đã nhiều lần kêu gọi truyền thông cần rất thận trọng khi đưa tin về Covid-19 nhằm “tránh thổi bùng nạn bài ngoại và phân biệt chủng tộc đang lên mạnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát”, tuy nhiên, dường như điều này vẫn không có tác động nhiều đến Tổng thống Trump và một số quan chức Mỹ./.
1.000 tỷ USD giải cứu kinh tế vì dịch Covid-19: Trump muốn “chơi lớn”?
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có người mắc Covid-19
“Giãn cách xã hội” như thế nào và bao lâu để chặn đứng dịch Covid-19?