Hậu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan tăng quyền lực, đối mặt với chia rẽ
VOV.VN - Tuy vụ đảo chính tạo đà cho Tổng thống Erdogan gia tăng thêm quyền lực nhưng cũng đã tạo nên những hố sâu chia rẽ trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Những ngày vừa qua là những ngày có nhiều biến động trong chính trị, xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Pháo nổ, súng đạn ầm ĩ, người dân chạy loạn khắp nơi, các tòa nhà đổ nát… trong đêm nhưng không phải do khủng bố, mà bởi chính giao tranh giữa các lực lượng trong nước.
Một nhóm các sĩ quan quân đội nước này đã tập hợp và phong tỏa các con đường vào đêm 15/7. Phe đảo chính đã bắt giữ tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đại tướng Hulusi Akar; phong tỏa hay cây cầu huyết mạch trên eo biểu Bosphorus; chiếm giữ một số doanh trại quân đội; triển khai xe tăng bao vây sân bay Ataturk ở Istanbul; huy động máy bay chiến đấu trên bầu trời Ankara; bắn phá trụ sở Cơ quan tình báo quốc gia bằng trực thăng vũ trang; khống chế một số Đài phát thanh và truyền hình.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một chiếc xe quân sự tham gia đảo chính. Ảnh AP. |
Cuộc đảo chính được tiến hành khi Tổng thống Erdogan vừa mới rời nơi ở đi nghỉ mát ở quần đảo Marmaris, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin về cuộc đảo chính, ông Erdogan ngay lập tức trở về, đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ ông xuống đường ngăn chặn sự phong tỏa của quân đội.
Cuộc đảo chính nhanh chóng bị dập tắt. Sáng 16/7, Tổng thống Erdogan tuyên bố đã đẩy lùi được cuộc đảo chính này và thề sẽ khiến những kẻ phản loạn phải trả giá đắt. Diễn ra chỉ trong một đêm nhưng vụ đảo chính bất ngờ đã cướp đi mạng sống của ít nhất 265 người và khiến gần 1.500 người khác bị thương.
Thanh lọc quân đội, loại bỏ phe đối lập
Có nhiều nhà quan sát cho rằng, vụ đảo chính là cơ hội cho Tổng thống Erdogan gia tăng quyền lực. Sau khi dập tắt được vụ đảo chính, ông Erdogan đã tuyên bố bằng ông sẽ thanh lọc quân đội và sẽ khiến những kẻ làm loạn phải trả giá đắt.
Vụ đảo chính đã khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ, phải chăng vụ việc chính là cái cớ để ông Erdogan thâu tóm quyền lực, loại bỏ bớt thành phần đối lập, tiến tới kiểm soát quân đội sát sao hơn.
Một cuộc thanh lọc quy mô lớn được tiến hành ngay lập tức sau vụ đảo chính trong bộ máy chính quyền. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag khẳng định đã bắt giữ khoảng 6.000 quân nhân, binh sỹ và những người liên đới, trong đó có nhiều tướng lĩnh cấp cao.
Một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt vì tình nghi liên quan đến đảo chính. (Ảnh: AFP). |
Theo CNN, 6.000 người bị bắt bao gồm 2.700 thẩm phán và hơn 3.000 sĩ quân quân đội. Trong số đó có Chuẩn tướng Không quân Bekir Ercan Van cùng với hơn 10 sĩ quan thuộc cấp tại Căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh miền nam Adana – nơi được lực lượng Mỹ sử dụng để tiến hành không kích ở Syria.
Bộ trưởng Bekir Bozdag cho biết thêm, “chiến dịch dọn dẹp đang tiếp diễn”, những người liên quan đến cuộc đảo chính sẽ tiếp tục bị bắt giữ và không loại trừ cả những nhân vật rất thân cận với Chính phủ.
Ngoài ra, chính quyền của ông Erdogan cũng đã sa thải khoảng 8.000 nhân viên cảnh sát trên khắp cả nước, bao gồm cả ở thành phố Istanbul và thủ đô Ankara nhằm đẩy mạnh chiến dịch “làm sạch” lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.
Mạnh tay hơn, ông Erdogan hôm 17/7 còn tuyên bố sẽ xem xét việc áp dụng trở lại án tử hình sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể trì hoãn điều này thêm chút nào nữa bởi vì ở đất nước này, những ai thực hiện đảo chính sẽ phải trả giá”.
Từ vụ đảo chính, ông Erdogan cũng cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo đối lập Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ đứng đằng sau âm mưu này, và yêu cầu Mỹ tạo điều kiện dẫn độ ông Gulen về nước. Nhưng ông Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc.
Được biết, giáo sĩ Gulen là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với lực lượng cảnh sát và những người giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tư pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng, đây là đối thủ đáng gờm đối với quyền lực của ông Erdogan.
Chuyên gia chính trị Angelos Sirigos nhận định, dù là ai đứng phía sau vụ đảo chính này đi chăng nữa thì cán cân quyền lực đã thay đổi nghiêng về phía Tổng thống Erdogan. Quan hệ Mỹ-Thổ căng thẳng sau đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ
Đối mặt với chia rẽ
Tuy vụ đảo chính tạo đà cho Tổng thống Erdogan gia tăng thêm quyền lực của mình, nhưng cũng đã tạo nên những hố sâu chia rẽ trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và trong mối quan hệ với đồng minh Mỹ.
Đầu tiên, ở trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo chí phương Tây, có những người ủng hộ ông Erdogan, nhưng cũng có nhiều thành phần bất bình với chính sách “độc tài” của ông.
Theo báo chí phương Tây, ông Recep Tayip Erdogan bị cáo buộc muốn trở thành một “sultan” (tên gọi của hoàng đế thời Ottoman) mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Có thông tin cho rằng ông đang nỗ lực sửa đổi Hiến pháp để gia tăng quyền hành của Tổng thống- chức vụ mà ông Erdogan đang nắm giữ, nhằm phục vụ cho việc thâu tóm quyền lực dễ dàng hơn.
Tổng thống Erdogan. Ảnh: EPA. |
Những việc làm trước đây của ông Erdogan từng khiến nhiều người phản đối, như việc cáo buộc giáo sĩ Gulen (một người rất có ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ) âm mưu đảo chính khiến ông này phải lưu vong, việc bắt giam hàng chục nhà báo đưa tin về hiện tượng tham nhũng trong chính quyền… Thì nay, nhiều chuyên gia lo ngại, cách ông mạnh tay với phe đối lập càng khiến số người “ngầm khó chịu” về ông càng tăng thêm, mối nguy về một cuộc đảo chính khác vẫn còn.
Vụ đảo chính còn khiến cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, vốn là 2 đồng minh thân thiết, đang có nguy cơ rạn nứt. Ngày 16/7, một nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ám chỉ Mỹ đứng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng những cáo buộc hoặc những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính trên là "hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước".
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 16/7 kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama trục xuất hay giao nộp cho nước này giáo sĩ Hồi giáo Fethulla Gulen nhưng phía Mỹ yêu cầu cần có bằng chứng hợp pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry nhấn mạnh, mọi việc cần phải được giải quyết một cách bình tĩnh, thận trọng để đối phó những âm mưu lật đổ chính quyền. Ngoại trưởng Kerry nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ được bầu của Tổng thống Tayyip Erdogan
Phát biểu trước đám đông người biểu tình phản đối đảo chính ở bên ngoài Dinh thự Tổng thống, ông Erdogan nói: “Tôi đồng thời nhắc lại rằng nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn là đối tác thân cận của nhau, thì hãy thực hiện theo yêu cầu của đối tác. Bởi vì chúng tôi đã đang cung cấp cho nước Mỹ bất cứ tên khủng bố nào mà họ muốn". Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực lập lại trật tự sau đảo chính
Bất ổn vẫn còn treo lơ lửng
Mới đây, CNN thông tin, ít nhất 42 chiếc trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng biến mất sau cuộc đảo chính không thành tối 15/7, làm dấy lên lo ngại sắp xảy ra một cuộc đảo chính thứ hai.
Thông tin về hàng chục chiếc trực thăng mất tích bắt đầu nổi lên trong bối cảnh lực lượng trung thành với chính phủ của ông Erdogan và tàn dư của nhóm đảo chính liên tiếp đụng độ ở một số khu vực trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả căn cứ không quân Konya và căn cứ quân sự gần Istanbul và Ankara.
Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn căng thẳng dù vụ đảo chính đã bị dập tắt. Phát biểu trước những người ủng hộ sau khi tham dự lễ tang những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính, ông Erdogan đã kêu gọi người dân vẫn cần phải cảnh giác trước các nguy cơ xung đột mới đang tiềm ẩn.
Xã hội bất ổn kéo theo cả mối lo ngại về kinh tế. Thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên mở cửa giao dịch sáng 18/7 đang phải đối mặt với mức sụt giảm đồng Lira xuống đến 4,6% (mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua) so với đồng USD.
Giá trị đồng Lira sụt giảm nhanh chóng khiến các nhà đầu tư e dè hơn, đồng thời gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Cuộc đảo chính cũng khiến cho ngành du lịch nước này sụt giảm nguồn thu thê thảm.
Dù đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị dập tắt nhanh chóng song đã để lại hậu quả lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục. Cuộc đảo chính lần này khiến cho cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn hơn khi an ninh vẫn còn bất ổn./. Các cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 50 năm qua