Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột Ukraine lan ra toàn châu Âu và cách ngăn chặn
VOV.VN - Điều gì xảy ra nếu cuộc xung đột ở Ukraine lan ra toàn châu Âu và liệu có những giải pháp phòng ngừa nào để ngăn chặn kịch bản trên xảy ra?
Nguy cơ xung đột lan ra toàn châu Âu
Giữa bối cảnh giao tranh giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine vẫn tiếp diễn, các nước phương Tây đang vô cùng thận trọng để tránh xung đột trực tiếp với Nga - quốc gia sở hữu kho hạt nhân thuộc hàng lớn nhất thế giới và không ngại cân nhắc đến lựa chọn này.
Vì thế, phương Tây mặc dù đang tăng cường cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine song loại trừ ý tưởng thiết lập vùng cấm bay. Các nước châu Âu cũng đang cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine song rất thận trọng với yêu cầu chuyển giao máy bay chiến đấu cho nước này. Không có quốc gia nào đề nghị điều quân đội tới Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức, các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận rằng vẫn có nguy cơ Mỹ và NATO bị kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine vào bất kỳ thời điểm nào trong vô vàn kịch bản có thể xảy ra.
"Chỉ cần một sai lầm, chẳng hạn như một tên lửa rơi xuống Ba Lan, vốn là kịch bản không phải không thể xảy ra, và căng thẳng sẽ nhanh chóng leo thang. Khi đó chúng ta bắt buộc phải phản ứng", nhà phân tích tại một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington cho hay.
"Ngoài ra, việc thiết lập vùng cấm bay đồng nghĩa với việc sẽ có những người Nga thiệt mạng. Bất kỳ hành động nào dẫn đến kết quả này đều có thể đặt chúng ta vào Thế chiến III", chuyên gia này đánh giá.
Hôm 4/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại việc liên minh này muốn tránh xung đột và không sẵn sàng thực hiện vùng cấm bay.
"Cách duy nhất thực hiện vùng cấm bay là điều các chiến đấu cơ của NATO tới không phận Ukraine và sau đó áp đặt vùng cấm bay này bằng cách bắn hạ các máy bay Nga. Nếu chúng ta làm vậy, mọi thứ sẽ kết thúc trong một cuộc xung đột toàn diện ở châu Âu, liên quan đến nhiều quốc gia và khiến nhiều người thiệt mạng", Tổng thư ký NATO đánh giá.
Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell cũng thừa nhận cả thế giới đang đối mặt với rủi ro trước những gì đang diễn ra ở Ukraine.
"Hiện nay, vấn đề không chỉ là Donbass hay Ukraine mà còn là sự ổn định ở châu Âu cũng như trật tự trên toàn thế giới".
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết nếu những yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin được Mỹ và NATO giải quyết. Cho tới khi đạt được mục tiêu đó, giao tranh vẫn sẽ tiếp diễn và những cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hầu như đạt được rất ít tiến triển.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn trải dài từ biển Baltic tới Biển Đen và xa hơn về phía Tây châu Âu.
Theo RT, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 8/3 trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Latvia Egils Levits ở thủ đô Riga nói rằng NATO phải đảm bảo xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ không leo thang ngoài biên giới của Ukraine.
"Những gì chúng ta hiện chứng kiến ở Ukraine thật khủng khiếp. Điều đó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm đảm bảo xung đột sẽ không leo thang và vượt ra ngoài Ukraine", ông Stoltenberg cho hay.
Hệ quả từ cuộc xung đột châu Âu
Một cuộc xung đột rộng hơn ở châu Âu sẽ gây ra thách thức mạnh mẽ nhất với vị thế của Mỹ trên toàn cầu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và thậm chí có thể làm thay đổi trật tự thế giới được thiết lập hàng thập kỷ qua.
Trước kịch bản đó, vận mệnh của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trụ cột trung tâm trong an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ cũng sẽ gặp rủi ro. Một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden là hàn gắn các liên minh của Mỹ, đặc biệt là với châu Âu sau 4 năm gián đoạn dưới thời cựu Tổng thống Trump. Mặc dù mối quan hệ này vẫn duy trì được bầu không khí thân thiện nói chung nhưng những khác biệt đáng kể và mức độ sẵn sàng của các thành viên nhằm phục vụ một mục đích chung từ lâu vẫn bị đặt câu hỏi.
Ngày 8/3, truyền thông Nga đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết, Liên minh châu Âu sẽ không áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
EU không hành động theo Mỹ về vấn đề này và liên minh liên tục tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế. Lượng dầu thô Nga chiếm khoảng 27% dầu thô nhập khẩu vào châu Âu, trong khi than đá Nga chiếm 47% than đá nhập khẩu vào châu Âu và con số với khí đốt nhập khẩu là 41%. Những dư âm của cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu vào năm 2006 và 2009 vẫn chưa hoàn toàn biến mất khi nước này trải qua tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Một trong những "nạn nhân" chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột châu Âu là các thỏa thuận kiểm soát vũ trang, vốn giữ vai trò nền tảng cho sự ổn định hạt nhân chiến lược trong hơn 50 năm qua. Mỹ đã rút khỏi một số thỏa thuận như Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo (ABM) nhưng hiện vẫn còn 2 thỏa thuận quan trọng khác là Hiệp ước New START và Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Một cuộc xung đột ở châu Âu sẽ khiến Mỹ và Nga không thể nhất trí về một hiệp ước kế tiếp sau khi Hiệp ước New START hết hạn vào năm 2026 và việc xem xét Hiệp ước NPT dự kiến diễn ra vào tháng 8/2022 cũng ngày càng xa vời. Điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang với ngày càng nhiều công nghệ mới như siêu thanh, tấn công mạng và trí tuệ nhân tạo. Một làn sóng phổ biến vũ khí hạt nhất mới cũng có thể diễn ra, đặc biệt khi các đối tác và đồng minh của Mỹ suy giảm niềm tin vào cam kết của Washington trong việc đảm bảo khả năng phòng thủ.
Xung đột ở châu Âu cũng khoét sâu những rạn nứt giữa các thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an với một bên là các nước phương Tây và một bên là Nga và Trung Quốc.
Cuối cùng cái giá của cuộc xung đột ở châu Âu là vô cùng lớn, đặc biệt trước sự phá hủy của các vũ khí hiện đại. Ngoài thiệt hại về người và cơ sở vật chất, vô số người tị nạn sẽ phải chạy sang Trung Âu hoặc Tây Âu tùy thuộc vào quy mô xung đột. Gánh nặng lên các hệ thống kinh tế và lạm phát gia tăng có thể khiến một số quốc gia bên bờ vực sụp đổ.
Giải pháp ngăn chặn
Theo tổ chức nghiên cứu Hội đồng quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), chính quyền Tổng thống Biden hiện có thể thực hiện một số nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột bùng nổ trên quy mô lớn hơn ở châu Âu.
Trước tiên, cần dừng việc cắt đứt các kênh đối thoại như các chính quyền trước đó từng thực hiện để phản ứng với Nga. Các kênh đối thoại giữa Nhà Trắng với Điện Kremlin hay giữa quân đội hai nước có vai trò vô cùng quan trọng để giảm thiểu hiểu lầm, vốn có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa 2 quốc gia. Ngoài ra, duy trì kết nối giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin thậm chí có thể tạo nền tảng cho việc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột trước khi nó lan ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Kế tiếp, các bên cần thận trọng trong việc đưa ra tuyên bố để đảm bảo rằng cuộc xung đột này sẽ không biến thành một mối đe dọa hiện hữu. Việc đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng nhằm giải quyết xung đột và hối thúc các bên đưa ra những điều khoản đàm phán hợp lý sẽ hiệu quả hơn là những cảnh báo đe dọa./.