Hé lộ ý đồ của Trung Quốc với Taliban và Afghanistan
VOV.VN - Một mặt, Trung Quốc khá thân thiện với Taliban; mặt khác, họ lo ngại nhóm này vẫn duy trì quan hệ với các tổ chức khủng bố. Do vậy, Trung Quốc vẫn tích cực hậu thuẫn cho chính phủ hiện tại của Afghanistan. Liệu Trung Quốc có can thiệp quân sự vào đây?
Lần đầu hé lộ tương đối rõ ý đồ của Trung Quốc đối với Taliban và Afghanistan
Cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và cuộc họp của nhóm làm việc giữa SCO và Afghanistan ở Dushanbe vào các ngày 13-14/7 đã soi rõ cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tình hình đang diễn biến mau lẹ ở Afghanistan.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bộc lộ rõ ý định và động cơ của Trung Quốc qua các hội nghị nói trên. Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã chuyển hướng sang vai trò chủ động hơn trong tiến trình hòa bình Afghanistan.
Các tuyên bố của ông Vương Nghị trong cuộc họp báo vào ngày 14/7 cho thấy Trung Quốc rất cảnh giác để tránh bị cuốn vào "cơn lốc" ở Afghanistan.
Trước tiên, Trung Quốc sẽ không can thiệp quân sự vào Afghanistan để tránh lặp lại sai lầm của Liên Xô và Mỹ trước đây.
Ngoại trưởng Vương Nghị xếp các quan ngại của Trung Quốc theo 3 hướng ưu tiên sau: Ngăn ngừa xung đột hiện tại phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện, khởi động nhanh đàm phán hòa bình, và loạt bỏ nguy cơ Afghanistan lại trở thành nơi đón nhận các nhóm khủng bố quốc tế.
Trung Quốc đã giao tiếp với cả chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lẫn tổ chức Taliban. Bắc Kinh được chính phủ Ghani ủng hộ do đã âm thầm ủng hộ họ trong tất cả các năm vừa qua. Bắc Kinh đánh giá cao việc chính phủ Ghani coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc cam kết theo đuổi mục tiêu ổn định tình hình Afghanistan và cam kết này không gắn với các điều kiện địa chính trị.
Taliban cũng nuôi dưỡng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Tuy nhiên hơn một lần, Ngoại trưởng Trung Quốc công khai bày tỏ rằng Trung Quốc bất an trước việc Taliban vẫn chưa đoạn tuyệt với tất cả các lực lượng khủng bố để quay về với dòng chảy chính của chính trị Afghanistan cùng "một thái độ tích cực đối với đất nước và người dân".
Với tư cách một nước láng giềng, Trung Quốc sẽ không áp đặt lên tập tục Hồi giáo của Afghanistan và sẽ thận trọng để tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước này nhưng họ cũng hiểu rõ rằng ranh giới giữa phong trào thánh chiến Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là khá mong manh.
Trung Quốc buộc phải thận trọng vì họ có dân số Hồi giáo lên tới 20-25 triệu người đang cư trú ở các khu vực miền trung và miền tây, đó là Tân Cương, Cam Túc, Ninh Hạ, v.v. mà về mặt địa lý rất gần với Trung Á.
Trung Quốc đối mặt với một nghịch lý: Vừa không ưa sự can thiệp của Mỹ, lại vừa lo lắng khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vì điều này có thể tạo đà phát triển cho các nhóm như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan - nhóm này đe dọa thành lập nhà nước độc lập cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Taliban "gọi Trung Quốc là bạn" nhưng Trung Quốc vẫn chú tâm vào chính phủ Afghanistan
Các phát ngôn viên của lực lượng Taliban đã gọi Trung Quốc là "một người bạn của Afghanistan". Nhưng Trung Quốc cũng rất đau đầu trước việc Taliban không được như kỳ vọng của nước này, do Taliban chưa quyết tâm đoạn tuyệt với tất cả các nhóm khủng bố.
Tất nhiên Trung Quốc không muốn cơ cấu nhà nước Afghanistan sụp đổ và tạo ra khoảng trống an ninh. Vì vậy, họ sẽ không ngừng hỗ trợ về vật chất, viện trợ nhân đạo, và vũ khí cho chính quyền Afghanistan, cũng không từ bỏ hợp tác tình báo để tăng cường các hoạt động chống khủng bố của Kabul.
Rõ ràng sự suy yếu của nhà nước Afghanistan là kịch bản ác mộng đối với Bắc Kinh. Về khía cạnh này, Trung Quốc và Iran có cách tiếp cận giống nhau. Họ đều có quan hệ tương đối thân thiện với chính quyền Afghanistan.
Trung Quốc có những mối quan ngại rất cụ thể về mặt an ninh. Việc lần đầu tiên nâng cấp Nhóm liên lạc SCO-Afghanistan lên cấp ngoại trưởng cho thấy nhận thức của Trung Quốc về tính cấp bách của tình hình.
Một bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhấn mạnh rằng "Quan điểm của Trung Quốc về Afghanistan vẫn không đổi và Trung Quốc vẫn tiếp tục ca ngợi chính phủ Afghanistan đã có những nỗ lực để ổn định đất nước bất chấp việc Taliban bày tỏ tình hữu nghị với Trung Quốc".
Ở đây thay vì tính đến chuyện can thiệp vào Afghanistan hậu Mỹ, Trung Quốc thực hiện cái nhìn xa hơn - dù bất kỳ lực lượng nào lên nắm quyền ở Afghanistan thì việc chống khủng bố vẫn là trách nhiệm quốc tế của Afghanistan và do đó là nền tảng cho quan hệ tương lai giữa Trung Quốc và Afghanistan./.