Hillary Clinton- những ưu thế và thách thức khi ứng cử Tổng thống
VOV.VN - Việc gần như là ứng viên duy nhất của Đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống năm 2016 vừa là một ưu thế vừa là một thách thức với bà Hillary Clinton.
Theo Reuters, danh tiếng trên toàn cầu cũng như việc thiếu một ứng cử viên của Đảng Dân chủ có khả năng thách thức bà Clinton khiến bà gần như “không có đối thủ” trong Đảng.
“Khiêu vũ giữa bầy sói”
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ coi bà là đối thủ duy nhất để họ “chĩa mũi dùi” trong cuộc tranh cử lần này.
“Tất cả các đối thủ của bà sẽ chứng tỏ họ là người cạnh tranh mạnh mẽ nhất với bà Hillary và là người có quan điểm cứng rắn nhất chống lại bà”, chiến lược gia của Đảng Dân chủ Joe Trippi, nhận định: “Họ sẽ đều mong hạ gục bà”.
Chính vì vậy, một thách thức nữa đối với bà Clinton là việc phải luôn giữ được động lực và tạo ra một không khí lạc quan trong khi "đơn thương độc mã” đối đầu với các ứng viên của Đảng Cộng hòa, với những người cho rằng bà chưa đủ độ cởi mở, cũng như với giới truyền thông.
Hai ứng viên Đảng Cộng hòa Jeb Bush và Rand Paul đã không mất nhiều thời gian để lên tiếng chỉ trích bà Clinton ngay sau khi bà chính thức công bố quyết định tham gia tranh cử của mình sáng sớm 13/4 (giờ Việt Nam).
Ông Bush viết trên tài khoản Twitter của mình: “Chúng ta phải làm tốt hơn cả bà Clinton”.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng lên tiếng hoài nghi về khả năng tranh cử của bà Clinton và nhấn mạnh ông muốn nghe cương lĩnh tranh cử của bà.
Nguy cơ phải “rải quân” ra nhiều mặt trận để đối phó với những lời công kích của bà Clinton sẽ khiến cho chiến dịch tranh cử của bà gặp rất nhiều khó khăn để có thể thu hút được sự chú ý của công chúng.
“Chắc chắn bà Clinton phải lựa chọn chính sách phòng thủ và mục tiêu của chúng tôi là ép bà ấy phải luôn trong tình trạng phòng thủ”, ông Jeff Bechdel, người phát ngôn của Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) của tổ chức Nước Mỹ trỗi dậy được thành lập để chống lại bà Clinton, nhận định.
Ưu thế để phản công
Một vài chuyên gia nhận định, cách duy nhất để bà Clinton có thể đánh bại đối thủ của bà chính là tận dụng vị thế cựu Ngoại trưởng của bà để truyền bá rộng rãi những đề xuất chính trị của mình.
Các chuyên gia này cho rằng, con đường chính trị của bà sẽ giúp cho những đề xuất của bà có “sức nặng” vượt trội so với các đối thủ của Đảng Cộng hòa như các Thượng Nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio.
“Một trong những năng lực đáng kể nhất của bà Clinton là việc có thể truyền tải những chính sách của bà ở mức gần như tương đồng với Tổng thống”, ông Trippi nhận định.
Ông Tad Devine, cố vấn tranh cử Tổng thống của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào năm 2000, cho rằng, bà Clinton vẫn còn cơ hội để tạo ra danh tiếng và tầm ảnh hưởng cho mình trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, cải cách tiền quỹ tranh cử cũng như các vấn đề kinh tế thiết thân với người dân Mỹ.
“Cách tốt nhất để tạo dựng hình ảnh tốt đẹp là công bố những chính sách mới. Việc tranh cử và thắng cử liên quan nhiều đến những vấn đề tương lai và cách tốt nhất để nói về tương lai là nói về những đề xuất chính trị mà bà ấy có thể thực hiện nếu bà trở thành Tổng thống Mỹ”, ông Devine nói thêm.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử cho bà Clinton viết trên tài khoản Twitter của mình rằng, ưu tiên hàng đầu của bà Clinton sẽ là “giúp các gia đình lao động tại Mỹ trở nên giàu có hơn” và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ý tưởng mới là quan trọng nhất
Ông Ari Fleischer, từng là Người phát ngôn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cũng cho rằng, bà Clinton không nên nói quá nhiều về năng lực của mình mà thay vào đó cần đưa ra nhiều ý tưởng mới.
“Bản sơ yếu lý lịch chỉ giống như tiền đã gửi trong ngân hàng. Bà ấy không thể nhét thêm tiền vào đó”, ông Fleischer nhận định, “thay vì thế, bà ấy cần phải chứng tỏ mình là người vừa có nhiều ý tưởng vừa biết quan tâm đến những chi tiết cụ thể nhất”.
Theo ông Fleischer, chính ông Bush cũng là một hình mẫu để bà Clinton có thể học hỏi. Ông đã vạch ra một cương lĩnh tổng thể bao trùm toàn bộ mọi lĩnh vực mà Đảng Cộng hòa cần phải làm rồi sau đó tập trung vào các sự kiện có thể giúp ông giành được những phiếu bầu quan trọng. Trong đó, có bài phát biểu của ông tại Iowa về kế hoạch cắt giảm thuế cũng như bản đề xuất về việc cải thiện an sinh xã hội, vốn đều xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo lúc đó.
Không chỉ có vậy, bà Clinton được cho là có những cộng sự nhiều kinh nghiệm hỗ trợ mình, trong đó có Giám đốc Truyền thông Jennifer Palmieri, người đã từng làm công việc tương tự dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người dân Mỹ dành cho bà Clinton cũng đã giảm sút đi nhiều sau các cuộc tấn công của phe Cộng hòa và của giới truyền thông.
Một cuộc điều tra của Reuters/Ipsos vào giữa tháng 1/2015 cho thấy bà Clinton nhận được sự ủng hộ của 50% cử tri Đảng Dân chủ. Con số này sau đó đã tụt xuống 38% vào cuối tuần qua./.