Hình mẫu Iran liệu có giúp giải bài toán hạt nhân Triều Tiên?
VOV.VN - Có những khác biệt lớn khiến cho hình mẫu giải quyết vấn đề hạt nhân Iran khó có thể áp dụng được với Triều Tiên.
Trung Quốc và Nga đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Liên minh châu Âu (EU) để có thể có được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu họ nghĩ rằng EU với các thành viên đầu tàu như Pháp, Đức có thể đóng vai trò tiên phong trong đàm phán để đi tới một thỏa thuận với Triều Tiên như những gì họ từng đạt được trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran cách đây 2 năm thì họ đã hoàn toàn sai.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nói rằng Bình Nhưỡng sẽ hoàn thành phát triển vũ khí hạt nhân để thiết lập thế cân bằng quân sự với Washington ở Đông Á. Ảnh: Reuters.
Nga và Trung Quốc hiện đang tăng cường tiếp xúc với Pháp và Đức – hai quốc gia chủ chốt có tiếng nói quan trọng bậc nhất trong EU. Động thái này là một trong những nỗ lực nhằm quốc tế hóa sâu rộng hơn nữa giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm hôm 15/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron nhất trí rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chỉ có thể bị kiềm chế thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, việc tiếp tục leo thang căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á là “không thể chấp nhận được” – ám chỉ những tuyên bố có phần “thái quá” của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Triều Tiên.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng trao đổi quan điểm về vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh đã thúc giục Paris và Berlin đóng một vai trò xây dựng trong việc nới lỏng căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ để thúc đẩy đối thoại giữa hai bên.
Pháp và Đức có quan điểm về Triều Tiên tương đối khác so với Anh – một quốc gia khác ở châu Âu. London luôn thống nhất quan điểm với Washington cho rằng Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Điều này được minh chứng rõ nét khi Thủ tướng Anh Theresa May luôn tỏ ra hờ hững với các cuộc đàm phán đa phương về Triều Tiên, thay vào đó chỉ tập trung yêu cầu Trung Quốc phải đóng góp hết mức có thể để gây sức ép với Triều Tiên.
Hình mẫu Iran
EU đã áp dụng các biện pháp chế tài mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên một cách có hệ thống. EU cũng thông qua một loạt hạn chế đối với Triều Tiên.
Kết quả đàm phán hạt nhân Iran từng được kỳ vọng sẽ là hình mẫu trong việc giải quyết những vấn đề nóng khác trên thế giới. Ảnh: US State Department. |
Liên minh châu Âu hiện đang thực thi Nghị quyết 2375 do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tuần trước để phản ứng với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3/9. Ngày 15/9, EU đã bổ sung 3 thực thể và 1 cá nhân của Triều Tiên vào danh sách hạn chế đi lại và đóng băng tài sản. Như vậy, cho đến nay, đã có 104 công dân và 59 thực thể của Triều Tiên bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách đen.
Liên minh châu Âu luôn ủng hộ các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Các nước EU cũng tin rằng, mô hình đàm phán dẫn tới việc hoàn thiện Kế hoạch hành động chung toàn diện (JPCOA) hồi năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) nhằm kiềm chế tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran hoàn toàn có thể được nhân rộng ở Đông Bắc Á.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung ngày 10/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ ra rằng các cuộc đàm phán đa phương với Iran về hoạt động hạt nhân của nước này là do chính các nước châu Âu khởi xướng. Sau đó, Mỹ, Nga và Trung Quốc mới tham gia. Khi ấy, EU tiếp tục giữ vai trò điều phối cùng với Liên Hợp Quốc.
Kinh tế và An ninh
Tuy nhiên, vấn đề là có một sự khác biệt rất lớn giữa chương trình hạt nhân của Iran với Triều Tiên. Nếu như Tehran luôn bác bỏ việc theo đuổi phát triển một quả bom hạt nhân thì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thẳng thừng nói rằng Bình Nhưỡng sẽ hoàn thành phát triển vũ khí hạt nhân để thiết lập thế cân bằng quân sự với Washington ở Đông Á. Phiên họp Đại Hội đồng LHQ: Triều Tiên vẫn là vấn đề trọng tâm
Iran được cho là chưa bao giờ sản xuất một loại vũ khí hạt nhân nào trong khi Triều Tiên đang bị nghi ngờ sở hữu một số lượng đầu đạn hạt nhân chưa được xác định.
Chính phủ Iran, rõ nét nhất là dưới thời của Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani luôn đặc biệt chú ý tới cách ứng xử với các cường quốc trên thế giới. Tehran không có ý định đối đầu vì nước này muốn mở cửa nền kinh tế vốn bị giới hạn khá nhiều bởi các lệnh trừng phạt.
Ở trường hợp của Triều Tiên, các hành động của Bình Nhưỡng [phóng tên lửa, thử hạt nhân – ND] dường như bị chi phối bởi những lo ngại về an ninh chứ không phải vì mục tiêu kinh tế.
Với sự khác biệt căn bản này giữa hồ sơ hạt nhân Iran và Triều Tiên, có thể thấy khả năng Pháp, Đức hoặc EU nói chung có thể thực sự thay đổi thế cờ hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên dường như là không tưởng. EU đã liên tục kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa “một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, đây là những ngôn từ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đơn giản không mấy quan tâm.
Việc yêu cầu châu Âu vào cuộc dường như cho thấy một điều là Trung Quốc và Nga đã cạn dần ý tưởng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng nếu ai đó kỳ vọng nó có thể mang lại đáp án khả dĩ hơn cho bài toán hạt nhân Triều Tiên thì chắc sẽ phải nghĩ lại./. Mỹ sẽ “ra tay” vì LHQ hết phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên