Hòa bình Trung Đông: Vẫn trong ngõ cụt

27/11 là tròn 1 năm Hội nghị về hoà bình Trung Đông tại Annapolis do Mỹ bảo trợ. Nhưng đến nay, tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn bế tắc.

Những diễn biến phức tạp trên chính trường Israel, đàm phán Israel- Palestine bất thành, bạo lực tiếp diễn xung quanh Dải Gaza, đe dọa “chôn vùi” thỏa ước ngừng bắn từ tháng 6 năm nay giữa Israel và Palestine, là bức tranh toàn cảnh hiện nay.

Hai tuần trước kỷ niệm 1 năm Hội nghị Annapolis, ngày 6/11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ C. Rice lại tiến hành chuyến công du mới (chuyến thứ 8 trong vòng 1 năm qua) đến Trung Đông để tham dự cuộc họp của nhóm “bộ tứ” đánh giá tiến trình đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestine được nối lại từ sau Hội nghị Annapolis.

Kết thúc chuyến thăm này, bà C.Rice đã phải thừa nhận Israel và Palestine khó có thể đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay. Một năm qua, nỗ lực của các bên chỉ dừng lại ở mức lãnh đạo Israel và Palestine gặp nhau theo định kỳ để bàn tới rồi lại bàn lui mà vẫn không tìm được tiếng nói chung trên 4 vấn đề cốt lõi là: quy chế của Jerusalem, quyền hồi hương của người tị nạn Palestine, phân chia biên giới và định cư của người Do Thái.

Trong đó, vấn đề phân chia Jerusalem - nằm trong chủ trương “đổi đất lấy hoà bình” của Thủ tướng tạm quyền Israel Ehud Olmert - là gay cấn nhất vì luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đảng phái Israel.

Một “cú đấm” nữa cho tiến trình hoà bình là người Israel vẫn tiếp tục công cuộc định cư của mình tại Bờ Tây khiến Ngoại trưởng Arabia Saudi, ông Saoud Al-Faycal phải thốt lên rằng, “tiến trình định cư này đã đạt tới mức có thể giết chết mọi hy vọng về một Nhà nước Palestine và làm cho nền hoà bình khó có thể ngự trị tại khu vực này”.

Còn Tổng thống Palestine M.Abbas thì cụ thể hơn khi nhấn mạnh rằng, “các khu định cư chính sẽ không cho phép thành lập một Nhà nước Palestine bởi nó chia khu Bờ Tây sông Jordan thành 4 phần, trong khi các giải pháp cho từng phần và tạm thời đều không giải quyết được gốc rễ cuộc xung đột”. Tệ hơn nữa, quân đội Israel gần đây phá hủy nhiều công trình xây dựng của người Palestine mà họ cho là “bất hợp pháp” ở Bờ Tây, gây phẫn nộ cho người dân địa phương, đe dọa nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai bên.

Một trở ngại nữa cho tiến trình hoà bình Trung Đông là chính nội bộ chính quyền Palestine cũng không có sự nhất trí với nhau. Sự đối đầu giữa lực lượng Fatah ôn hoà và phong trào Hamas theo đường lối cực đoan dẫn đến việc chia Palestine thành hai thực thể (khu Bờ Tây do Fatah nắm giữ, còn Dải Gaza do Hamas chiếm giữ), đang làm suy yếu, xói mòn sự nghiệp của người Palestine.

Quá trình hoà giải hai phe phái dưới sự trung gian của Ai Cập bất thành. Chính sách của Israel chia rẽ các phe phái Palestine bằng việc ủng hộ Fatah, cô lập và làm suy yếu Hamas cũng gây bất lợi cho tiến trình đàm phán Israel-Palestine. Trong khi đó, tình trạng bạo lực gia tăng tại các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây khiến Chính phủ Israel quyết định áp dụng các biện pháp cứng rắn; đặc biệt, các cuộc giao tranh tại Di Gaza hồi đầu tháng 11 này đang đe doạ phá vỡ tho thuận ngừng bắn mà Israel và Hamas phi khó khăn lắm mới đạt được hồi tháng 6 vừa qua.

Trước thực trạng trên, không chỉ bà C.Rice mà cả lãnh đạo Israel và Palestine cũng đều tỏ ý bi quan về tiến trình hoà bình Trung Đông. Thủ tướng tạm quyền Israel Ehud Olmert có lý khi cho rằng, thời gian cho việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đang cạn dần. Ông cũng nhấn mạnh cần phải quyết định ngay trước khi hết cơ hội thực hiện giải pháp này.

Nhưng thực hiện như thế nào khi mà chính quyền Israel và Palestine đều đang suy yếu và đang trong thời kỳ chuyển giao. Trong khi đó, rất có khả năng trong cuộc bầu cử tháng 2 tới tại Israel, đảng Likoud của ông Benjamin Netanyahu - người theo đường lối cứng rắn, đắc cử.

Mặc dù ngày 18/11 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc điện đàm với ông Mahmud Abbas, cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hoà bình ở Trung Đông, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với một Nhà nước Palestine độc lập chung sống bên cạnh Israel, nhưng Trung Đông không phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Barack Obama./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên