Hỏa lực HIMARS gây khó ở Kherson, Nga tìm cách hóa giải
VOV.VN - Mỹ đã và đang viện trợ pháo phản lực tầm xa cơ động cao HIMARS cho Ukraine. Loại vũ khí này đang gây khó khăn cho Nga ở mặt trận Kherson, buộc họ phải tìm phương cách hóa giải chúng.
Trong vài tuần gần đây, Nga ghi nhận việc bám trụ ở hữu ngạn sông Dnieper tại tỉnh Kherson (Nga mới sáp nhập từ Ukraine) là điều khó khăn.
Tư lệnh các lực lượng quân sự Nga ở Ukraine, tướng Sergei Surovikin, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi nhậm chức, thừa nhận rằng cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Nam Kherson đã khiến tình hình quân đội Nga tại đây “căng thẳng”.
Nga sau đó đã ra lệnh sơ tán dân khỏi hữu ngạn sông Dnieper, để họ trú tạm ở tả ngạn sông này hoặc một vùng nào đó sâu trong lãnh thổ Nga.
Những người ủng hộ Nga thì phân vân vì sao quân đội Nga chưa bám trụ chắc được ở đây, trong khi những người ủng hộ Ukraine thì băn khoăn vì sao quân đội Ukraine chưa đẩy được lực lượng Nga ra khỏi hữu ngạn sông Dnieper.
Nhân tố pháo phản lực cơ động cao HIMARS và yếu tố địa hình đứng đằng sau tình trạng này.
Năng lực pháo HIMARS
Ba đặc điểm nổi bật của hệ thống pháo HIMARS là độ chính xác, tầm bắn và khả năng cơ động.
Tướng về hưu Ben Hodges (cựu tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu) nói với CBS News rằng HIMARS phóng đầu đạn hơn 90kg đi xa tới hơn 80km, với độ chính xác trong vòng 3m tính từ mục tiêu.
Một quả tên lửa HIMARS có thể tạo được hiệu quả mà nhiều viên đạn pháo ít chính xác hơn không thể đạt được. 16 hệ thống HIMARS được đưa sang Ukraine vào tháng 6/2022 có vẻ giúp mang lại cho Ukraine thế cân bằng trước ưu thế số lượng lớn của pháo Nga. Hệ thống này cũng rất cơ động khi phải di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Tổ hợp HIMARS có thể bất ngờ xuất đầu lộ diện, di chuyển tới một điểm phóng thuận tiện rồi phóng một vài quả rocket trong khoảng ngắt quãng ngắn. Nếu bị phát hiện khi bắn, hệ thống có thể di chuyển sang vị trí khác để tránh phản pháo.
Tầm bắn và tính cơ động hội tụ trong HIMARS khiến phản pháo của đối phương rất khó bắn trả hệ thống này.
Nga tuyên bố đã phá hủy một số hệ thống HIMARS nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Nga chưa tiêu diệt được một bệ phóng HIMARS nào kể khi Ukraine bắt đầu sử dụng chúng vào tháng 6.
Trong bối cảnh Kherson, HIMARS mang lại cho phe Ukraine khả năng đánh xa và chính xác vào các mục tiêu mà Nga trước đây coi là an toàn.
Độ chính xác và tầm xa của hệ thống pháo phản lực HIMARS đã buộc Nga phải di dời các kho lưu trữ nhiên liệu và đạn dược sâu vào trong lãnh thổ Nga, tránh xa tiền tuyến.
Tướng Hodges giải thích: “Vì thế, Nga phải tăng cự ly di chuyển của xe trong lúc xe vẫn phải chở đạn dược rất nặng”.
Khi tuyến tiếp tế bị căng ra như thế, đối phương sẽ dễ bề thực hiện bắn phá bằng cách sử dụng UAV “lảng vảng” như là Phoenix Ghost. Hoạt động bắn phá này từ phía Ukraine có thể hạn chế hỏa lực pháo binh Nga nhắm vào các lực lượng Ukraine.
Tại Kherson, đặc điểm địa hình làm tăng thêm khó khăn trong tiếp tế cho lực lượng Nga kể từ khi họ buộc phải di dời các kho của mình ở tả ngạn sông Dnieper. Các tuyến tiếp tế của họ bị căng qua sông, mà hiện không có cầu cố định nào hoạt động bình thường do hỏa lực HIMARS gây ra.
Kết quả là, Nga buộc phải dùng phà để vận chuyển hàng hóa vượt sông - quá trình này sẽ chậm chạp. Có một điều may mắn cho Nga là đạn HIMARS sử dụng điều hướng bằng vệ tinh nên chúng sẽ vô dụng trước các mục tiêu di chuyển như phà.
Trước đó có các thông tin cho rằng Nga đang xây các cầu phao vắt qua sông Dnieper nhưng các thông tin này có thể sai hoặc Nga đã từ bỏ ý tưởng dùng cầu tĩnh dễ bị HIMARS bắn phá để chuyển sang dùng phà khó bị tấn công hơn.
Giải pháp và khả năng của Nga trong khắc chế HIMARS
Nga có khả năng tối thiểu hóa mối đe dọa từ pháo HIMARS bằng cách đẩy mạnh sử dụng các drone “lảng vảng” như Lancet. Trước đây, Nga không có nhiều loại vũ khí này. Nhưng gần đây, Nga đã gia tăng sử dụng Lancet cùng với tăng cường sản xuất UAV.
Vào ngày 30/10, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin: “Hai bệ phóng rocket phóng loạt HIMARS của Mỹ đã đánh trúng Zaporizhzhia”.
Việc các lực lượng Nga có vẻ chuẩn bị rời Kherson có thể là một chỉ dấu về khả năng Nga vẫn chưa có giải pháp hiệu quả đối phó với HIMARS.
Dường như Nga thành công hơn trong việc bắn hạ rocket HIMARS so với phá hủy cả hệ thống HIMARS. Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên thông báo số lượng lớn rocket HIMARS bị bắn rơi hàng ngày.
Ngày 1/11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố “trong 10 ngày qua, hơn 200 quả rocket do HIMARS phóng đã bị đánh chặn”.
Các ngày tiếp theo, quân đội Nga bắn hạ tiếp tên lửa HIMARS với số lượng như sau: Ngày 2/11, 14 quả; ngày 3/11, 13 quả; ngày 4/11, 9 quả, và ngày 5/11, 27 quả.
Trước đây, giới chức Mỹ tự tin nói rằng hệ thống phòng không của Nga không thể bắn hạ nổi tên lửa HIMARS. Thế nhưng việc cầu Antonovsky vẫn trụ vững (dù chỉ phù hợp cho giao thông nhẹ) sau khi bị HIMARS tấn công hàng tháng trời đã chứng minh điều ngược lại.
Rốt cuộc, việc Nga có chặn được cuộc phản công của Ukraine ở Kherson hay không sẽ tùy thuộc nhiều vào khả năng Nga hóa giải các hệ thống HIMARS do Ukraine triển khai.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã có gói viện trợ an ninh trị giá 625 triệu USD, cung cấp thêm cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS và 500 quả đạn chính xác M982 Excalibur dành cho lựu pháo 155mm M777.
Các quả đạn pháo M982 Excalibur có tầm bắn lên tới 57km với độ chính xác 4m.
Ngoài ra, với gói viện trợ USAI (sáng kiến viện trợ an ninh Ukraine 4/11) trị giá 400 triệu USD, Ukraine sẽ nhận được 40 thuyền bọc thép để chạy trên sông. Số thuyền nào có thể tạo mối đe dọa thực sự cho các chuyến phà của Nga vượt sông Dnieper./.