Hội nghị An ninh Munich: Điềm báo xung đột Nga - Ukraine còn lan rộng
VOV.VN - Hiện nay giới chức ngoại giao và an ninh của Mỹ, NATO có nhiều dấu hiệu tự xem mình đang trong trạng thái chiến tranh với Nga. Hội nghị An ninh Munich cho thấy, xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ lan rộng.
Phản ứng mạnh mẽ từ cựu Tổng thống Trump
Ông Donald Trump, trong một chiến dịch vận động tranh cử đã cảnh báo vào ngày 21/2 rằng “Thế chiến III chưa bao giờ gần như bây giờ” rồi ông quy trách nhiệm về “nguy cơ” này cho những người trong Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và bộ máy an ninh quốc gia của nước này.
Ông Trump đặc biệt lưu ý trường hợp Victoria Nuland - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị. Ông nói, bà Nuland bị “ám ảnh về việc đẩy Ukraine vào NATO”.
Theo tác giả Uwe Parpart, các tuyên bố của giới chức Mỹ và NATO trước và trong Hội nghị thượng đỉnh An ninh Munich (17-19/2) có thể khiến người ta ít nghi ngờ về mục đích của Mỹ trong xung đột Ukraine, được cho là nhằm thay đổi chế độ ở Nga và đánh bại Nga tới mức độ nước này phải đầu hàng vô điều kiện.
Nga cảnh giác
Tất nhiên Nga theo dõi sát sao các động thái đó.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố trong thông điệp liên bang của mình vào ngày 21/2 rằng Nga sẽ rút khỏi hiệp ước New START - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại với Mỹ. Ông Putin nói rằng thanh sát các cơ sở hạt nhân của Nga khi NATO trên thực tế đang tham chiến tập thể chống Nga là một ý kiến ngớ ngẩn. Ông cũng tái khẳng định khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng nếu sự nguyên vẹn của Nga bị đe dọa trực tiếp.
Ngày 13/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với phóng viên rằng Nga đã khởi động một cuộc tấn công lớn mới ở Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky và các quan chức dưới trướng cũng đưa ra các tuyên bố tương tự.
Ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng ông kỳ vọng Ukraine mở một cuộc tiến công riêng vào mùa xuân. Trong cuộc buổi họp báo với ông Austin, trước sự ngạc nhiên của các phóng viên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley phát biểu: “Nói ngắn gọn, Nga đã thua. Họ đã thua ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Và họ đang phải trả một cái giá lớn trên chiến trường”.
Sau đó, ông Milley nói tiếp rằng cuộc tiến công của Nga hiện chủ yếu ở vùng Bakhmut và tình hình ở đó khá “ổn định” dù rằng rất bạo lực. Ông ta cho rằng trận chiến ở Bakhmut mang tính tiêu hao, với nhiều thương vong, không có nhiều yếu tố của nghệ thuật cơ động tác chiến mà chủ yếu bao gồm các đòn tấn công trực diện, tấn công theo làn sóng, sử dụng nhiều pháo binh.
Sau đó, vào ngày 16.2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland nói rằng “Nga đã tuyên bố mở một cuộc tiến công mới”. Bà nhận xét, chiến sự rất tàn khốc ở phía Đông, tại các nơi như thành phố Bakhmut.
Mấu chốt nằm ở quyết tâm viện trợ của phương Tây
Giới chức Mỹ và NATO có thể có những phát ngôn khác nhau nhưng tựu trung, đa số họ tự xem bản thân đang trong trạng thái chiến tranh tổng lực với Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã nói rõ rằng ông đang đón nhận điều đó.
Tình hình trên thực địa đang giằng co và có vẻ chưa bên nào có thể mở một cuộc tiến công quyết định. Nhưng cuộc chiến tiêu hao thường có lợi cho bên có ưu thế áp đảo về dân số và công nghiệp, cụ thể ở đây là Nga.
Tướng Mỹ Mark Milley biết rõ điều đó và đã kêu gọi đàm phán. Nhưng viên tướng này vẫn tuân theo chỉ đạo chính trị của Tổng thống Mỹ Biden và đội ngũ của ông Biden.
Tướng Milley và các nhà quan sát có đầu óc thực tế khác thừa hiểu rằng nếu Ukraine thiếu viện trợ ồ ạt của NATO cũng như sự can thiệp trên thực địa nếu cần, thì Nga sẽ chiến thắng. Nga cũng đang nỗ lực cao độ để cắt đứt các tuyến tiếp tế từ Ba Lan và miền Tây Ukraine.
Liệu Ukraine có sử dụng pháo tầm xa của Mỹ để cố gắng tấn công cầu Kerch (Crimea) và các tuyến tiếp tế trên bộ của Nga cho mặt trận phía Nam? Đây chính là kịch bản leo thang gần như tất yếu nếu Mỹ không đánh giá rõ ràng và chính xác các lợi ích chiến lược của mình./.