Hội nghị thượng đỉnh EU với thông điệp đoàn kết
VOV.VN - Hội nghị lần này được rất nhiều người trông đợi sẽ tìm ra nguyên nhân của những vấn đề đang tồn tại bấy lâu nay trong nội bộ EU.
Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (16/9) nhóm họp tại thủ đô Bratislava của Slovakia để hoạch định tương lai của EU sau khi Anh rời khỏi khối. Hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần này được kỳ vọng là điểm khởi đầu của quá trình xây dựng một EU đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn để vượt qua những thách thức hiện nay.
Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ để lại khoảng trống lớn đối với EU. (Ảnh: Zuma Press)
Không thể phủ nhận một thực tế là EU hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó mối đe dọa về an ninh được cho là thách thức lớn nhất. Các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp tại một số nước ở châu Âu, những cuộc xung đột vũ trang hay nội chiến kéo dài tại các nước láng giềng châu Âu dẫn tới làn sóng người di cư không thể kiểm soát nổi, và những hệ lụy của chính sách chào đón người di cư đang tạo ra nỗi lo sợ và bất ổn trên toàn châu Âu.
Sự rạn nứt trong nội bộ của Liên minh châu Âu trong việc giải quyết những vấn đề này ngày càng lớn và cho đến nay vẫn chưa thể hàn gắn được. Đơn cử như cơ chế phân bổ hạn ngạch 160.000 người di cư tại Italy và Hy Lạp cho các nước thành viên của Liên minh châu Âu đang gây tranh cãi quyết liệt giữa các nước Tây và Trung-Đông Âu.
Hệ quả của nó là nhiều nước có cách giải quyết riêng của mình, như không chấp nhận người di cư, đặt ra mức trần nhận người di cư, xây dựng hàng rào biên giới ngăn người di cư, hay thắt chặt luật nhập cư….. Gần đây nhất Bộ trưởng ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn thậm chí đề nghị trục xuất Hungary ra khỏi EU bởi chính sách cứng rắn của nước này đối với người di cư.
Trong khi đó, EU vẫn còn bị sốc sau quyết định chia tay của người Anh trong cuộc trưng cầu ý dân ở nước này cuối tháng 6 vừa qua và dự đoán sẽ để lại một khoảng trống khá lớn trong việc thực hiện kế hoạch thống nhất và hội nhập của khối này.
EU sẽ yếu hơn khi không còn Anh bởi đây là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, là thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, là quốc gia có tiềm lực quân sự khá mạnh, là thành viên đóng góp ngân sách khá lớn cho EU, và là nước có đề xuất về thị trường tự do nhiều nhất. Sự ra đi của Anh cũng dẫn tới sự trỗi dậy của khuynh hướng cực hữu tại một số nước châu Âu, muốn ly khai khỏi EU.
Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU cần phải mổ xẻ, xác định nguyên nhân và tìm ra câu trả lời thích hợp tại hội nghị ở Bratislava.
Nếu quyết định của Anh được cho là xuất phát từ sự bất mãn của người dân đối với chính sách của EU ép buộc họ phải chấp nhận cơ chế tự do di chuyển nhân thể để đổi lấy tự do thương mại, thì người dân ở các nước Trung và Đông Âu không hài lòng với chính sách tị nạn của chính quyền trung ương EU. Lãnh đạo một số nước châu Âu còn đổ lỗi cho EU dẫn tới sự ra đi của Anh, và sự thất bại của tổ chức này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu hiện nay.
Có thể nhận thấy rằng Liên minh châu Âu đang ở trong giai đoạn khủng hoảng, và điều này đã được chính Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker thừa nhận trong bài phát biểu của mình trước Nghị viện châu Âu hôm 14/9.
Ông Juncker đã phải thốt lên rằng, chưa bao giờ ông thấy các nước thành viên lại khó tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những thách thức của khu vực đến như vậy. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, bộ trưởng ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak cũng cảnh báo rằng, EU sẽ phải đấu tranh cho sự tồn tại của mình nếu như tổ chức này không tự làm mới lại mình khi Anh rời khỏi khối.
Theo các nhà phân tích, hội nghị tại Bratislava sẽ chuyển tải hai thông điệp chính đến người dân châu Âu. Một là 27 nước thành viên còn lại phải đoàn kết quyết tâm ở lại EU để thực hiện thành công kế hoạch thống nhất và hội nhập châu Âu. Hai là lãnh đạo EU phải hành động để lấy lại niềm tin của người dân và xua tan nỗi lo bao trùm về một khu vực mất an toàn hiện nay.
Thông điệp về đoàn kết đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đề cập trong bài phát biểu của mình. Ông kêu gọi châu Âu cần phải nỗ lực hơn nữa đề tăng cường tình đoàn kết vượt qua thách thức trong thời gian tới, không để những bất đồng tiếp tục chia rẽ nội bộ khối. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cũng thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu không để sự kiện Anh chia tay EU ảnh hưởng tới kế hoạch hội nhập của khối.
Còn giới lãnh đạo châu Âu cũng được cho là đã có những động thái muốn lắng nghe ý kiến từ các nước thành viên hơn. Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Bratislava, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và thủ tướng Đức Angela Merkel đã thực hiện một loạt những chuyến thăm ngoại giao con thoi tới các nước châu Âu, hay có các cuộc điện đàm chớp nhoáng với lãnh đạo một số nước để bàn về chương trình nghị sự của hội nghị.
Mặc dù còn quá sớm để có thể khẳng định những động thái trên là đủ để làm hài lòng người dân châu Âu, nhưng chúng cũng cho thấy giới lãnh đạo EU cũng đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề.
Vì vậy Hội nghị lần này được rất nhiều người trông đợi sẽ tìm ra nguyên nhân của những vấn đề đang tồn tại bấy lâu nay, đồng thời tìm ra cách thức để giải quyết trong thời gian tới. Nó cũng được hy vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho một trò chơi đổ lỗi cho nhau, và thay vào đó là sự chia sẻ, thiện chí lắng nghe và khả năng thỏa hiệp với nhau./.