Hy vọng tốt nhất của Nga ở Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ
VOV.VN - Các nhà phân tích cho rằng, hy vọng tốt nhất của Nga có thể là đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hậu thuẫn một số nhóm nổi dậy - để giúp họ duy trì các căn cứ ở Syria. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ quyền lực hoặc ảnh hưởng để thuyết phục lực lượng nổi dậy chấp nhận một thỏa thuận như vậy hay không.
Phản ứng của Nga sau khi chính quyền Syria sụp đổ
Trong gần 1 thập kỷ, hỏa lực Nga đã giúp ông Bashar al-Assad duy trì quyền lực. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày trở lại đây, Damascus đã nhanh chóng rơi vào tay lực lượng phiến quân, Tổng thống Syria bị lật đổ và được cho là phải chạy đến Moscow. Dẫn một nguồn tin từ Điện Kremlin, các hãng thông tấn và truyền hình nhà nước Nga cho biết, Nga đã cho ông Assad và gia đình tị nạn "vì những lý do nhân đạo".
Trong thời gian rất ngắn, Syria đã trải qua những diễn biến kịch tính nhất và Moscow không thể ngăn cản chúng.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố "cực kỳ quan ngại" về “những sự kiện kịch tính” và thông báo rằng ông al-Assad đã rời khỏi đất nước. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các hãng thông tấn Nga rằng ông không có gì để nói thêm. Bản thân Tổng thống Putin cũng không bình luận về Syria trong những tuần gần đây.
Theo nhà quan sát Steve Rosenberg, bằng việc cử hàng nghìn quân tới hỗ trợ Tổng thống Assad vào năm 2015, một trong những mục tiêu quan trọng của Nga là khẳng định bản thân như một cường quốc toàn cầu. Đây là sự thách thức to lớn đầu tiên của Tổng thống Putin với quyền lực và ảnh hưởng của phương Tây, thoát khỏi không gian Xô Viết cũ. Và đó dường như từng là một nỗ lực thành công khi năm 2017, Tổng thống Putin thăm căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria và tuyên bố nhiệm vụ của họ đã hoàn thành.
Trên thực tế, Nga đã hiện diện ở Syria "trong một thời gian dài". Nhưng điều này không chỉ dừng lại ở danh tiếng. Để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự, chính quyền Syria đã cho Nga thuê căn cứ không quân ở Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus trong 49 năm. Moscow đã đảm bảo được một chỗ đứng quan trọng ở phía Đông Địa Trung Hải. Các căn cứ này trở thành những trung tâm quan trọng cho hoạt động đi lại của các nhà thầu quân sự ra và vào châu Phi.
Hy vọng tốt nhất của Nga ở Syria
Mức độ hậu quả đối với Moscow sau khi ông al-Assad bị lật đổ vẫn chưa được xác định. Các nhà phân tích cho biết, câu hỏi then chốt là liệu Nga có thể đạt được thỏa thuận với chính phủ mới của Syria để giữ lại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim, nơi ông Putin đã có bài phát biểu chiến thắng vào năm 2017?
Nhà phân tích về Trung Đông tại Moscow Anton Mardasov cho biết ông không chắc liệu Nga có thể đạt được thỏa thuận như vậy hay không, vì Nga đã sử dụng các căn cứ đó để không kích dữ dội vào phe đối lập của Syria sau khi Điện Kremlin can thiệp vào cuộc nội chiến năm 2015. Việc mất các căn cứ ở Syria sẽ cản trở một số tính toán của Tổng thống Putin nhằm đưa Nga trở thành cường quốc thế giới vì chúng rất quan trọng với khả năng thể hiện sức mạnh của Điện Kremlin ở những nơi xa xôi như Tây Phi.
Ông Eugene Rumer, Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, đánh giá: "Syria là chỗ đứng thực sự duy nhất của Nga ở Trung Đông và Địa Trung Hải". Ông cho biết, chiến thắng của phe nổi dậy đã trở thành "một phần những gì Moscow phải trả cho cuộc xung đột ở Ukraine".
Chỉ vài năm trước, Syria nổi lên như một biểu tượng lớn nhất cho sự trỗi dậy của Nga trên trường thế giới. Các cuộc không kích toàn diện của nước này vào các nhóm đối lập đã chuyển hướng tình hình chiến sự có lợi cho ông al-Assad, gửi đi thông điệp rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để ủng hộ các đồng minh và khẳng định lợi ích của mình.
Giới quan sát cho rằng sự tập trung vào Ukraine khiến Nga mất cảnh giác khi cuộc tấn công mới của phe nổi dậy ở Syria bắt đầu. Nga đã tiến hành các cuộc tấn công chống lại lực lượng đối lập Syria, nhưng với cường độ yếu hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn can thiệp vào cuộc nội chiến. Một quan chức Mỹ nhận định, điều này là do nhiều máy bay Nga đã được rút khỏi Syria để hoạt động ở Ukraine.
"Các ưu tiên đã hoàn toàn thay đổi, không còn thời gian cho Syria nữa", ông Denis Korotkov, một nhà báo Nga nhận định.
Trong khi đó, người dẫn chương trình Nga Yevgeny Kiselev cho biết: "Tất nhiên chúng tôi không thờ ơ với những gì đang diễn ra ở Syria nhưng ưu tiên của chúng tôi là an ninh của nước Nga - những gì đang diễn ra trong khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
Có một thông điệp rõ ràng ở đây dành cho công chúng Nga. Đó là mặc dù Moscow đã đổ nguồn lực vào việc duy trì quyền lực của ông Bashar al-Assad tại Syria trong 9 năm nhưng nước Nga vẫn còn những điều quan trọng hơn cần phải lo lắng.
Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có cuộc hội đàm với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar vào 7/12, và ông Putin đã nói chuyện qua điện thoại với các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này trong những ngày gần đây.
Trong một dấu hiệu cho thấy Nga có thể tìm kiếm sự hòa giải với các thế lực mới của Syria, truyền hình nhà nước Nga ngày 8/12 dường như đã hạ giọng trong cách sử dụng ngôn từ để gọi các lực lượng đã lật đổ ông Assad.
Vào đêm 7/12, các chương trình phát sóng truyền hình nhà nước Nga gọi lực lượng trên là "những kẻ khủng bố" hoặc "những chiến binh" được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn nhưng đến sáng 8/12, truyền thông nhà nước Nga bắt đầu gọi họ là "phe đối lập có vũ trang" hoặc "các nhóm vũ trang".
Các nhà phân tích cho rằng, hy vọng tốt nhất của Nga có thể là đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hậu thuẫn một số nhóm nổi dậy - để giúp họ duy trì các căn cứ ở Syria. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ quyền lực hoặc ảnh hưởng để thuyết phục lực lượng nổi dậy chấp nhận một thỏa thuận như vậy hay không.
“Nếu Nga có thể bảo vệ được căn cứ của mình và đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể khá hài lòng”, ông Antonio Giustozzi, một học giả tại Viện Các quân chủng Hoàng gia Anh (RUSI), người đã theo dõi sự hiện diện của Nga tại Syria, cho biết.
“Tất cả phụ thuộc vào việc liệu ông Erdogan có thực sự có thể kiểm soát” lực lượng nổi dậy hay không, ông Giustozzi đánh giá.