Iran đề xuất sáng kiến để Mỹ và Saudi thoát khỏi “ngõ cụt” ở Vùng Vịnh
VOV.VN - Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Rouhani sẽ đề xuất “Sáng kiến hòa bình Hormuz” nhằm đảm bảo sự ổn định ở Vùng Vịnh.
Trong bối cảnh Mỹ đang sử dụng các bằng chứng “bị đặt câu hỏi” nhằm kêu gọi các nước lên án Iran, Tổng thống Hassan Rouhani dự kiến sẽ có cách tiếp cận khá khác biệt và sử dụng bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần này để đề xuất một thỏa thuận hợp tác nhằm ổn định và đảm bảo an ninh ở vùng Vịnh.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9, Tổng thống Rouhani sẽ đề xuất “Sáng kiến hòa bình Hormuz”. Ảnh: Reuters |
“Sáng kiến hòa bình Hormuz”
“Tôi sẽ mang thông điệp của Iran tới cộng đồng quốc tế”, Tổng thống Rohani ngày 23/9 cho biết, sau khi hạ cánh xuống New York (Mỹ) để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74.
“Người dân Iran đang phải hứng chịu cuộc chiến tranh kinh tế khắc nghiệt. Iran là một quốc gia phải chịu đựng và muốn mọi người trở lại với luật pháp và các cam kết của mình”, Tổng thống Rouhani nói.
Tổng thống Rouhani dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong ngày 25/9 và đề xuất “Sáng kiến hòa bình Hormuz”. Sáng kiến này đề xuất việc giảm các lực lượng nước ngoài trong khu vực mà Tổng thống Rouhani cho là “có thể gây ra nhiều vấn đề và mất an ninh”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như khá cởi mở với sáng kiến ngoại giao, bất chấp việc tháng 8 vừa qua, nước này đã kêu gọi Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc và Anh gia nhập một liên minh hàng hải ở Vùng Vịnh.
“Tôi không bao giờ loại trừ bất cứ điều gì… Chưa có gì được lên kế hoạch ở thời điểm này”, Tổng thống Mỹ tuyên bố khi được hỏi về khả năng gặp người đồng cấp Iran bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump có vẻ gần như ngay lập tức đã quay lưng lại với thái độ “không bao giờ loại trừ bất cứ điều gì” khi nhắc đến đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc làm trung gian đối thoại giữa Mỹ và Iran.
“Chúng tôi không cần một người trung gian”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên ngày 23/9. Ông Trump khẳng định, chính quyền Iran “biết phải gọi cho ai”.
Saudi dễ tổn thương nếu căng thẳng Mỹ-Iran leo thang
Mohammad Marandi, một chuyên gia về Mỹ tại Đại học Tehran nói với Sputnik rằng, sáng kiến mà lãnh đạo Iran đưa ra là lối thoát cho cả Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman (MbS) và Tổng thống Mỹ Donald Trump khỏi những chính sách “ngõ cụt” mà chính họ đã tạo ra.
“Iran không tìm kiếm xung đột. Iran đã đề nghị Saudi chấm dứt chiến tranh ở Yemen và tìm kiếm một giải pháp về lâu dài, nhưng Saudi Arabia cũng giống như Tổng thống Trump, đều tự đẩy mình vào ngõ cụt”, ông Marandi nói.
“Saudi đã tới để chiến thắng cuộc chiến ở Yemen trong 1 hay 2 tuần và khi cuộc chiến càng kéo dài, thì chính quyền Saudi càng ê chề, và Thái tử Mohamed càng bị mắc kẹt trong cuộc chiến này”, ông Marandi nhận định.
Theo ông Marandi, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang theo đuổi con đường tương tự như MbS và đang “lèo lái chính sách ngoại giao của Mỹ vào ngõ cụt”.
“Ông ấy nghĩ rằng thông qua chiến dịch sức ép tối đa và chiến tranh kinh tế - điều mà người Iran gọi là khủng bố kinh tế - ông ấy sẽ khiến Iran phải đầu hàng. Nhưng ông ấy đã thất bại… Cả Saudi Arabia và Mỹ dường như đang chịu chung số phận”.
Ông Marandi cho biết thêm, ngay cả nếu những tuyên bố của Mỹ và Saudi cho rằng Iran tiến hành các vụ tấn công hôm 14/9 là đúng, thì điều đó có nghĩa là những tên lửa và UAV này trước tiên phải di chuyển trong phạm vi gần các lực lượng Mỹ ở Vùng Vịnh. Chúng có thể đã bay qua tàu của hải quân Mỹ, xunh quanh căn cứ không quân hay bên dưới 1 chiếc máy bay nào đó khác.
“Nếu điều này là sự thật thì nó sẽ nói lên điều gì về khả năng quân sự của Mỹ? Về cơ bản, thì điều đó cho thấy các hệ thống vũ khí của Mỹ là vô ích”, ông Marandi nhấn mạnh.
“Trong khoảng vài năm qua, mỗi lần có một một cuộc tấn công bằng UAV nào đó được tiến hành thành công, chúng tôi lại nghe các học giả, các chuyên gia phương Tây nói rằng đó là do Iran đang cung cấp vũ khí cho lực lượng ở Yemen. Thế nhưng, cuộc tấn công [giữa tháng 9] cho thấy Saudi Arabia dễ bị tổn thương. Nếu Mỹ mắc phải sai lầm lớn khi quyết định tiến hành một cuộc tấn công Iran, hãy thử tưởng tương xem Iran có thể làm gì với Saudi”.
“Điều đó có thể là sự chấm hết đối với cả 2 chính quyền”, ông nhấn mạnh. “Chúng ta đang thấy nhiều người chạy khỏi bán đảo Arab tới châu Âu, và sẽ thấy một sự suy giảm kinh tế toàn cầu”.
“Chiến trường sẽ trải từ Địa Trung Hải tới Biển Đỏ, tới Hindu Kush, tới Trung Á và tất nhiên là tới cả Vùng Vịnh. Tôi không thấy một vị tổng thống bình thường nào lại để điều đó xảy ra, nhưng tôi không biết sự bình thường của Tổng thống Trump là ở mức nào”, ông Marandi nói về sự khó đoán của Tổng thống Trump./.
Quan hệ ngoại giao Mỹ-Iran: Từ đồng minh đến kẻ thù lớn nhất