Iran nâng mức làm giàu uranium: Nỗ lực ổn định Trung Đông quay về con số 0?

VOV.VN - Việc Iran nâng mức làm giàu uranium vượt xa ngưỡng cam kết đang khiến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và những nỗ lực nhằm ổn định Trung Đông đứng trước nguy cơ trở về con số 0.

Đúng ngày đầu tiên của Năm mới 2021, Iran đã thông báo ý định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, tức là trở về mức trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran đã gửi thư đến để thông báo ý định nâng mức làm giàu uranium lên 20% tại nhà máy hạt nhân ngầm Fordo, theo một luật mà Quốc hội Iran thông qua mới đây. Đây được xem là bước đi đáp trả đầu tiên của Iran sau vụ nhà khoa học hàng đầu nước này Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát cách đây 2 tháng.

Vì sao Iran cứng rắn trong việc làm giàu uranium?

Động thái này được đưa ra với nhiều lý do và vào thời điểm khá nhạy cảm. Thứ nhất, Iran mong muốn được giải phóng khỏi các nghĩa vụ hạt nhân, đặc biệt là sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh cách đây 2 tháng cũng như vào thời điểm 1 năm chỉ huy quân sự Iran Soleimani bị sát hại tại Iraq (3/1/2020). Sau vụ sát hại này, Iran cáo buộc Israel đứng sau trong khi phe cứng rắn nhất ở Tehran tuyên bố sẽ đáp trả và quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi cho phép sản xuất và lưu trữ ít nhất 120 kg uranium làm giàu 20% mỗi năm và kêu gọi tạm dừng các cuộc thanh tra.

Thứ hai, trong những ngày qua, Mỹ đã có nhiều động thái quân sự được cho là răn đe nhằm vào Iran khi điều 2 máy bay B-52, tàu khu trục tới Trung Đông. Chính vì thế, quyết định làm giàu uranium lên 20%, vận hành các máy ly tâm tiên tiến và trục xuất các thanh sát viên quốc tế khỏi Iran là nhằm gây áp lực lên các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sắp lên nắm quyền. Đây có thể là một "bước đi chiến lược" nhằm "hủy bỏ các lệnh trừng phạt, bảo vệ lợi ích của người dân Iran”.

Chính phủ Iran cũng ra lệnh trang bị và vận hành 1.000 máy ly tâm IR2M và 1.000 máy IR6, tại cơ sở Verdu và Natanz, trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 1 năm. Mục tiêu là sản xuất 500 kg uranium làm giàu thấp. Thứ ba, Iran cho rằng các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân (Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh) đang tìm cách "câu giờ" trong khi đợi cách tiếp cận khác với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Iran cũng cho rằng các cường quốc chưa thực hiện cam kết trong thỏa thuận, nhất là việc cứu vãn nền kinh tế nước này trước sức ép và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thứ tư, sự leo thang này mâu thuẫn với những gì Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán với chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, vì giới quan sát cho rằng Iran đang cố tình leo thang để giành điểm và áp đặt các điều kiện nới lỏng trừng phạt trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào. Thứ năm, việc làm giàu uranium lên 20% được cho là chỉ là tuyên bố bởi trước đó có thông tin cho rằng Iran đã nối lại các hoạt động làm giàu vào năm 2018, để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.

Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran

Vấn đề hạt nhân luôn là vấn đề nóng và cũng luôn là lá bài để Iran đưa ra mặc cả, đàm phán hoặc gây sức ép với các bên. Vấn đề này cũng luôn có nhiều tranh cãi khi Iran luôn tuyên bố chương trình hạt nhân là nhằm mục đích hòa bình, trong khi Mỹ, Israel hay các nước cho rằng đó là một bước để chế tạo bom hạt nhân gây nguy hiểm. Do đó, những động thái này của Iran trước hết là gây sức ép với Mỹ và các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân, liên minh châu Âu.

Thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 nhưng các bên vẫn tố cáo nhau việc bên này hay bên kia không tuân thủ các điều khoản trong đó. Có thể thấy, việc thỏa thuận này có được tiếp tục duy trì hay bị đổ vỡ hoặc ký thỏa thuận mới không phải là vấn đề quan trọng mà chính là việc các bên thực hiện nghiêm túc các cam kết đó hay không mới là vấn đề đáng bàn. Thực tế, các bên tham gia thỏa thuận này đều có những toan tính riêng và chung, cũng như không muốn mất đi quyền lợi, lợi ích từ thỏa thuận này.

Dư luận cho rằng, nhiều khả năng việc thực thi luật mới sẽ dẫn đến sự sụp đổ của thỏa thuận, đặc biệt nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận Iran làm giàu uranium lên 20%, vào thời điểm mà các bên tham gia thỏa thuận nhất quyết tăng cường cơ hội khôi phục nó, bất chấp việc Tehran vi phạm nhiều hạn chế của thỏa thuận đối với các hoạt động hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, chính phủ Iran cho biết họ có thể nhanh chóng đảo ngược các vi phạm của mình, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ, nhất là khi ông Biden, người nhậm chức vào ngày 20/1, nói rằng Mỹ sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân nếu Iran trở lại tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của mình.

Như vậy, mọi thứ vẫn để mở cho các bên. Công thức đàm phán mới trong đó các bên bị ảnh hưởng trở thành một phần chính của phương trình là công thức duy nhất có thể đảm bảo đạt được một thỏa thuận công bằng có tính đến mối quan tâm của tất cả các bên chứ không chỉ lợi ích của một bên.

Tương lai Trung Đông đầy bất ổn

Khu vực Trung Đông chưa bao giờ yên bình và luôn nằm trong các vòng xoáy của những bất ổn, xung đột, chiến tranh. Nhiều thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết trong năm 2020 nhưng nó chưa thể mang lại cho khu vực này một nền hòa bình bền vững bởi vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng nội bộ, khu vực cùng với những tác động, cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực này. Xung đột vẫn diễn ra ở Yemen, Syria, Libya, khủng bố vẫn hoành hành trong khi Lebanon, Iraq đang là điểm nóng, cùng với vấn đề dầu mỏ, hạt nhân của Iran.

Còn nhiều căng thẳng, bất đồng chưa được giải quyết thì việc Iran tuyên bố làm giàu uranium chắc chắn khiến cho Trung Đông "nóng" hơn trong năm 2021. Trước hết, Iran sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn từ cộng đồng quốc tế và có thể trở thành điểm nóng trong năm 2021 khi các nước lớn gây sức ép bằng hành động quân sự, hoặc tấn công vào các mục tiêu vệ tinh ở ngoài lãnh thổ Iran.

Thứ hai, các nước trong khu vực tăng cường phòng thủ, kể cả việc chạy đua vũ trang hạt nhân để ngăn chặn mối đe dọa của Iran.

Thứ ba, khu vực vùng Vịnh và vịnh Arab, vịnh Oman chắc chắn sẽ nóng lên với việc Iran tăng cường hoạt động quân sự. Động thái này cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động xuất khẩu dầu của các nước vùng Vịnh và giá dầu toàn cầu, nhất là khi căng thẳng leo thang.

Thứ tư, việc các nước trong khu vực liên kết lại với nhau cùng với Mỹ, Israel để đối chọi với Iran đang và sẽ là xu hướng trong năm tới. Tuy nhiên, điều này lại trở thành một mối nguy hiểm cho các nước khi mà Iran vẫn đang có ảnh hưởng hoặc được nhiều nhóm ủng hộ để cản trở sự liên kết này.

Thứ năm, các nhóm cực đoan, khủng bố đang gia tăng ở Trung Đông sẽ lợi dụng những rối ren, căng thẳng này để chống phá và kích động.

Mặc dù có những động thái cứng rắn liên quan đến việc làm giàu uranium, nhưng trên thực tế, Iran đang rất muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, với tuyên bố mới đây của Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định, Iran sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng những cam kết của mình. Ông cũng tái khẳng định quyết tâm nắm bắt “cơ hội” khi nước Mỹ sẽ chính thức có tổng thống mới vào tháng 1/2021. Trong khi đó, các bên tham gia ký kết còn lại là Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc chỉ có thể chờ đợi và hy vọng vào chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, khi mà ông Biden cho biết, một trong các ưu tiên nhiệm kỳ của ông là đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Iran tưởng niệm 1 năm tướng Soleimani bị Mỹ ám sát bằng tên lửa phóng từ UAV
Iran tưởng niệm 1 năm tướng Soleimani bị Mỹ ám sát bằng tên lửa phóng từ UAV

VOV.VN - Một lễ kỷ niệm tròn 1 năm ngày tướng Soleimani bị Mỹ ám sát bằng UAV vũ trang đã được tổ chức ở thành phố Kerman quê nhà của ông này ở Iran vào ngày hôm nay (3/1/2021).

Iran tưởng niệm 1 năm tướng Soleimani bị Mỹ ám sát bằng tên lửa phóng từ UAV

Iran tưởng niệm 1 năm tướng Soleimani bị Mỹ ám sát bằng tên lửa phóng từ UAV

VOV.VN - Một lễ kỷ niệm tròn 1 năm ngày tướng Soleimani bị Mỹ ám sát bằng UAV vũ trang đã được tổ chức ở thành phố Kerman quê nhà của ông này ở Iran vào ngày hôm nay (3/1/2021).

Một năm sau cái chết của Tướng Soleimani: Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh?
Một năm sau cái chết của Tướng Soleimani: Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh?

VOV.VN - Khi đồng hồ điểm từng giờ đến ngày 3/1/2021 – 1 năm sau cái chết của Tướng Soleimani, cả Mỹ và Iran đều cảnh giác cao độ về nguy cơ của một cuộc xung đột.

Một năm sau cái chết của Tướng Soleimani: Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh?

Một năm sau cái chết của Tướng Soleimani: Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh?

VOV.VN - Khi đồng hồ điểm từng giờ đến ngày 3/1/2021 – 1 năm sau cái chết của Tướng Soleimani, cả Mỹ và Iran đều cảnh giác cao độ về nguy cơ của một cuộc xung đột.

Iran gửi "quà Năm mới”- IAEA lo ngại thỏa thuận hạt nhân trở về con số 0
Iran gửi "quà Năm mới”- IAEA lo ngại thỏa thuận hạt nhân trở về con số 0

VOV.VN - Hôm qua (1/1), đúng ngày đầu tiên của Năm mới 2021, Iran đã thông báo ý định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, tức là trở về mức trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Iran gửi "quà Năm mới”- IAEA lo ngại thỏa thuận hạt nhân trở về con số 0

Iran gửi "quà Năm mới”- IAEA lo ngại thỏa thuận hạt nhân trở về con số 0

VOV.VN - Hôm qua (1/1), đúng ngày đầu tiên của Năm mới 2021, Iran đã thông báo ý định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, tức là trở về mức trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.