Iran tấn công chưa từng có vào Israel, lò lửa Trung Đông chực chờ lan rộng
VOV.VN - Cuộc tập kích của Iran ngày 13/4/2024 vào lãnh thổ Israel là chưa từng có tiền lệ. Trước đó, chưa bao giờ Iran ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel từ lãnh thổ của mình, chưa kể đến việc sử dụng cả một loạt UAV và tên lửa đạn đạo như lần này. Thùng thuốc súng Trung Đông có nguy cơ phát nổ.
Phản ứng khó tránh từ phía Iran
Vụ Iran trả đũa Israel được xem là khó tránh khỏi sau khi Iran tin rằng máy bay Israel đã ném bom một cơ sở ngoại giao của Iran ở thủ đô Syria vào ngày 1/4, làm chết một viên tướng hàng đầu của lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cùng một số cố vấn quân sự Iran khác.
Giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Iran đã phản ứng tức thời sau vụ không kích đó. Tổng thống Iran Raisi cáo buộc đó là một "tội ác hèn nhát" không thể bỏ qua được. Lãnh tụ tối cao của Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei, đã dùng bài phát biểu hàng tuần của mình để tuyên bố Israel sẽ bị "trừng phạt".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden rất chú ý đến các phát ngôn của ông Khamenei. Nhân viên chính phủ Mỹ ở Israel đã được lệnh ở yên trong các thành phố lớn. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói chuyện với những người đồng cấp trong thế giới Arab và yêu cầu họ hối thúc Iran giảm leo thang. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều hai tàu khu trục của hải quân nước này vào vùng biển khu vực. Ít nhất một trong hai tàu này mang hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến.
Câu hỏi đặt ra không phải là Iran có phản ứng hay không mà là phản ứng như thế nào. Đến nay, Iran đã phóng khoảng 200 UAV (máy bay không người lái) và tên lửa về phía lãnh thổ Israel. Không loại trừ khả năng Iran còn phóng thêm UAV và tên lửa. Tình hình căng thẳng hơn bao giờ hết.
Giáo chủ Khamenei không thể không trả đũa sau khi Iran cáo buộc Israel thực hiện một cuộc tấn công táo bạo vào lãnh sự quán của họ tại Syria. Từ góc nhìn của ông này, việc hành động quá ít hoặc không làm gì cả sẽ tạo ra một hình ảnh yếu đuối về chính quyền Iran, đồng thời có thể khuyến khích Israel thực hiện thêm các cuộc tấn công tiêu diệt các quan chức cấp cao của họ trong tương lai.
Ngược lại, nếu hành động quá mạnh tay, Iran có thể hứng chịu những phản đòn ác liệt của Israel. Quân đội Iran hiện nay là lạc hậu so với các đối thủ của mình. Cả giáo chủ Khamenei, Tổng thống Iran Raisi và giới tướng lĩnh Vệ binh cách mạng Iran có thể phát biểu mạnh mẽ nhưng họ đều ý thức rằng Iran chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện quy mô lớn với Israel - cường quốc quân sự hàng đầu khu vực Tây Á, chưa nói đến một xung đột mở rộng với Mỹ - cường quốc số 1 thế giới hiện nay.
Mỹ và Israel cân nhắc các rủi ro khi đáp trả
Hiện nay các nhà lãnh đạo Israel và Mỹ cần phải cân nhắc các rủi ro và những gì thu được nếu Israel tiến hành phản kích. Trong trường hợp kế hoạch phản kích được thông qua, họ sẽ phải xác định tiếp liệu họ sẽ chịu đựng được tình huống leo thang nguy hiểm trong bao lâu.
Đây không phải là kịch bản "chi phí thấp" đối với Mỹ. Hiện có hàng chục nghìn quân Mỹ đóng ở Trung Đông, từ Syria và Iraq cho tới Saudi Arabia và UAV. Tất cả các quân nhân này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran và những lực lượng ủy nhiệm của Iran.
Nếu xung đột lan rộng, các căn cứ quân sự Mỹ sẽ là các mục tiêu hấp dẫn cho phía Iran. Khi ấy, Mỹ có thể không đủ hệ thống phòng không để bắn rơi các quả đạn lao về họ từ nhiều hướng.
Hồi tháng 1/2020, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Trump ám sát tướng Iran Qassem Soleimani ở Iraq, Iran đã phải đợi 5 ngày trước khi lựa chọn ra cách phản ứng bằng việc phóng hơn 12 quả tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ Mỹ tại Iraq. Lần này Iran dành nhiều thời gian hơn (khoảng 2 tuần) để cân nhắc các phương án đáp trả.
Việc Iran cân nhắc lâu hơn là có lý. Iran có nhiều phương án ở trong tay, từ mang tính biểu tượng cho đến leo thang căng thẳng. Thí dụ, Iran có thể tận dụng mạng lưới ủy nhiệm của mình ở Trung Đông. Quân đội thường trực của Iran là khá yếu nếu so với tiêu chuẩn của Mỹ và Israel. Nhưng Iran có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho đối phương do Iran có mối quan hệ chiến lược với các nhân tố phi nhà nước như Hezbollah ở Lebanon, các nhóm chiến binh Palestine ở Gaza và Bờ Tây, lực lượng Houthi ở Yemen và cả các chiến binh ở Iraq và Syria.
Hồi tháng 1/2024, 3 quân nhân Mỹ tử vong ở Đông Bắc Jordan sau khi các dân quân có mối liên hệ với Iran đã thực hiện một cuộc tấn công bằng UAV vào một căn cứ của Mỹ tại đó.
Bên cạnh lực lượng ủy nhiệm, Iran cũng có thể sử dụng cơ quan tình báo của mình để tấn công các cơ sở ngoại giao của Israel hoặc chính các nhà ngoại giao Israel ở nước ngoài như họ đã từng thử như vậy ở Azerbaijan, Ấn Độ, Thái Lan và Gruzia cách đây một thập kỷ.
Thế còn Israel thì sao? Vào ngày 11/4/2024, Thủ tướng Israel Netanyahu nói với các phi công quân sự Israel rằng nước này sẵn sàng cho chiến tranh nếu điều đó cần thiết. Ông nói: "Chúng ta đặt ra một nguyên tắc đơn giản: Bất cứ kẻ nào tấn công chúng ta, chúng ta sẽ đánh lại họ".
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant tuyên bố: "Chúng tôi đã được chuẩn bị để bảo vệ bản thân cả trên bộ và trên không, trong sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác của chúng ta. Chúng tôi sẽ biết cách phản ứng".
Từ góc độ của Washington, việc Iran tấn công Israel là không thể bào chữa được. Tổng thống Mỹ Biden có thể ngày càng không hài lòng với chính sách của Thủ tướng Israel Netanyahu về Gaza nhưng ông vẫn khẳng định rõ ràng rằng Mỹ sát cánh với Israel một cách dứt khoát trong trường hợp Iran tấn công Israel. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã nói điều tương tự với người đồng cấp Israel trong cuộc điện đàm ngày 11/4, trong đó ông Austin khẳng định Israel có thể trông cậy vào "sự ủng hộ đầy đủ của Mỹ".
Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ Israel nếu Israel quyết định tấn công trực diện vào lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, khi ấy sẽ xuất hiện nguy cơ xung đột vũ trang lan rộng ra cả khu vực - điều mà Tổng thống Biden luôn cố gắng tránh, nhất là khi số lượng vụ tấn công bằng rocket và UAV vào lính Mỹ ở Iraq và Syria đã giảm trong 2 tháng qua.