Iran tính toán lại chiến lược ở Syria thời hậu Assad
VOV.VN - Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad buộc Iran phải đánh giá lại vai trò của mình trong khu vực và điểu chỉnh chính sách ở Syria theo thực tế mới.
Đối với Iran, Syria là mắt xích quan trọng trong “Trục kháng chiến” - một mạng lưới các liên minh và lực lượng ủy nhiệm được thiết kế để chống lại ảnh hưởng của phương Tây và gia tăng vai trò của Iran ở Trung Đông. Tuy nhiên, với việc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, Iran sẽ phải chấp nhận rằng ảnh hưởng của họ đã bị suy yếu đáng kể.
Syria là đồng minh chiến lược của Iran trong nhiều thập kỷ qua, đóng vai trò là cầu nối quan trọng để cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Syria cũng là một nền tảng chính trị để Iran củng cố mặt trận chống phương Tây và chống Israel.
Kể từ khi nội chiến Syria bắt đầu bùng phát vào năm 2011, Iran đã đầu tư nguồn lực đáng kể để ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, hỗ trợ cả về quân sự và kinh tế, cử các chuyên gia quân sự và lực lượng người Shiite đến Syria. Mối quan hệ liên minh này được coi là xương sống của Trục kháng chiến.
Tuy nhiên, chính biến ở Syria về cơ bản đã thay đổi cán cân quyền lực. Đầu tiên, các đảng phái chính trị mới ở Syria có khả năng sẽ “xa lánh” Iran để cải thiện quan hệ với phương Tây, các quốc gia Arab khác và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai, sự sụp đổ của chính quyền Assad làm suy yếu hình ảnh của Iran với vai trò là người bảo đảm sự ổn định cho các đồng minh. Ngoài ra, ảnh hưởng của Iran ở Syria bị suy yếu cũng làm phức tạp thêm vị thế của Tehran trong toàn bộ khu vực.
Đối với Iran, việc mất Syria với vai trò một đồng minh kiên định, là một thất bại chiến lược và điều này có thể dẫn đến mối quan hệ căng thẳng tiềm tàng với các nước láng giềng đang ngày càng coi Iran là nguồn gây bất ổn thay vì là một lực lượng tạo dựng sự đoàn kết.
Iran đứng trước ngã ba đường
Với vai trò nổi bật từng có trong cuộc xung đột ở Syria, Iran hiện đang đứng trước ngã ba đường: hoặc phải xem xét lại ảnh hưởng của mình tại Syria hoặc có nguy cơ mất đi một đồng minh chiến lược.
Tehran hy vọng sẽ duy trì được mối quan hệ chiến lược với Damascus, ngay cả khi các phe nhóm chống đối chính quyền Assad trước đây lên nắm quyền. Tuy nhiên, các quan chức Iran tỏ ra hoài nghi về chính quyền mới ở Syria - những người có thể xem xét lại mối quan hệ chặt chẽ có truyền thống hàng thập kỷ giữa Syria với Iran.
Trong nhiều thập kỷ, Syria là một nhân tố chủ chốt trong chiến lược Trung Đông của Iran, đóng vai trò là đồng minh quan trọng trong Trục kháng chiến. Thông qua Syria, Iran đã hỗ trợ Hezbollah ở Lebanon và theo đuổi tham vọng địa chính trị của mình. Tuy nhiên, sự nổi lên của các nhóm đối lập Syria - nhiều lực lượng trong số đó được phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh hậu thuẫn - có thể gây nguy hiểm cho mô hình hợp tác này.
Các nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh cam kết duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế với chính quyền mới ở Damascus. Mặt khác, Tehran cũng lo ngại rằng chính quyền mới của Syria, với mong muốn khôi phục quan hệ với các quốc gia Arab và phương Tây, có thể sẽ xa lánh Iran, thậm chí một số nhóm đối lập có thể công khai phản đối sự hiện diện của lực lượng Iran.
Những lo ngại này xuất phát từ thực tế nhiều thành phần chủ chốt trong lực lượng đang kiểm soát Syria có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia có truyền thống chống lại ảnh hưởng của Iran. Tehran không loại trừ khả năng, khi thế lực mới lên nắm quyền, Syria có thể trở thành bàn đạp để kiềm chế Iran.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng, chính biến ở Syria không đồng nghĩa với việc Iran mất hoàn toàn ảnh hưởng ở đây. Lực lượng Taliban, phong trào Hồi giáo Sunni ở Afghanistan, từng lục soát phái bộ ngoại giao Iran ở Mazar-e-Sharif và sát hại một số nhà ngoại giao vào năm 1998. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, Tehran đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác tốt với Taliban, đặc biệt là sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul vào năm 2021.
“Những gì xảy ra ở Syria chắc chắn là một bước lùi tạm thời đối với Iran, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng Iran biết cách nắm bắt cơ hội và quen thuộc với việc thay đổi để thích ứng với môi trường bất ổn. Iran biết cách ứng biến trong một cuộc chơi dài hạn”, Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận xét.
Kỷ nguyên mới, cơ hội mới?
Bình minh của một kỷ nguyên mới ở Syria chắc chắn sẽ tác động đến địa chính trị Trung Đông nói chung, trong đó có cả Iran.
Tương lai mối quan hệ Iran-Syria trong thực tế mới này vẫn còn chưa chắc chắn. Tehran sẽ cần phải thích nghi với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi và tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình, đặc biệt là khi các đòn bẩy truyền thống giờ đây có thể không còn đủ hiệu quả.
Chuyên gia người Nga, Farhad Ibragimov cho rằng, Iran sẽ phải tìm kiếm các công cụ và phương tiện mới để gây ảnh hưởng, bao gồm quan hệ đối tác kinh tế, ngoại giao văn hóa và hỗ trợ tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Ngoài ra, Iran có thể tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh khu vực khác để bù đắp cho những tổn thất tiềm tàng. Điều này sẽ đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng thỏa hiệp.
Mặt khác, kỷ nguyên mới này cũng mở ra nhiều cơ hội cho Iran. Sự thay đổi quyền lực ở Syria có thể mang đến cơ hội để thiết lập các mối quan hệ cân bằng hơn, không chỉ dựa trên hợp tác quân sự mà còn dựa trên các dự án kinh tế cùng có lợi. Cách tiếp cận như vậy có thể củng cố hình ảnh của Iran như một quốc gia cam kết duy trì ổn định trong khu vực, đặc biệt là trước áp lực ngày càng tăng từ phương Tây và các quốc gia Arab.
Tuy nhiên, chương mới này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức. Iran sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thế lực quốc tế khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và các nước phương Tây đang muốn gia tăng ảnh hưởng ở Syria. Điều này có nghĩa là Tehran phải đánh giá lại chiến lược dài hạn của mình và tìm kiếm những cách thức mới để hợp tác với nhiều đảng phái chính trị khác nhau của Syria.
Trong khi đó, các chuyên gia Iran tin rằng giới lãnh đạo mới của Syria sẽ thận trọng khi hợp tác với Iran và sẽ hướng tới mục tiêu tránh phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào.