Iran và Israel bên bờ vực chiến tranh: Mỹ, Nga im lặng
VOV.VN - Nhiều người cho rằng điều đáng chú ý trên thực địa Syria trong những ngày qua không chỉ là căng thẳng Iran - Israel mà còn là sự im lặng của Nga và Mỹ.
Căng thẳng Iran – Israel leo thang
Sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran trên bầu trời Syria trong những ngày qua đã cho thấy cuộc chiến "ngầm" giữa 2 nước này trong 2 năm qua đang dần trở thành một cuộc chiến công khai.
Ngày 20/1, Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích ở khu vực thủ đô Damascus sau khi Iran khai hỏa một tên lửa tầm trung về phía bắc Israel. Đêm 21/1, Israel tiếp tục thực hiện đợt tấn công thứ 2 với quy mô rộng hơn vào các mục tiêu của Iran ở Syria.
Phòng không Syria ngăn chặn các tên lửa của Israel được cho là nhằm vào các mục tiêu của Iran ở Damascus ngày 21/1/2019. Ảnh: AFP |
"Bất cứ ai làm tổn hại chúng tôi, chúng tôi sẽ gây tổn hại cho họ. Bất cứ ai đe dọa phá hủy chúng tôi đều sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố mạnh mẽ ngày 20/1.
Israel luôn coi Iran là kẻ thù lớn nhất và khi cuộc chiến ở Syria dần ngã ngũ, quốc gia này nhiều lần cảnh báo sẽ không để quân đội Iran - lực lượng sát cánh cùng chính quyền ông Assad - tiếp tục hiện diện lâu dài ở Syria sau chiến tranh.
Israel và Iran hiện đang rơi vào một cuộc xung đột trực tiếp và công khai ở Syria - một diễn biến được đánh giá là không mấy bất ngờ bởi trong cuộc nội chiến 8 năm ở Syria, hai nước đã tồn tại nhiều căng thẳng và những cuộc đấu đá ngầm.
Đằng sau sự “im lặng” của Nga và Mỹ
Điều đáng chú ý ở đây không phải là cuộc xung đột Iran - Israel mà là sự yên ắng bất thường của Nga và Mỹ - hai cường quốc đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng khi cuộc chiến Syria đã đến hồi kết.
Trong những năm gần đây, các nhà phân tích địa chính trị đều nói về sự chuyển giao ở Trung Đông từ một hệ thống quốc tế nơi mà Mỹ là siêu cường duy nhất sang một sự cân bằng "đa cực" hơn. Nhưng điều đang xảy ra ở Syria lại là một tình huống có vẻ giống như là "vô cực".
Nga làm như đã có các kế hoạch cho tương lai của Syria nhưng dường như không làm gì nhiều để thực hiện các kế hoạch ấy. Trong khi đó, càng ngày Mỹ càng không còn nhiều "mặn mà" với Syria và khu vực xung quanh.
Đặc biệt, ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo Mỹ rút 2.000 quân khỏi Syria một cách "nhanh chóng" và "đầy đủ", đồng thời khẳng định IS đã bị đánh bại. Tuy nhiên, 1 tháng sau tuyên bố của ông Trump, người ta vẫn không rõ sự rút quân "nhanh chóng" là trong bao lâu và khi nào, cũng như "quá trình" này có thực sự diễn ra "đầy đủ" như ông Trump đã tuyên bố không.
IS rõ ràng chưa bị đánh bại dù tổ chức khủng bố này đã mất gần hết các thành trì mà chúng chiếm được, do đó, Mỹ có thể vẫn sẽ hiện diện ở các khu vực biên giới giữa Syria và Iraq trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù có một vài sách lược hoặc chiến lược được điều chỉnh thì Mỹ hầu như sẽ không thay đổi cán cân quyền lực bên trong Syria.
Hai cuộc tấn công gần đây của IS chống lại các lực lượng của Mỹ ở Manbij và mối quan hệ "lúc nóng, lúc lạnh" giữa chính quyền Tổng thống Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách của Mỹ tại Syria.
Mặc dù Mỹ luôn khẳng định bảo vệ người Kurd và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải đảm bảo an toàn cho lực lượng này tại Syria sau khi Washington rút quân nhưng thực tế mối quan hệ giữa Mỹ và lực lượng người Kurd giống như một "cuộc hôn nhân đầy toan tính" hơn là những nghĩa vụ tự nguyện.
Mỹ không có đối tác khu vực đáng tin nào khác trong cuộc chiến tiêu diệt IS nên đã sử dụng các tay súng người Kurd cho mục đích này. Người Kurd thì lại dùng sự ủng hộ về ngoại giao và quân sự của Mỹ để tăng cường khả năng phòng vệ, chống lại các kẻ thù và có được ảnh hưởng với chính quyền ông Assad nhằm đảm bảo một vị thế vững chắc hơn. Mỹ chưa bao giờ cam kết sẽ giúp người Kurd thành lập một khu tự trị ở đông bắc Syria. Nhưng Mỹ càng duy trì sự hợp tác quân sự lâu hơn với người Kurd thì Mỹ sẽ càng lún sâu vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" và nảy sinh nhiều bất đồng hơn với đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, ảnh hưởng, lợi ích, mối quan hệ lâu dài trong hàng thập kỷ với ông Assad và những diễn biến trên thực địa khiến Iran và Nga có tiếng nói trên bàn đàm phán nhiều hơn là Mỹ. Bên cạnh đó, từ thực tế những cuộc can thiệp dai dẳng ở Iraq và Afghanistan, Mỹ không muốn lặp lại sai lầm ấy ở Syria và không còn coi quốc gia Trung Đông này nằm trong những lợi ích quốc gia quan trọng của Washington nữa.
Năm 2018, Nga hứa hẹn sẽ giữ lực lượng của Iran nằm cách biên giới Israel ít nhất 60km, cũng như tuyên bố rằng Moscow sẽ giúp nâng cấp khả năng phòng không của Syria nhằm chống lại các cuộc tấn công của Israel nhưng thực tế là không có điều gì đã xảy ra. Nga không có bình luận gì và cũng không có bất kỳ hành động gì đáng kể trên thực địa trong những tháng gần đây.
Quân cảnh Nga thỉnh thoảng được triển khai tại các chốt kiểm tra ở Cao nguyên Golan nhưng họ không ngăn cản Iran thành lập các chốt giám sát các vị trí của Israel. Nga cũng không làm gì để di dời căn cứ phía Nam Damascus - nơi mà Iran hiện đang có hàng nghìn quân đồn trú.
Ngoài ra, mặc dù Nga đã chuyển hệ thống tên lửa đất đối không mới cho Syria nhưng không có sự nâng cấp đáng kể, và chắc chắn không đủ để ngăn chặn các cuộc không kích của Israel vẫn liên tục diễn ra, bất chấp sự không hài lòng của Moscow.
Sự thiếu nhiệt tình trong các động thái của Nga không có nhiều ngạc nhiên. Theo trang Haaretz nhận định, Điện Kremlin chỉ muốn tạo ấn tượng rằng họ đủ khả năng kiểm soát các vấn đề ở Syria. Nhưng sự thực là, Nga chỉ có 2 mục tiêu cơ bản ở đây là: đảm bảo an toàn cho chính quyền ông Assad và thiết lập các căn cứ không quân và cảng biển của nước này ở biên giới Địa Trung Hải của Syria.
Việc cắt giảm các hoạt động của Iran và Israel ở Syria sẽ cần nhiều nguồn lực ngoại giao và quân sự hơn là những gì Nga dự định sẽ đầu tư. Trong khi đó, rõ ràng điều mà Israel mong đợi lúc này là xây dựng được mối quan hệ hòa hợp với lãnh đạo Nga nhằm đảm bảo sẽ không có cuộc xung đột trực tiếp nào giữa 2 quốc gia trên bầu trời Syria.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là bản chất cuộc chiến ở Syria từ năm 2011. Không bên nào, gồm cả ông Assad hay các thế lực bên ngoài có thể kiểm soát toàn bộ Syria. Nga muốn các căn cứ, Mỹ chỉ muốn rời khỏi đây - một nơi mà ông Trump cho là chỉ toàn "cát và chết chóc". Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến kiểm soát các khu vực phía bắc và tiêu diệt lực lượng người Kurd. Iran muốn một vị trí đổ bộ có vai trò như một cầu nối trong tham vọng “Trăng lưỡi liềm Shia” bao quanh Iraq và Lebanon, trong khi Israel quyết tâm làm mọi cách để ngăn chặn kế hoạch của Iran.
Khi các cường quốc trên thế giới để lại khoảng trống ở Syria, cuộc chiến giữa Israel và Iran sẽ ngày càng leo thang mà không có ai ngăn chặn. Và có thể, trước khi kết thúc cuộc chiến này, Trung Đông lại bước vào một cuộc chiến mới./.