Israel sẽ nhận trái đắng sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ?
VOV.VN - Nhà bình luận chính trị người Nga Viktor Marakhovsky đã phân tích sự lựa chọn khó khăn mà Israel sẽ phải đưa ra sau vụ việc máy bay trinh sát IL-20 bị bắn hạ.
Quan hệ giữa Nga và Israel đang leo thang căng thẳng sau khi Nga đổ lỗi cho Israel liên quan đến vụ chiếc máy bay trinh sát quân sự IL-20 bị bắn hạ ngoài khơi Syria khiến 15 quân nhân thiệt mạng hôm 17/9, trong khi đó, Israel lại cho rằng chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm.
Máy bay Il-20 đã trở về căn cứ của Nga trên bờ biển phía tây bắc của Syria. Ảnh: bbc.com |
Phản ứng của Nga nói lên điều gì?
Tình huống và bối cảnh sau vụ máy bay IL-20 bị bắn hạ vẫn tiếp tục được làm rõ. Tổng thống Nga Putin đã đưa ra lập trường cơ bản của Nga về vấn đề này, cho rằng, vụ việc là kết quả của một chuỗi tình huống bi kịch và bất ngờ. Theo nhà bình luận chính trị người Nga Viktor Marakhovsky Marakhovsky, sẽ là một sai lầm lớn để cho rằng, quan điểm ông Putin đưa ra đồng nghĩa với việc Nga chỉ “nhún vai và nói “ồ, các vị có thể làm gì được”, những tình huống như vậy không phải là hiếm và chúng tôi chẳng giận dữ ai cả”. Thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Đây chính xác giống như bối cảnh mà nhà chính trị Lazar Kaganovich dưới thời nhà lãnh đạo Stalin từng nhận xét, đó là “mỗi vụ tai nạn đều đi kèm với họ, tên và tiêu đề”.
Ông Marakhovsky nhận định: “Trong trường hợp này trước hết chúng ta đang nói tới sự hy sinh của 15 quân nhân Nga. Thứ hai, là bối cảnh và lý do tại sao chuỗi bi kịch này lại xảy ra. Thứ ba, là cách thức để ngăn chặn những thảm kịch này tái diễn một lần nữa”. Xét đến những lý do kể trên, lập trường mà Israel công bố, cho rằng “người Syria đã bắn một cách nhầm lẫn và không thực sự biết cách sử dụng hệ thống phòng không của họ” là không thể chấp nhận được đối với Moscow.
Theo nhà phân tích này, trong cuộc chiến tại Syria, vốn được coi là minh chứng cho tình trạng nghịch lý trong thế giới của chúng ta, có sự can dự trực tiếp của một số quốc gia hùng mạnh nhất về mặt quân sự. Mỗi bên theo đuổi những mục tiêu và lợi ích riêng, khác biệt so với các bên còn lại. Số lượng binh sỹ bị thương vong của các cường quốc này trên chiến trường Syria rất thấp. Điều đó là bởi các bên đều biết kiểm soát tình hình thông qua hệ thống hợp tác nghiêm ngặt và một loạt thỏa thuận song phương do Nga điều phối. Như vậy, cuộc chiến tại Syria có lẽ là cuộc chiến mang tính ngoại giao và phụ thuộc vào các quy tắc nhiều nhất trong lịch sử hiện đại.
Thiếu hợp tác dẫn đến thảm kịch
Nga đã trở thành “bên điều tiết” cuộc chiến bởi nhờ sự hỗ trợ của Nga mà chính phủ Syria có thể củng cố và giữ vững vai trò cầm quyền, đồng thời giành lại từng tấc đất lãnh thổ từ phe đối lập và các lực lượng nổi dậy. Hơn nữa, không giống như Mỹ, Nga đã nghiên cứu, thấu hiểu và xem xét chủ quyền, lợi ích của các bên liên quan, trong đó có cả lợi ích của Israel. Điều này được thể hiện qua việc Nga và Israel đã xúc tiến nhiều cuộc đàm phán trong thời gian gần đây.
Hai bên đạt được thỏa thuận về việc rút các lực lượng ủng hộ Iran ra khỏi khu vực gần lãnh thổ Israel. Phía Nga cũng quyết định từ bỏ hợp đồng chuyển giao hệ thống phòng không S-300 trị giá nửa tỷ USD cho Syria, nhằm gạt bỏ mối lo ngại hệ thống này có thể vươn tầm bắn ra toàn bộ lãnh thổ Israel. Trên thực tế, Nga cũng chứng minh rằng nước này coi trọng quan hệ với Israel và hiểu rõ lập trường của Tel Aviv. Xét cho cùng, Israel không cần thiết phải giải thích cho Nga những mong muốn của nước này hay nguy cơ Israel đang phải đối mặt từ các lực lượng khủng bố ngầm.
Tuy nhiên, sự tôn trọng và thấu hiểu này không thể xuất phát chỉ từ một bên. Một mối quan hệ như vậy không thể phát triển một chiều. Việc không thấu hiểu lẫn nhau và vi phạm các nguyên tắc đã được thiết lập sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Ai Cập Adil Suleiman cho rằng, Israel bị chi phối bởi các lợi ích của nước này trong khu vực, và yếu tố đó cùng với sự thiếu hợp tác với Nga đã dẫn tới thảm kịch đối với máy bay quân sự Il-20. Nhà phân tích này cho rằng, “sự hợp tác đã không được thực thi đầy đủ, đặc biệt là ở phía Israel”.
“Israel không quan tâm tới bất cứ điều gì trừ lợi ích của nước này, đặc biệt là các hoạt động quân sự. Nước này không sẵn sàng chấp nhận tổn thất về mặt quân sự và không muốn yếu thế. Israel không quan tâm đến ai ở chiến tuyến bên kia, liệu đó có phải là quân đội Syria được trang bị bằng các loại vũ khí hiện đại của Nga hay bất cứ bên nào khác hay không”, ông nói.
Theo nhà phân tích này, vụ việc đáng nhẽ ra đã có thể tránh được nếu các bên hợp tác và cung cấp thông tin cho nhau ở mức độ cao hơn. Ông nhấn mạnh, sự hợp tác là cần thiết khi mà có quá nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ… can dự vào tình hình Syria.
Israel chỉ có 2 lựa chọn
Cần phải nhắc lại rằng, Mỹ, dù được coi là thế lực cạnh tranh và đối thủ chính thức của Nga, có quan hệ mâu thuẫn với Moscow, lại luôn tuân thủ các quy tắc trong cuộc chiến Syria và phối hợp hành động với các lực lượng vũ trang Nga. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang của Israel, vốn không phải là đối thủ của Nga và có mối quan hệ tích cực, mang tính xây dựng với quân đội Nga, vì một lý do nào đó, lại tự cho phép mình làm một việc mà ngay cả một cường quốc hạt nhân cũng không thể làm.
Chẳng hạn như, trong khi tiến hành 10 cuộc không kích vào lãnh thổ Syria, Israel chỉ thông báo cho Nga một cuộc. Gần đây nhất là vụ máy bay IL-20 bị bắn hạ tại Latakia, Israel chỉ thông báo cho Nga một phút trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Kết quả là một chuỗi các bị kịch xảy ra, dẫn đến cái chết của 15 binh sỹ Nga.
Do đó, khi vụ việc diễn ra, Israel đổ lỗi cho phía Syria là không phù hợp. Ngay từ đầu, một phần ý tưởng của các chính sách ngoại giao tại Syria là đảm bảo an toàn cho lực lượng an ninh của các nước đang hoạt động trong khu vực và tất cả các bên tham gia trong chính sách ngoại giao này cần phải nỗ lực làm việc để thực hiện điều đó.
Israel giờ có hai sự lựa chọn: Thứ nhất, nhận trách nhiệm đảm bảo rằng từ giờ trở đi sẽ không để xảy ra vụ việc đáng tiếc nào đối với máy bay của Nga và thứ hai là chối bỏ trách nhiệm, buộc Nga phải tự chịu tránh nhiệm đảm bảo an toàn cho các binh sỹ và cơ sở quân sự của nước này, mà không phụ thuộc vào bất cứ thỏa thuận nào với Israel.
Tuy nhiên theo chuyên gia Viktor Marakhovsky, không có lựa chọn nào là hài lòng đối với Israel. Bởi vậy, điều quan trọng là Israel phải giải thích với quân đội nước này rằng họ cần phải trân trọng tính mạng của các quân nhân Nga, tránh mọi tình huống gây xung đột./.
Nga có thể tìm cách ngăn Israel tiếp cận không phận Syria sau vụ IL-20