Israel tấn công tên lửa vào Syria, thực chất nhắm đến Iran?
VOV.VN - Theo nhận định của một số nhà quan sát, căng thẳng gần đây giữa Israel và Syria có thể liên quan đến Iran - quốc gia hiện duy trì quân đội và lực lượng ủy nhiệm ở Syria.
Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 22/4 cho biết đã tiến hành tấn công các bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không của nước láng giềng Syria để đáp trả cuộc tấn công một ngày trước đó gần Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân tối mật Shimon Peres Negev.
“Một tên lửa đất đối không được phóng từ Syria nhằm vào Negev ở miền Nam Israel. Để đáp lại, chúng tôi tấn công bệ phóng tên lửa này cũng như các bệ phóng tên lửa đất đối không khác tại Syria”, IDF đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Syria ra thông báo: “Vào khoảng 1h38 ngày 22/4 (giờ địa phương), Israel đã có động thái khiêu khích trên không khi sử dụng tên lửa từ Cao nguyên Golan tấn công các mục tiêu ở ngoại ô Damascus. Hệ thống phòng không của chúng tôi đã đáp trả và hạ được phần lớn các tên lửa. Vụ việc khiến 4 binh sĩ bị thương và gây nhiều tổn hại về vật chất”.
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cho biết, vụ tấn công xảy ra tại địa điểm thuộc thành phố Dumayr, cách thủ đô Damascus 45 km.
Vụ việc đánh dấu căng thẳng leo thang nghiêm trọng nhất giữa Irsael và Syria trong nhiều năm, hơn thế nữa, theo nhận định của một số nhà quan sát, vụ việc có thể còn có liên quan đến Iran. Iran – quốc gia hiện duy trì quân đội và lực lượng ủy nhiệm ở Syria đã cáo buộc Israel thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của họ, bao gồm cả sự cố tại cơ sở hạt nhân Natanz hôm 11/4 và thề sẽ trả thù. Căng thẳng mới phát sinh cũng đe dọa làm phức tạp thêm các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Quân đội Israel cho biết, tên lửa đánh vào khu vực Negev, còi báo động không kích đã vang lên tại một ngôi làng gần Dimona – nơi đặt lò phản ứng hạt nhân của Israel. Quân đội sau đó cho biết, những quả tên lửa này không gây thiệt hại.
Căng thẳng Israel - Iran là gốc rễ?
Không có tuyên bố nhận trách nhiệm hoặc bình luận được đưa ra ngay lập tức từ phía Iran. Tuy nhiên, hôm 17/4, tờ Kayhan của Iran đã đăng một bài báo của nhà phân tích Iran Sadollah Zarei cho rằng cơ sở Dimona của Israel sẽ là mục tiêu sau vụ tấn công cơ sở hạt nhân Natanz. Ông Zarei đã trích dẫn ý tưởng “ăn miếng trả miếng” trong nhận xét của mình.
Kayhan là một tờ báo có số lượng phát hành nhỏ. Tổng biên tập của tờ báo này là Hossein Shariatmadari – người được Lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei bổ nhiệm và được mô tả là có thời gian làm cố vấn cho ông Khamenei trong quá khứ.
Nhà phân tích Zarei viết: “Cần thực hiện hành động nhằm vào cơ sở hạt nhân ở Dimona. Điều này là do không có lựa chọn nào khác tương xứng để đáp trả sau sự cố ở Natanz”.
Lò phản ứng Dimona được nhiều người cho là trung tâm của chương trình vũ khí hạt nhân chưa được công bố của Israel. Israel không xác nhận cũng không phủ nhận rằng họ có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Đây không phải là lần đầu tiên Zarei đưa ra bình luận, gợi ý về các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Israel. Hồi tháng 11/2020, ông đề xuất ý tưởng Iran tấn công thành phố cảng Haifa của Israel sau khi Israel bị nghi ngờ có dính líu đến vụ giết hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran. Mặc dù vậy, Iran sau đó đã không có hành động trả đũa.
Israel và Iran là đối thủ không đội trời chung. Israel cáo buộc Iran đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân và phản đối các nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc với Iran. Với sự khuyến khích từ Israel, ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018.
Iran gần đây đã bắt đầu làm giàu một lượng nhỏ urani có độ tinh khiết lên tới 60% - mức cao nhất từ trước đến nay trong chương trình hạt nhân của họ, mức này đã khá gần với cấp độ để sản xuất vũ khí.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần tuyên bố Israel sẽ không cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Israel đã hai lần ném bom các quốc gia khác ở Trung Đông, nhằm vào chương trình hạt nhân của những nước này.
Những sự cố nêu trên xảy ra trong lúc Iran cùng với các cường quốc đang đàm phán ở Vienna, Áo về việc Mỹ có khả năng tái ký kết thỏa thuận vốn đã bị ông Donald Trump phá vỡ. Cho đến nay, các nhà đàm phán có mặt ở Vienna mô tả các cuộc thảo luận là mang tính xây dựng, dù họ thừa nhận sự cố xảy ra ở cơ sở hạt nhân Natanz có thể khiến không khí trên bàn đàm phán thêm căng thẳng.
Chính phủ Israel vẫn cho rằng thỏa thuận sẽ không giúp ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Phía Israel cũng bày tỏ thất vọng khi các nhà đàm phán không đề cập đến chương trình tên lửa tầm xa của Iran cũng như hoạt động của nước này hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm thù địch ở Lebanon, Syria và Dải Gaza.
Về phía Iran, Tehran khẳng định hoạt động hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình và đã kêu gọi quốc tế cần giám sát kỹ hơn cơ sở hạt nhân của Israel ở Dimona./.