Israel và đồng minh phối hợp chặn đòn tập kích của Iran thế nào?

VOV.VN - Israel và các đồng minh đã cùng nhau phối hợp, đánh chặn 99% trong số hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái trong cuộc tấn công của Iran ngày 13/4.

Hỗ trợ từ đồng minh Mỹ

Theo các quan chức Israel và Mỹ, hầu hết tất cả các tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái mà Iran phóng vào Israel trong cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có vào đêm 13/4 (giờ địa phương) đều bị đánh chặn và không nhắm trúng mục tiêu. Họ nhấn mạnh rằng, Israel và các đồng minh đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm để chặn tên lửa và máy bay không người lái của Iran.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Iran đã phóng hơn 300 vật thể bay, gồm 120 tên lửa đất đối đất, 30 tên lửa hành trình và 170 máy bay không người lái (UAV) trong cuộc tấn công kéo dài 5 tiếng vào Israel. IDF cho biết, hầu hết số vũ khí do Iran phóng đã bị đánh chặn trước khi rơi xuống lãnh thổ Israel.

Quân đội Israel ngày 14/4 cho biết, “99% trong số 300 tên lửa và UAV tên lửa do Iran phóng đã bị Israel và các đối tác của nước này đánh chặn, chỉ có “một số lượng nhỏ” tên lửa đạn đạo chạm tới Israel.

Trong cuộc điện đàm ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel đã giành chiến thắng vì không có “giá trị” nào bị ảnh hưởng, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với CNN.

Các quan chức Mỹ cho biết, tàu hải quân và máy bay quân sự Mỹ đã chặn hơn 70 máy bay không người lái và 3 tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công của Iran vào Israel. Tuy nhiên, phía Mỹ không đưa ra thông tin chính xác về hệ thống phòng thủ nào đã được sử dụng để bắn hạ tên lửa và UAV.

CNN dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Hải quân Mỹ đã bắn hạ ít nhất 3 tên lửa đạn đạo bằng cách sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường ở phía đông Địa Trung Hải. Hải quân Mỹ hiện có hai tàu khu trục ở khu vực, cả hai đều là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường có khả năng đánh chặn các tên lửa và máy bay không người lái.

Máy bay chiến đấu của Mỹ cũng giúp bắn hạ các UAV của Iran phóng về phía Israel. Dù không tiết lộ nơi các máy bay phản lực Mỹ hoạt động nhưng có các tàu sân bay của Hải quân Mỹ và máy bay chiến đấu nằm trong phạm vi hoạt động của khu vực.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết Mỹ đã chuẩn bị tốt để giúp bảo vệ Israel trước cuộc tấn công của Iran.

“Để hỗ trợ Israel phòng thủ, quân đội Mỹ đã điều động máy bay và tàu khu trục phòng thủ tên lửa tới khu vực trong tuần qua. Nhờ những đợt triển khai này và kỹ năng đáng kể của các quân nhân, chúng tôi đã giúp Israel hạ gục gần như toàn bộ máy bay không người lái và tên lửa của Iran lao tới”, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay.

Anh cho biết họ cũng sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ Israel bằng cách sử dụng máy bay của Không quân Hoàng gia Anh có trong khu vực.

“Những máy bay phản lực của Anh sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công trên không nào trong phạm vi các nhiệm vụ hiện tại của chúng tôi”, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng cho biết.

Theo người phát ngôn quân đội Israel, Pháp có tham gia vào việc việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Anh và Pháp, những nước đã hành động để hỗ trợ Israel. Mối quan hệ hợp tác này luôn thân thiết, nhưng lần này nó lại thể hiện theo một cách phi thường”, người phát ngôn cho hay.

Thông điệp lớn nhất Iran gửi tới Israel sau cuộc tấn công chưa từng có

VOV.VN - Giới chức Iran tiếp tục đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn mang nội dung cảnh báo nhằm vào cả Israel, Mỹ và các quốc gia khu vực. Theo đó, Iran sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn, gây hậu quả thảm khốc hơn nếu tiếp tục bị gây hấn. Thông điệp lớn nhất mà Iran muốn truyền tải là họ là nạn nhân, là bên bị tấn công trước và hành động đáp trả là "tự vệ chính đáng".

Israel chặn cuộc tập kích từ Iran bằng cách nào?

Trong khi đó, Israel vận hành một loạt hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công từ mọi loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình của Iran.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel thường xuyên nhận được sự chú ý kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023. Theo Tổ chức phòng thủ tên lửa Israel (IMDO), Vòm Sắt là tầng dưới cùng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.

Có ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt ở Israel, mỗi khẩu đội được trang bị radar phát hiện tên lửa, sau đó sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát để nhanh chóng tính toán xem tên lửa đang bay tới có gây ra mối đe dọa, hay có khả năng bắn trúng khu vực không có người ở hay không. Nếu tên lửa gây ra mối đe dọa, hệ thống Vòm Sắt sẽ khai hỏa từ mặt đất để phá hủy mục tiêu trên không.

Theo IMDO, tầng tiếp theo trong thang phòng thủ tên lửa của Israel là David’s Sling, giúp bảo vệ chống lại các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung.

David’s Sling, dự án chung giữa Hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael của Israel và Tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ, sử dụng các tên lửa đánh chặn Stunner và SkyCeptor để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa tới 460km, theo dự án Mối đe dọa tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Phía trên David’s Sling là các hệ thống phòng không Arrow 2 và Arrow 3 của Israel, do Mỹ hợp tác phát triển.

Theo CSIS, hệ thống Arrow 2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang lao tới trong giai đoạn cuối, khi chúng lao tới mục tiêu. Theo Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa, Arrow 2 có tầm bắn 90km và khả năng đánh chặn tên lửa ở độ cao hơn 50km. Một số chuyên gia quân sự đánh giá hệ thống Arrow 2 là bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

Trong khi đó, Arrow 3 sử dụng công nghệ tấn công để đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoại khí quyển, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học hoặc tên lửa thông thường. Arrow-3 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Israel, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao trên 100km và tầm bắn lên tới 2.400km.

Bên cạnh đó, Israel cũng có máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm cả máy bay tàng hình F-35I mà trước đây nước này từng sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho biết, cuộc tập kích của Iran chỉ gây hư hại nhẹ cho căn cứ không quân Nevatim và không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở này.

Những hình ảnh do Lực lượng Không quân Israel công bố vào sáng 14/4 (giờ địa phương) cho thấy, các máy bay chiến đấu F-35 và F-15 đang quay trở lại căn cứ ở Israel sau những nhiệm vụ đánh chặn và phòng thủ trên không thành công.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phản ứng của các bên sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel
Phản ứng của các bên sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel

VOV.VN - Mỹ tuyên bố không muốn nhìn thấy sự leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng tại Trung Đông trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng kêu gọi kiềm chế tối đa sau cuộc tấn công của Iran vào Israel.

Phản ứng của các bên sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel

Phản ứng của các bên sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel

VOV.VN - Mỹ tuyên bố không muốn nhìn thấy sự leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng tại Trung Đông trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng kêu gọi kiềm chế tối đa sau cuộc tấn công của Iran vào Israel.

Iran tuyên bố đã thông báo về việc đáp trả Israel trước 72 giờ, Mỹ phản bác
Iran tuyên bố đã thông báo về việc đáp trả Israel trước 72 giờ, Mỹ phản bác

VOV.VN - Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian hôm 14/4 nói rằng Iran đã thông báo trước cho các nước láng giềng và đồng minh Mỹ trước 72 giờ về việc sẽ tiến hành các cuộc tấn công đáp trả Israel nhưng Mỹ đã bác bỏ điều này, đồng thời lên án Iran vì cuộc tấn công đáp trả có thể gây ra những thiệt hại lớn.

Iran tuyên bố đã thông báo về việc đáp trả Israel trước 72 giờ, Mỹ phản bác

Iran tuyên bố đã thông báo về việc đáp trả Israel trước 72 giờ, Mỹ phản bác

VOV.VN - Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian hôm 14/4 nói rằng Iran đã thông báo trước cho các nước láng giềng và đồng minh Mỹ trước 72 giờ về việc sẽ tiến hành các cuộc tấn công đáp trả Israel nhưng Mỹ đã bác bỏ điều này, đồng thời lên án Iran vì cuộc tấn công đáp trả có thể gây ra những thiệt hại lớn.

Lãnh đạo các nước G7 ra tuyên bố lên án cuộc tấn công Israel của Iran
Lãnh đạo các nước G7 ra tuyên bố lên án cuộc tấn công Israel của Iran

VOV.VN - Lãnh đạo các nước G7 ngày 14/4 đã ra tuyên bố lên án cuộc tấn công Israel do Iran thực hiện đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel cũng như tái khẳng định cam kết đối với an ninh của nước này.

Lãnh đạo các nước G7 ra tuyên bố lên án cuộc tấn công Israel của Iran

Lãnh đạo các nước G7 ra tuyên bố lên án cuộc tấn công Israel của Iran

VOV.VN - Lãnh đạo các nước G7 ngày 14/4 đã ra tuyên bố lên án cuộc tấn công Israel do Iran thực hiện đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel cũng như tái khẳng định cam kết đối với an ninh của nước này.