Jakarta (Indonesia) tái giãn cách xã hội quy mô lớn toàn phần- liệu có hiệu quả?
VOV.VN - Thủ đô của Indonesia đã bước vào lần giãn cách xã hội thứ 8. Liệu nỗ lực quy mô lớn này có đạt được hiệu quả như kỳ vọng?
Hôm nay (14/9), thủ đô Jakarta của Indonesia chính thức tái áp dụng giãn cách xã hội quy mô lớn toàn phần sau khi thành phố này được đặt trong tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19.
Sau 7 lần áp dụng các biện pháp giãn cách với các mức độ khác nhau, liệu lần này, giãn cách xã hội quy mô lớn toàn phần của Jakarta có hiệu quả?
Chính sách mới không có nhiều khác biệt so với chính sách cũ
Các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế cộng đồng Indonesia dự đoán, tới ngày 17/9, hệ thống y tế của thủ đô Jakarta sẽ sụp đổ nếu các ca mắc và tử vong do Covid-19 tại đây vẫn tiếp tục tăng cao. Sáu tháng qua, trải qua 2 lần giãn cách xã hội quy mô lớn, 5 lần gia hạn giãn cách xã hội giai đoạn chuyển tiếp, các ca mắc Covid-19 tại đây không có dấu hiệu khả quan, ngược lại còn tăng đột biến lên mỗi ngày hơn 1.000 trường hợp. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Jakarta hiện nay cao nhất trong toàn Indonesia với hơn 54.000 ca, trong đó có hơn 1.400 trường hợp tử vong. Trong 12 ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại thủ đô đã tăng khoảng 49% so với cuối tháng 8 và tỷ lệ tử vong là 14% trong 12 ngày qua.
Trước tình hình này, chính quyền thành phố một lần nữa đặt Jakarta vào tình trạng khẩn cấp để “kéo phanh” với việc tái áp dụng giãn cách xã hội quy mô lớn toàn phần trong vòng 2 tuần tới. Tuy nhiên theo các nhà chuyên gia, về cơ bản các quy định giãn cách mới không khác so với những gì đã được chính quyền thành phố làm trước đây, mà là sự giao thoa giữa biện pháp giới hạn quy mô lớn và giới hạn giai đoạn chuyển tiếp. Theo đó, công suất làm việc tại văn phòng duy trì ở mức 25%, 11 ngành nghề kinh doanh theo quy định của chính phủ như y tế, lương thực, thực phẩm / đồ uống, năng lượng, truyền thông, công nghệ thông tin, tài chính, hậu cần, khách sạn, xây dựng và chiến lược được phép duy trì tối đa 50% công suất lao động, giới hạn tần suất và số khách tham gia giao thông công cộng là 50%, cho phép chợ và các trung tâm thương mại tiếp tục hoạt động cũng với công suất 50% và tuân theo các quy trình về sức khỏe. Các nơi thờ tự vẫn mở cửa cho người dân khu vực. Trường học, khu vui chơi giải trí và các điểm du lịch sẽ bị đóng cửa trong vòng 2 tuần tới.
Vẫn có sự thỏa hiệp để phát triển kinh tế
Các nhà quan sát kinh tế cho rằng quyết định của Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan trong việc tái thực hiện Các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn toàn phần trong hai tuần tới, là "đầy thỏa hiệp với lợi ích của chính quyền Trung ương về ưu tiên nền kinh tế.”
Nhà quan sát từ Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef), ông Bhima Yudhistira Adinegara, lấy làm tiếc rằng chính sách này thể hiện sự “thỏa hiệp” ngay từ quyết định cho phép các trung tâm mua thương mại hoạt động với công suất khách là 50%. Theo ông Bhima, nếu giãn cách xã hội lần này được thực hiện không có ngoại lệ thì nó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế quý I năm 2021 bởi Jakarta là trung tâm lưu thông của 70% lượng tiền quốc gia. Ông cũng giải thích rằng trong các nghiên cứu và kinh nghiệm khác nhau ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không có quốc gia nào phục hồi kinh tế mà không giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Nhà kinh tế học cho rằng chính phủ phải can đảm chấp nhận rủi ro kinh tế khi thực hiện giãn cách để có sự cải thiện sau đó như những gì đã diễn ra ở Trung Quốc.
Trong khi đó, tỷ phú Budi Hartono, người giàu nhất Indonesia đã viết một lá thư gửi Tổng thống Indonesia cho rằng việc triển khai giãn cách xã hội quy mô lớn tại Jakarta hiện nay không phải là một bước đi đúng đắn. Số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng là minh chứng cho sự không hiệu quả trong giãn cách xã hội quy mô lớn mà chính quyền thành phố đã áp dụng.
Trong thư ông viết: “Việc áp dụng giãn cách là đường tắt, không thể giải quyết vấn đề thực sự. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm chính xác là thông qua biện pháp phong tỏa.”
Đồng quan điểm như vậy, nhà dịch tễ học của Đại học Griffith, ông Dicky Budiman cho rằng các hạn chế xã hội quy mô lớn của Thống đốc DKI Jakarta Anies Baswedan là “nghiêm khắc trong nới lỏng” và sẽ không làm giảm đáng kể việc lây truyền Covid-19 ở Jakarta. Theo ông, mục đích của giãn cách xã hội là giảm gánh nặng cho bệnh viện và giảm tử vong. Giữ tỷ lệ lây nhiễm phải dưới 1 phần trăm và tỷ lệ dương tính dưới 5 phần trăm, tuy nhiên Jakarta đã không làm được điều này. Ông khuyến nghị chính phủ cần cân nhắc kĩ lưỡng trong việc hoạch định chính sách và thiếp lập biện pháp ngăn chặn Covid-19, trong đó không thể bỏ qua việc xét nghiệm, truy vết và cách ly để đối phó với đại dịch sẽ còn kéo dài trong thời gian tới./.