Khả năng mắc bệnh lần 2 ở những người đã khỏi Covid-19?
VOV.VN - Tới nay, các nghiên cứu cho thấy, một số người từng mắc Covid-19 sẽ được bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh lần 2, ít nhất là ở giai đoạn ban đầu.
Chính phủ các nước đang bắt đầu dỡ bỏ hạn chế và một số nước còn cân nhắc “hộ chiếu miễn dịch” để đảm bảo những người từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh có thể hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Tuy nhiên liệu bạn có miễn dịch với Covid-19 nếu đã từng mắc bệnh hay không?
Với một số bệnh, bạn sẽ không bao giờ tái nhiễm nếu đã từng mắc, như sởi và đậu mùa. Nhưng có một số bệnh bạn có thể tái nhiễm như cúm hay uốn ván.
các nghiên cứu cho thấy, một số người từng mắc Covid-19 sẽ được bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh lần 2, ít nhất là ở giai đoạn ban đầu. Ảnh: Business Insider |
Cho tới nay, các nghiên cứu cho rằng, ít nhất có một tỷ lệ người từng mắc Covid-19 sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ tái mắc – ít nhất là ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về điều này.
Kháng thể Covid-19
Khi mắc bệnh lần đầu tiên, cơ thể chúng ta cần phản ứng nhanh chóng trước mối đe dọa. Vì thế trong vòng vài giờ, nó kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh của chúng ta. Hệ thống này hoạt động nhanh chóng nhưng lại không tập trung vào mối đe dọa cụ thể.
Hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ làm “sao nhãng” sự nhiễm bệnh trong khi cơ thể sản sinh ra cơ chế phản ứng chậm hơn nhưng tập trung hơn vào sự nhiễm bệnh cụ thể, thông qua hệ thống miễn dịch thu được (AIS).
Điều này làm sản sinh ra các kháng thể để chống lại sự nhiễm bệnh. Những kháng thể này là những gì chúng ta tìm thấy trong máu khi tìm cách xác định ai đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19.
Cơ thể sản sinh ra các loại kháng thể khác nhau để phản ứng trước các thành tố khác nhau của virus. Tuy nhiên, chỉ có một số kháng thể có khả năng ngăn chặn virus xâm nhập các tế bào. Đây được gọi là “kháng thể trung hòa”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người khỏi bệnh Covid-19 có kháng thể trong máu. Tuy nhiên, ở một số người, mức độ kháng thể trung hòa lại thấp.
Để xem liệu một kháng thể có phải là kháng thể trung hòa hay không, cần làm xét nghiệm riêng biệt tại phòng thí nghiệm để xem tác động của kháng thể đó trong các tế bào đã phơi nhiễm virus.
Tuy nhiên, ngay cả khi một người có kháng thể trung hòa trong máu, thì điều đó vẫn không mặc định đồng nghĩa với việc người đó miễn nhiễm với lần mắc bệnh thứ 2, bởi số lượng kháng thể có thể không đủ để tạo cơ chế miễn dịch.
Vì thế, nếu một người được xác nhận có kháng thể chống Covid-19 thông qua xét nghiệm máu, vẫn không thể xác định người đó có miễn dịch với Covid-19 hay không. Nó chỉ nói lên rằng, người đó đã từng phơi nhiễm Covid-19 hay chưa – và ngay cả bản thân điều này cũng còn phụ thuộc vào việc xét nghiệm kháng thể có độ nhạy và cụ thể tới mức nào.
Vì sao một số người dương tính trở lại?
Hiện tại, nhiều nước đã ghi nhận các trường hợp tái dương tính ở những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh dù họ đã có xét nghiệm âm tính khi xuất viện.
Tuy nhiên, một nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy những người tái dương tính lại không có triệu chứng nặng. Điều này cho thấy những người này vẫn liên tục đào thải virus và đang ở giai đoạn cuối cùng của đợt mắc bệnh, hơn là đã nhiễm bệnh lần thứ 2.
Trong trường hợp này, các xét nghiệm dịch mũi và họng không thể kết luận được liệu virus còn sống hay không. Do đó, những người tái dương tính có thể đơn giản chỉ là đang đào thải virus chết. Điều này giải thích vì sao những người tiếp xúc gần với họ không có triệu chứng mắc bệnh hay dương tính với SARS-CoV-2.
Nghiên cứu mới về nguy cơ SARS-CoV-2 lây nhiễm trong không khí
Các chủng virus corona khác có tạo miễn dịch không?
Có 4 chủng virus corona gây bệnh ở người (HcoV) khác – gồm 229E, NL63, OC43 và HKU1 – gây ra khoảng 15-30% bệnh cảm lạnh phổ biến trên thế giới. Hai trong này - OC43 và HKU1 – thuộc phân nhóm betacoronavirus, cũng như SARS-CoV, Mers và SARS-CoV-2.
Một nghiên cứu từ năm 1990 phát hiện các trường hợp nhiễm virus corona 229E đã tạo được cơ chế miễn dịch từ loại virus cụ thể đó. Tuy nhiên, 1 năm sau, khi mức độ kháng thể giảm, những người từng mắc bệnh có thể bị tái nhiễm. Các nhà nghiên cứu đã đặt giả thuyết về một trường hợp nhiễm bệnh mang tính tuần hoàn, tức là con người có thể nhiễm virus corona mỗi 2-3 năm.
Gần đây hơn, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra 128 mẫu của những người khỏi bệnh SARS (hay SARS-CoV), họ phát hiện 90% có các kháng thể trung hòa mạnh, trong khi 50% phản ứng tế bào T dương tính, có nghĩa là họ có khả năng miễn dịch cao.
Căn cứ vào thông tin này, thì nhiều khả năng những người từng nhiễm SARS-CoV-2 cũng sẽ tạo cơ chế miễn dịch đối với lần nhiễm thứ 2. Tuy nhiên liệu tất cả mọi người có miễn dịch hay không và khoảng thời gian của sự miễn dịch đó là bao lâu thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Các virus corona chủng khác có tạo miễn dịch chéo chống Covid-19 không?
Miễn dịch chéo là khi cơ chế miễn dịch đối với bệnh này có thể bảo vệ bạn khỏi một bệnh khác.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện, việc nhiễm HCoV OC43 tạo được các kháng thể có thể chống lại HKU1. Nói cách khác đây là cơ chế là miễn dịch chéo.
Nếu có miễn dịch chéo giữa HCoV-OC43 và HCoV-HKU1, cả 2 đều thuộc phân nhóm betacoronaviruses, nhiều khả năng nó cũng tạo được miễn dịch chéo đối với betacoronavirus mới là SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, các xét nghiệm hiện nay đối với Covid-19 (xét nghiệm dịch mũi, họng và xét nghiệm máu) không thể cho chúng ta thông tin về miễn dịch chéo.
Vì sao miễn dịch chéo quan trọng?
Miễn dịch chéo đối với 2 loại betacoronavirus khác có thể phần nào giúp giải thích về sự mâu thuẫn mà chúng ta thấy với Covid-19.
Ví dụ, vì sao một số người dưới 50 tuổi bị nặng và thậm chí tử vong khi mắc Covid-19, trong khi có những người hơn 100 tuổi lại có thể phục hồi hoàn toàn.
Do cơ chế miễn dịch đối với OC43 và HKU1 là khá phổ biến và thay đổi theo thời gian, các bệnh nhân Covid-19 có thể đã có mức độ kháng thể khác nhau đối với 2 loại betacoronaviruses này khi họ nhiễm SARS-CoV-2. Điều này có thể góp phần vào mức độ nghiêm trọng khác nhau ở những người mắc Covid-19.
Thậm chí, có thể sự tồn tại của cơ chế miễn dịch chéo này lại có hại hơn là có lợi, vì nó có thể dẫn tới phản ứng miễn dịch thái quá.
Qua thời gian, vấn đề miễn dịch với Covid-19 sẽ có lời giải. Tuy nhiên, hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang phải ráp các mảnh thông tin lại với nhau để tìm ra câu trả lời./.