Khó khăn bủa vây, Tổng thống Biden có tìm ra lối thoát trong thế hiểm?
VOV.VN - Màn thể hiện thiếu thuyết phục trong đêm tranh luận 27/6 với người tiền nhiệm Donald Trump và những sai sót khi phát biểu tại buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7 vừa qua đang khiến ông Biden tụt lại trên đường đua Nhà Trắng. Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu chấm hết đối với Tổng thống đương nhiệm.
Sau đêm 27/6, Tổng thống Biden tiếp tục dối mặt với nhiều áp lực từ phía các nhà tài trợ và đảng viên Dân chủ - những người đang tỏ ra lo ngại về khả năng tiếp tục tranh cử của ông. Nhưng ông Biden không phải là một người sễ dàng từ bỏ. Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News hôm 5/7, ông chủ Nhà Trắng đã dõng dạc tuyên bố: "Tôi không nghĩ có ai đủ tiêu chuẩn để trở thành tổng thống hoặc giành chiến thắng trong cuộc đua này hơn tôi", khi nhận được câu hỏi về khả năng đánh bại ông Trump từ người dẫn chương trình George Stephanopoulos.
Chưa đầy 1 tuần sau đó, trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Biden tái khẳng định cam kết tiếp tục tranh cử, bất chấp kết quả không mấy khả quan từ các cuộc thăm dò ý kiến dành cho ông tại các bang chiến trường quan trọng. Tâm thế lạc quan của Tổng thống Mỹ có thể giúp ông tiếp tục bám trụ trên đường đua vào Nhà Trắng, khi một bộ phận cử tri vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống.
Hy vọng ở bang Georgia
Vào bốn năm trước, phiếu bầu từ các cử tri da màu từng góp phần giúp ông Biden giành được vị trí ứng viên đại diện đảng Dân chủ từ kết quả ở các tiểu bang bỏ phiếu sớm với phần đông là người da trắng. Ở thời điểm đó, Tổng thống Mỹ đương nhiệm dường như đã sẵn sàng cho thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ khi ông đứng thứ tư ở Iowa và thứ năm ở New Hampshire. Chính vị trí đầu tiên của ông ở bang Nam Carolina - mà phần lớn là nhờ nhận được sự ủng hộ của nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Clyburn, đã thay đổi tình thế. Ông Biden đã giành được 61% số phiếu bầu của cử tri da đen, chiếm 56% số cử tri sơ bộ của đảng Dân chủ, theo cuộc thăm dò của CNN.
Hiện nay, sự ủng hộ từ cộng đồng da màu tiếp tục đóng vai trò là một trong những thành trì cuối cùng chống lại số lượng ngày càng tăng các nhà lập pháp và nhà tài trợ yêu cầu ông Biden chuyển giao vị trí ứng cử viên của đảng Dân chủ cho một ứng viên khác.
Sự ủng hộ đó được thấy rõ ở Georgia, nơi đóng vai trò quan trọng trong thành công chính trị trước đây của Tổng thống đương nhiệm. Ông Biden trở thành đảng viên Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng ở Georgia kể từ năm 1992, sau khi đánh bại ông Trump với cách biệt chưa đến 12.000 phiếu bầu.
Nhưng việc lặp lại chiến thắng đó sẽ là một thách thức. Trong một bản ghi nhớ mới gửi cho đảng Dân chủ tuần này, chiến dịch của ông Biden lập luận rằng "con đường rõ ràng nhất" để giành chiến thắng vào tháng 11 chạy qua các tiểu bang trung thành với đảng Dân chủ được gọi là "Bức tường xanh", gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Điều này cho thấy Georgia - cũng như các bang chiến trường khác như Nevada, Arizona và Bắc Carolina - sẽ không phải là ưu tiên đối với chiến dịch tranh cử của Tổng thống
Bất kỳ con đường nào dẫn đến chiến thắng cho ông Biden tại bang Georgia năm nay sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ liên tục của cử tri da đen. Theo nhiều cuộc thăm dò, nhiều người trong số họ vẫn đặt niềm tin vào ông, thậm chí còn bỏ qua cơ hội đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris ứng viên nữ da màu đầu tiên của đảng. Trong các cuộc phỏng vấn, những người ủng hộ Tổng thống Mỹ tại tiểu bang đều lo ngại những rủi ro nhất định nếu thay đổi lựa chọn vào lúc này.
“Tôi sẽ bỏ phiếu cho một người bảo vệ nền dân chủ, thay vì một tội phạm bị kết án. Vào thời điểm rối ren này, chúng tôi đều mong muốn một lựa chon an toàn”, bà Jarita Burdette, một cử tri 42 tuổi, chia sẻ với CNN.
Nhiều cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận đã chỉ ra rằng cử tri da màu chia rẽ về việc liệu tổng thống nên từ chức hay vẫn giữ vị trí đứng đầu trong danh sách ứng cử viên của đảng Dân chủ. Một cuộc thăm dò của Washington Post/ABC News/Ipsos được công bố tuần này cho thấy 47% cử tri da màu cho biết ông Biden nên tiếp tục chiến dịch của mình, so với 49% tin rằng ông nên nhường đề cử cho người khác. Một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College cũng cho thấy kết quả tương tự.
Tính đến thứ tuần này, hơn một chục thành viên của Quốc hội đã kêu gọi Biden trao lại ngọn đuốc cho thế hệ mới. Nhưng sự ủng hộ của tổng thống từ nhóm nghị sĩ da màu tại đây vẫn vô cùng mạnh mẽ.
Hôm 12/6, Nghị sĩ Clyburn tuyên bố sẽ luôn đứng ông Biden và cho rằng các cuộc thảo luận về việc liệu Tổng thống có nên rút lui hay không là "cực kỳ vô nghĩa".
Lối thoát cho ông Biden
Trong lúc ông Biden gặp khó, Phó Tổng thống của ông, bà Kamala Harris lại "vụt sáng", trở thành một cái tên được nhiều đảng viên Dân chủ lựa chọn để thay thế ông, bên cạnh Thống đốc California Gavin Newsom và Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer.
Theo luật pháp Mỹ, bà Harris sẽ kế nhiệm chức vị Tổng thống nếu ông Biden từ chức, và bà cũng sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của Đảng Dân chủ năm 2024 nếu ông Biden sớm đình chỉ chiến dịch tái tranh cử của mình. Một cuộc thăm dò quốc gia do CNN công bố vào tuần trước cũng cho thấy bà Harris thể hiện tốt hơn ông Biden trong một trận đấu giả định với ông Trump.
Tuy nhiên, dù là ứng viên tiềm năng, bà Harris tuyên bố vẫn luôn ủng hộ Tổng thống Biden, đồng thời từ chối đứng ra tranh cử. Tuyên bố của bà cho thấy liên minh của ông Biden vẫn chưa tan rã và sức ảnh hưởng của bà - nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên, đối với công chúng có thể sẽ giúp ích cho ông chủ Nhà Trắng trong thời khắc cam go, như những gì đã diễn ra tại cuộc bầu cử 4 năm trước đó.
Ngay lập tức, tại cuộc vận động tranh cử vào đầu tuần này, ông Trump đã cáo buộc bà Harris "hợp tác với các đảng viên Dân chủ khác để che đậy các vấn đề về trí tuệ được cho là của ông Biden". Ông Biden trước đó tuyên bố mình "có đủ sức chịu đựng và tinh thần nhạy bén để thực hiện công việc".
Trong khi chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa tung đòn tấn công trực tiếp tới Phó Tổng thổng như một người thay thế tiềm năng cho ông Biden, Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa Quốc gia (NRCC) đã phát hành một chiến dịch có tên “Hãy cẩn thận với những gì bạn mong muốn”, trong đó gọi bà Harris là “Tổng tư lệnh của ông Biden” và cho rằng bà nên chịu trách nhiệm với cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía Nam.
Trong những tuần gần đây, cả ông Biden và bà Harris đều tìm cách dời sự chú ý của công chúng sang mối liên hệ giữa ông Trump và Dự án 2025 do ông đề xuất. Chiến thuật này không chỉ nhằm mục đích gây xao lãng mà còn được xem là một chiến thuật đúng đắn hướng tới các cử tri ở các bang dao động - những người sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cuộc đua năm nay.
“Các cố vấn của ông Trump đã tạo ra một kế hoạch chi tiết dài 900 trang – được gọi là "Dự án 2025", nêu chi tiết những gì họ dự định thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai. Dự án này bao gồm việc cắt giảm an sinh xã hội, nâng mức giá giới hạn 35 USD đối với việc mua bán thuốc insulin - một loại thuốc cần thiết cho người tiểu đường và kết thúc các chương trình như Head Start - các chương trình tài trợ học phí của chính phủ dành cho trẻ em nghèo,” bà Harris nói tại điểm dừng chiến dịch ở Nevada hôm 8/7.