Không kích Libya - Quyết định mạo hiểm của phương Tây

Riêng với Libya, kịch bản chiến tranh đã được phương Tây lên kế họach từ đầu? Và vấn đề là tình hình sẽ đi đến đâu?

Ngày 19/3, máy bay Pháp tiến hành không kích Libya, mở màn cuộc tấn công trên không của liên quân Pháp, Anh, Mỹ nhằm vào Tripoli. Đến lúc này, những tổn thất đầu tiên về người và của tại Libya đã được ghi nhận. Tại sao khác với trường hợp Ai Cập và Tuynisia, riêng với Libya, kịch bản chiến tranh đã được phương Tây lên kế họach từ đầu? Và vấn đề là tình hình sẽ đi đến đâu?

Trở lại những diễn biến chính trị gấp gáp trong một tuần trở lại đây, thấy rõ kế họach tấn công quân sự - dù mạo hiểm - vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của phương Tây. Ít nhiều Anh và Pháp đã thành công khi hợp thức hóa kế hoạch đó bằng việc thuyết phục cộng đồng quốc tế, mà đại dịên là Hội đồng Bảo an LHQ, thông qua nghị quyết 1973 áp đặt vùng cấm bay trên không phận Libya và cho phép các hành động quân sự khác nếu cần thiết.

10 phiếu thuận, 5 phiếu trắng (gồm lá phiếu của các nước Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Brazil) cũng đủ để nghị quyết có hiệu lực. Ngay sau đó, ngày 19/3, Paris triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của 22 nhà lãnh đạo Mỹ, Liên minh Châu Âu và Liên đoàn A rập để bàn về tình hình Libya, nhưng thực chất là để công bố quyết định tấn công quốc gia Bắc Phi này nhằm mục đích thiết lập vùng cấm bay như nghị quyết của HĐBA LHQ.

Nhìn lại quá khứ nhiều tranh cãi trong quan hệ giữa Libya với phương Tây, đặc biệt là cái nhìn thù địch của Mỹ và nhiều quốc gia Châu Âu đối với cá nhân Nhà lãnh đạo Tổng thống Gaddafi, giới quan sát không khó khăn khi dự đoán về một kịch bản chiến tranh. Cũng không hề khó hiểu vì sao lần này Washington có phần giữ khoảng cách, lựa chọn một chỗ đứng “khá an toàn” trong cuộc chiến chống Libya, nhường lại vị trí tiên phong cho Pháp và Anh. Có thể bởi mối thù hằn của Mỹ với Libya ít sâu đậm hơn so với Châu Âu (nhớ lại tranh cãi phương Tây – Libya được đánh dấu bởi vụ nổ bom máy bay của hãng Pan Am của Scotland vào năm 1988). Có thể lợi ích của Mỹ tại quốc gia này không nhiều như Pháp và Anh- hai quốc gia có quá khứ gắn kết với các nước A rập và Bắc Phi. Có thể vì Mỹ đã đuối sức khi còn vướng bận hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Nhưng dù gì, lý do chắc chắn nhất là Washington không dám mạo hiểm thêm nữa. Dù Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ các loại vũ khí tối tân mà phương Tây không có, nhưng Tổng thống Obama đã làm rõ quan điểm của Mỹ là sẽ không gửi bộ binh tới tham chiến tại Libya.

Dù đã được lên kế hoạch từ trước, song nội tình cục diện cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào Libya đã có thay đổi. Nếu như vài tuần trước, nước Anh có phần nôn nóng hơn trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập vùng cấm bay với Libya, thì giờ đây, nước Pháp lại đang “cầm cương” liên quân với việc nổ phát súng đầu tiên nhằm vào Tripoli. Tại sao lại như vậy? Những tưởng Anh mới là quốc gia chất chứa nhiều mâu thuẫn quá khứ với Libya, hay nói đúng hơn là với chính quyền của Nhà lãnh đạo Gaddafi nhất, khi hai sự kiện lớn là vụ sát hại một nữ cảnh sát Anh năm 1984 trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình gần đại sứ quán Libya tại London.

Tiếp đó, vụ đánh bom máy bay dân dụng của hãng Pan Ams tại Scotland năm 1988 càng cho thấy trắc trở trong quan hệ London - Tripoli. Vậy điều gì đã khiến Anh không thể ghi điểm lần này trong việc lật đổ chính quyền của Nhà lãnh đạo Gaddafi mà lại là Pháp?

Nhìn sâu xa lại quá khứ, thái độ của London với Libya có phần không nhất quán, dựa nhiều trên những tính toán thực dụng về thương mại. Còn nhớ năm 2004, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên trở lại thăm Libya và thậm chí còn ca tụng Tripoli là đồng minh trong cuộc chiến chống Al Qeada. Chuyến đi đó đã bôi trơn cho một lọat các thỏa thuận mua bán vũ khí, khai thác khí tự nhiên giữa Anh với Libya. Đến năm 2009, thông tin nước Anh vì lợi ích dầu mỏ mà nhắm mắt làm ngơ để Libya giải thoát cho Abdel Basset al-Megrahi, thủ phạm vụ đánh bom năm 1988, càng khiến uy tín của London sụt giảm. Và cách đây vài tuần, ý định đi đầu trong cuộc tấn công quân sự nhằm vào Libya của chính quyền Thủ tướng David Cameron đã bị dội một gáo nước lạnh khi nhận được bức thư của 50 chính trị gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Anh vạch trần sự thật cay đắng là nếu có thiết lập được vùng cấm bay tại Tripoli, thì chiến lược và tiềm lực quân sự của Anh cũng không cho phép London làm nên chuyện. Đó là chưa kể đến thông tin nhà lãnh đạo Gaddafi từng được huấn luyện tại Anh và hiện quân đội Libya đang sử dụng nhiều vũ khí do Anh sản xuất. Tất cả khiến nước Anh khó có thể cầm quân trong cuộc tấn công nhằm vào Libya.

Về phía Pháp, cờ đến tay thì phải phất, thái độ chần chừ những ngày trước của chính quyền của Tổng thống Sarkozy nay trở nên quyết tâm hơn. Chứng tỏ sức mạnh trong câu chuyện của Libya cũng là cách Pháp gỡ gạc hình ảnh của họ vốn đang bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng domino chống chính phủ ở một lọat các quốc gia A rập và Bắc Phi.

Súng đã nổ và nhiều người đã thiệt mạng! Chiến tranh, dù có thể được bên này bên kia lý giải ra sao, vẫn là kịch bản không đáng có cho mọi mâu thuẫn, xung đột. Với phương Tây - lực lượng mở màn cuộc chiến, chiến trường Libya báo hiệu nhiều khó khăn không dễ khuất phục. Với Libya, lo lắng nhiều nhất đang hướng về phía những người dân thường vô tội nay bị kẹt giữa hai làn đạn.

Dù nhiều ý kiến dự đoán một cuộc chiến giáp lá cà với lực lượng triển khai trên nhiều mặt trận sẽ không xảy ra, song với thực trạng bày binh bố trận của Mỹ và phương Tây hiện nay, thì tình hình sẽ chưa dừng lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên