Kỷ nguyên kinh tế và chính trị mới của Argentina sau cuộc bầu cử tổng thống
VOV.VN - Chiến thắng của ông Javier Milei – một người đứng ngoài chính trị đã cho thấy khát khao thay đổi của cử tri Argentina trong bối cảnh đời sống của tầng lớp trung lưu và giới trẻ đang ngày càng trở nên khó khăn.
Đằng sau chiến thắng của một người đứng ngoài chính trị
Cuộc bầu cử Tổng thống Argentina diễn ra trong bối cảnh nước này đang ở vào một thời điểm khó khăn với tình trạng lạm phát tăng cao và người dân Argentina tin rằng nền kinh tế đất nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng. Tình trạng này đã diễn ra khá lâu mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra.
Có thể nói, trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, lá phiếu của phần lớn cử tri cho thấy sự thất vọng của người dân Argentina đối với tình hình kinh tế đất nước khi mà vì nhiều lý do, chính phủ đương nhiệm không có được những biện pháp hiệu quả để đối phó với các vấn đề trong xã hội.
Chính vì vậy, với cam kết thay đổi hiện trạng chính trị đất nước cùng lời hứa vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này, ông Javier Milei đã giành được sự ủng hộ của đa số cử tri. Chiến thắng của ông Milei cho thấy khát khao thay đổi của cử tri Argentina trong bối cảnh đời sống của tầng lớp trung lưu và giới trẻ đang ngày càng trở nên khó khăn.
Ông Milei đã có chiến thắng khá dễ dàng trước đối thủ là Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa mặc dù nhiều chuyên gia từng dự đoán cuộc bầu cử năm nay sẽ cạnh tranh gắt gao hơn và cách biệt giữa hai ứng viên trên sẽ không lớn như thực tế. Chiến thắng của ông Milei đánh dấu sự thăng tiến phi thường của cựu chuyên gia truyền hình, người tham gia cuộc đua với tư cách là một người đứng ngoài chính trị với lời hứa "thay đổi hiện trạng" dù đối thủ của ông là Sergio Massa, một chính trị gia chuyên nghiệp và được đánh giá cao về năng lực chính trị ở Argentina trong suốt cuộc đua.
Trước tình hình kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, những cam kết và đề nghị của ông Milei bao gồm cả việc hủy bỏ ngân hàng quốc gia, lại nhận được sự ủng hộ của các cử tri do họ đang rất cần một sự thay đổi. Kết quả cuộc bầu cử ở Argentina có thể thấy có những nét rất giống những gì diễn ra tại Mỹ và Brazil trong thời gian trước đây. Là một người từng được so sánh với với cựu Tổng Thống Mỹ Donald Trump và cựu Tổng Thống Brazil Jair Bolsonaro, ông Javier Milei là người chưa có mấy kinh nghiệm chính trị, nhưng đó cũng chính là nét hấp dẫn của ông đối với phần nhiều cử tri Argentina. Ông Javier Milei được so sánh như một Donald Trump của khu vực Nam Mỹ với lời kêu gọi tái thiết Argentina giống như khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của cựu Tổng thống Donald Trump.
Cách thuyết phục của ông Milei đã gặt hái thành công khi thu hút sự chú ý ở Argentina không chỉ vì phong cách chính trị mà còn vì sự mới lạ trong quan điểm và sự háo hức của người dân muốn thay đổi hiện trạng tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước.
“Liệu trình điều trị” cho nền kinh tế Argentina
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Javier Milei đã cam kết thực hiện "liệu pháp sốc" với lời hứa thực hiện một số giải pháp như đóng cửa ngân hàng trung ương, loại bỏ đồng peso và nhiều khả năng dùng USD, cắt giảm chi tiêu… Những cải cách phá vỡ tình trạng kinh tế bế tắc hiện nay của Argentina sẽ tiềm ẩn những khó khăn nhưng đổi lại là bầu không khí hy vọng có thể bước sang trang mới, giải tỏa áp lực kinh tế tồi tệ hiện tại.
Thách thức của ông Milei được xem là rất lớn khi chính trị gia 53 tuổi của Đảng Tiến bộ tự do sẽ phải đối diện với một nền kinh tế sa sút khi kho bạc trống rỗng, "cõng" chương trình nợ Quỹ tiền tệ quốc tế 44 tỉ USD và mức lạm phát gần 150%. Argentina cũng gặp khó trong việc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Theo giới phân tích chính trị, ông Milei sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức và khó khăn để có thể hiện thức hóa lời cam kết vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này trong bối cảnh chia rẽ chính trị và phân tầng xã hội như hiện nay.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng việc cắt giảm các khoản chi ngân sách dành cho dịch vụ công và các chương trình trợ cấp xã hội sẽ dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa chính quyền với các công đoàn và tổ chức xã hội. Ngoài ra, một sự điều chỉnh đột ngột từ phía chính phủ với việc cắt giảm các khoản trợ cấp tương đương 15% tổng sản phẩm quốc nội theo như đề xuất của ông Milei, hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến “các cuộc nổi loạn trên đường phố.
Không những thế, các chính sách kinh tế của ông Milei có thể sẽ tạo ra bất ổn và những “phản ứng xã hội” trong trung và dài hạn tại Argentina. Theo các chuyên gia, các chính sách “tân tự do” của ông Milei sẽ tạo ra những chuyển đổi căn bản góp phần tái cấu trúc nền kinh tế Argentina, nhưng cũng gây ra mối lo ngại về phúc lợi của các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và sự ổn định của đất nước. Cũng có một số ý kiến cho rằng ông Milei không có nhiều kinh nghiệm khi mới chỉ tham gia chính trường trong 2 năm gần đây, và thực tế là đảng Tiến bộ Tự do do ông thành lập năm 2021 thiếu một nền tảng vững chắc ở cấp quốc gia, sẽ khiến tân Tổng thống gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những tình huống cấp bách về kinh tế-xã hội.
Có thể thấy rằng thắng lợi của ông Milei chỉ là sự khởi đầu của giai đoạn vô cùng khó khăn trước mắt để đưa đất nước Argentina trở lại con đường phát triển như những gì người dân kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh các chuyên gia dự báo những “liệu pháp sốc” của nhà lãnh đạo này có thể gây ra những phản ứng xã hội mạnh mẽ trong thời gian tới mặc dù người dân Argentina đang rất kỳ vọng về một thay đổi.
Thay đổi trong chính sách đối ngoại
Chiến thắng của ông Javier Milei có thể dẫn đến những thay đổi về chính trị và thương mại khi chính trị gia này từng tuyên bố muốn hạn chế quan hệ với hai đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Argentina là Trung Quốc và Brazil. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu đậu tương và thịt bò lớn nhất của Argentina, trong khi phần lớn các sản phẩm công nghiệp của Argentina được xuất sang Brazil. Ngoài ra, trong khi chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Alberto Fernández thúc đẩy Argentina gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Ấn Độ, Brazil, Nga, Nam Phi và Trung Quốc, thì ông Milei phản đối động thái đó. Ông Milei cũng khẳng định Argentina cần phải rút khỏi Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) bởi ông đánh giá đây là một mô hình liên kết kinh tế khu vực “thất bại.” Thay vào đó, ông Milei rất ủng hộ quan hệ tốt đẹp giữa Argentina với Mỹ và Israel, cũng như không coi nặng các vấn đề khí hậu.
Với những tuyên bố như vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Milei sẽ có những thay đổi trong chính sách đối ngoại mà có thể tác động tới vai trò quốc tế của Argentina cũng như địa chính trị ở khu vực châu Mỹ Latinh.
Châu Mỹ Latinh đang trải qua đợt hồi sinh của “thủy triều hồng” với các nước lớn trong khu vực, trong đó có Brazil chuyển sang cánh tả. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Milei, người theo đường lối cựu hữu, có thể được coi là đang phá vỡ bối cảnh chính trị chủ yếu là cánh tả của khu vực. Các chuyên gia dự đoán, với các cuộc bầu cử ở Mexico và Venezuela sắp diễn ra vào năm tới, một cuộc đối đầu mới giữa hai đường lối cánh tả và cánh hữu đã bắt đầu, vì vậy chiến thắng của phe cực hữu ở Argentina có thể sẽ làm tăng thêm một số bất ổn trong cuộc tranh giành quyền lực giữa hai lực lượng này trong khu vực.