“La bàn chiến lược” – sự thức tỉnh an ninh của EU

VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức thông qua Định hướng chiến lược, hay còn có tên “La bàn chiến lược” về an ninh, quốc phòng.

Kế hoạch này cung cấp cho EU một chương trình hành động đầy tham vọng nhằm tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh, trong đó có việc thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh 5.000 quân có khả năng can thiệp vào các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Cuộc xung đột Nga – Ukraine chính là chất xúc tác quan trọng nhất để EU thúc đẩy chiến lược quân sự này.

Thai nghén bởi Mỹ, thúc đẩy bởi Nga

Chiến lược an ninh mang tên “La bàn chiến lược” chính thức được Uỷ ban châu Âu công bố cách đây 4 tháng, vào tháng 11/2021 và theo kế hoạch, chiến lược này sẽ được đưa ra bàn thảo và thông qua tại một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng đầu tiên của Liên minh châu Âu, dự kiến ban đầu được tổ chức trong tháng 3/2022 tại Pháp. Vào thời điểm công bố “La bàn chiến lược”, các nước châu Âu ý thức rất rõ rằng môi trường an ninh, không chỉ tại châu Âu mà trên toàn cầu, đang có những biến động rất lớn, cục diện địa chính trị đang có những thay đổi mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ và châu Âu phải chuẩn bị.

Tháng 11/2021, căng thẳng giữa Nga với phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraina đã xuất hiện trở lại nhưng ở thời điểm đó, các sự kiện chi phối tư duy chiến lược của châu Âu là việc Mỹ-Anh-Australia ra mắt liên minh an ninh AUKUS, có nguy cơ gạt bỏ lợi ích an ninh của châu Âu, và đặc biệt rõ ràng là Pháp, sang một bên tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trước đó nữa là cuộc rút lui hỗn loạn tại Afghanistan, khi chính quyền Mỹ đơn phương hành động, không tham vấn, cũng không để tâm đến các hy sinh, các lợi ích của các đồng minh châu Âu. Ngoài ra, là cuộc khủng hoảng tị nạn ở biên giới Ba Lan – Belarus khi châu Âu cho rằng chính quyền Belarus sử dụng con bài người tị nạn, cố tình đưa người tị nạn Trung Đông sang Belarus rồi đẩy sang các nước EU để gây bất ổn cho châu Âu.

Nhưng sâu xa hơn, chiến lược an ninh “La bàn chiến lược” của châu Âu được thai nghén từ những rạn nứt sâu sắc giữa châu Âu với Mỹ trong giai đoạn 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông Donald Trump công khai chỉ trích các đồng minh châu Âu, đặt dấu hỏi về sự tồn tại của NATO và nêu cao chủ nghĩa biệt lập đặc quyền của Mỹ.

Kể từ thời điểm đó, châu Âu đã ý thức được rằng đã đến lúc khối này phải thay đổi tư duy, không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ và NATO mà buộc phải trang bị cho mình sức mạnh cứng, tức sức mạnh quân sự để khi cần thiết có thể tự bảo vệ được các lợi ích sống còn của chính mình. “La bàn chiến lược” ra đời từ nhận thức đó.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã thay đổi tất cả. “La bàn chiến lược” vẫn được duy trì nhưng châu Âu buộc phải thay đổi lộ trình triển khai, đẩy nhanh tốc độ thực hiện và quan trọng nhất, phải đánh giá lại và thay đổi một cách cơ bản toàn bộ những mục tiêu chiến lược được đưa ra cách đây 4 tháng. 

Viết lại chiến lược

Trong bản dự thảo đầu tiên của “La bàn chiến lược” đưa ra tháng 11/2021, các chuyên gia quốc phòng châu Âu nhấn mạnh nhiều đến các ưu tiên như thúc đẩy sự tham vấn trên diện rộng giữa các thành viên EU, chia sẻ các phân tích và thông tin tình báo, đặc biệt liên quan các mối đe doạ như an ninh mạng, các chiến dịch phản tuyên truyền quy mô lớn, việc vũ khí hoá vấn đề tị nạn… Tuy nhiên, trong bản chiến lược vừa được thông qua, mục tiêu lớn nhất và ngay lập tức của EU là phải xây dựng được một sức mạnh cứng về quốc phòng để bảo vệ được an ninh và các lợi ích chiến lược của châu Âu.

Trong bản dự thảo tháng 11/2021, châu Âu không nêu đích danh một đối thủ nào nhưng trong chiến lược mới, các quan chức châu Âu đã nói công khai rằng hiện nay Nga đang đe doạ trực tiếp đến an ninh châu Âu về mặt lâu dài, nói cách khác, thay cho các từ ngữ tương đối ngoại giao trong bản dự thảo tháng 11/2021.

Hiện tại châu Âu đã đi thẳng vào vấn đề, đối mặt trực tiếp với thực tế mới, đó là cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu, hành động của Nga tạo ra mối đe doạ trực tiếp về an ninh với châu Âu và châu Âu cần ngay lập tức trang bị cho mình một lực lượng quân sự có khả năng tác chiến nhanh chóng, được trang bị vũ khí hạng nặng, có cơ cấu chỉ huy tích hợp và toàn diện để lập tức tham chiến khi cần thiết. Thay vì nhấn mạnh đến các mối đe doạ tương đối vô hình như không gian mạng, cuộc chiến thông tin thì châu Âu phải trang bị máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa và một đội quân đủ lớn, đủ mạnh.

Với việc xung đột nổ ra ở Ukraine, châu Âu đã hoàn toàn loại bỏ ảo tưởng rằng châu Âu sẽ không còn chiến tranh sau hơn 7 thập kỷ hoà bình và cuộc chiến tại Ukraine cũng đã xoá bỏ các bất đồng, tranh cãi giữa một số nước trước đó, đồng thời giúp châu Âu vượt qua được một số cấm kị trước kia, như việc nước Đức tái vũ trang hay việc châu Âu cung cấp tài chính để mua vũ khí cho bên thứ ba.

Quan trọng hơn, là tốc độ hành động. Trước khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine, châu Âu dự kiến tháng 03/2022 mới họp bàn về “La bàn chiến lược”, đến giữa năm 2022 mới có khả năng thông qua và sau đó mới tính việc triển khai. Nhưng sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, châu Âu buộc phải vứt bỏ mọi sự chậm trễ, quan liêu hành chính. “La bàn chiến lược” hiện nay đã được thông qua. Ngay trong năm 2022, lực lượng 5 ngàn quân phản ứng nhanh sẽ được thành lập, cuối năm 2022 sẽ xây dựng xong các kịch bản tác chiến và đầu năm 2023 sẽ tiến hành các cuộc tập trận đầu tiên. Đến 2025, lực lượng này sẽ đủ năng lực hành động nhanh chóng tại bất kỳ điểm nóng nào.

Cơ chế triển khai cũng sẽ được xây dựng linh hoạt hơn, theo mô hình “tiểu liên minh”, tức một nhóm các nước thành viên có quyền lựa chọn hành động dưới sự chỉ đạo của Hội đồng châu Âu chứ không cần thiết phải thông qua cơ chế đồng thuận của cả khối, vốn gây ra rất nhiều chậm trễ và cản trở. Nền tảng pháp lý để thực hiện cơ chế này là điều 44 trong Hiệp ước EU, tức việc cho phép rút ngắn các quy trình ra quyết định trong tình huống khủng hoảng. Điều này bảo đảm châu Âu có thể phản ứng ngay lập tức theo thời gian thực với các cuộc khủng hoảng.

Tự chủ hay gắn chặt NATO?

Từng có nhiều ý kiến cho rằng, việc EU thúc đẩy sự tự chủ về an ninh, quốc phòng có thể làm suy yếu sức mạnh của một trong những lực lượng bảo vệ lâu đời của Lục địa già, đó là NATO.

Tranh luận này đã được đặt ra và được thảo luận nhiều trong hơn 2 năm qua, kể từ thời điểm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra bình luận gây sốc rằng “NATO đang chết não” vào cuối năm 2019. Nhưng, hiện tại khi cuộc chiến lớn nhất châu Âu trong hơn 7 thập kỷ qua đang diễn ra tại Ukraine, các hoài nghi về vai trò của NATO đã không còn chỗ tồn tại. Có thể nói, cuộc chiến tại Ukraine đã làm sống lại vai trò của của NATO đối với an ninh châu Âu và hiện nay NATO quan trọng với châu Âu hơn bao giờ hết, giống như thời Chiến tranh Lạnh.

Ngay cả những nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sự tự chủ chiến lược của châu Âu như Pháp hay Italia… giờ đây cũng không còn nhắc quá nhiều đến ý tưởng châu Âu xây dựng quân đội riêng hay một châu Âu tương đối tách biệt với NATO. Trong kế hoạch “La bàn chiến lược” vừa thông qua, châu Âu nhấn mạnh rất rõ rằng chiến lược này chỉ là một sự “bổ sung” cho NATO và một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và NATO sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell khẳng định: “sẽ không có quân đội châu Âu”.

Đó là một thực tế mới mà cuộc chiến tại Ukraine mang lại. Thực tế này là việc châu Âu chưa thể tự bảo đảm an ninh cho mình nếu xảy ra tình huống xung đột quân sự với Nga. Ngay cả cường quốc kinh tế số 1 châu Âu là Đức mới đây cũng phải thừa nhận, rằng nếu nước Đức bị tấn công, quân đội Đức hiện không đủ sức bảo vệ đất nước. Thực tế này buộc châu Âu tiếp tục gắn chặt hơn với Mỹ về mặt an ninh thông qua NATO. Điều này sẽ còn kéo dài và thậm chí, còn tác động tiêu cực đến các chiến lược tự chủ quốc phòng mà châu Âu đang xây dựng.

Minh hoạ rõ nhất là việc Đức vừa quyết định mua 35 máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại F-35 của Mỹ, một quyết định mà nhiều người lo ngại là sẽ “giết chết” hoặc trì hoãn dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới mà Pháp-Đức-Tây Ban Nha đang triển khai từ 2 năm qua, với tham vọng đến năm 2040 các nước châu Âu sẽ có riêng cho mình một dòng máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 6, tránh phụ thuộc vào Mỹ.

Do đó, về lâu dài, NATO và Mỹ vẫn đóng giữ vai trò rất lớn, nếu không nói là quan trọng nhất, đối với an ninh châu Âu. Cuộc chiến tại Ukraine sẽ thúc đẩy châu Âu đầu tư quyết liệt hơn cho quốc phòng nhưng đồng thời, cũng khiến châu Âu phụ thuộc vào NATO hơn bao giờ hết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thổ Nhĩ Kỳ lặp lại yêu cầu gia nhập Liên minh châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ lặp lại yêu cầu gia nhập Liên minh châu Âu

VOV.VN -  Hôm qua (22/3), Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nối lại các cuộc đàm phán về việc kết nạp Ankara vào khối này.

Thổ Nhĩ Kỳ lặp lại yêu cầu gia nhập Liên minh châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ lặp lại yêu cầu gia nhập Liên minh châu Âu

VOV.VN -  Hôm qua (22/3), Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nối lại các cuộc đàm phán về việc kết nạp Ankara vào khối này.

Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga
Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU tuần này, Liên minh châu u đang chia rẽ trong việc tiến hành những động thái trừng phạt Nga tiếp theo.

Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga

Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU tuần này, Liên minh châu u đang chia rẽ trong việc tiến hành những động thái trừng phạt Nga tiếp theo.

Ukraine đưa ra yêu cầu đàm phán - Mỹ và châu Âu khởi động "tuần ngoại giao marathon"
Ukraine đưa ra yêu cầu đàm phán - Mỹ và châu Âu khởi động "tuần ngoại giao marathon"

VOV.VN - Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenski hôm qua (21/3) nhắc lại đề xuất đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vldimir Putin, trong bối cảnh xung đột giữa hai nước sắp bước sang tháng thứ 2 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Ukraine đưa ra yêu cầu đàm phán - Mỹ và châu Âu khởi động "tuần ngoại giao marathon"

Ukraine đưa ra yêu cầu đàm phán - Mỹ và châu Âu khởi động "tuần ngoại giao marathon"

VOV.VN - Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenski hôm qua (21/3) nhắc lại đề xuất đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vldimir Putin, trong bối cảnh xung đột giữa hai nước sắp bước sang tháng thứ 2 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

 “La bàn chiến lược” của châu Âu và kế hoạch tăng cường quốc phòng đầy tham vọng
“La bàn chiến lược” của châu Âu và kế hoạch tăng cường quốc phòng đầy tham vọng

VOV.VN - Hôm qua (21/3), Ủy ban châu Âu đã thông qua một khái niệm phòng thủ mới có tên “La bàn chiến lược” cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong đó có việc thành lập một Lực lượng phản ứng nhanh của Liên minh châu Âu (EU) gồm 5.000 người.

 “La bàn chiến lược” của châu Âu và kế hoạch tăng cường quốc phòng đầy tham vọng

“La bàn chiến lược” của châu Âu và kế hoạch tăng cường quốc phòng đầy tham vọng

VOV.VN - Hôm qua (21/3), Ủy ban châu Âu đã thông qua một khái niệm phòng thủ mới có tên “La bàn chiến lược” cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong đó có việc thành lập một Lực lượng phản ứng nhanh của Liên minh châu Âu (EU) gồm 5.000 người.