"Làm phẳng đường cong" không đem lại bước ngoặt trong chống Covid-19?
VOV.VN - Các nghiên cứu cứu mới đây cho rằng, Hàn Quốc và New Zealand là những nước làm tốt nhất việc cân bằng giữa kinh tế và kiểm soát dịch bệnh.
Theo báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, những nỗ lực của các nước trên thế giới trong việc "làm phẳng đường cong" có thể lại là cách tồi tệ nhất để đối phó với dịch Covid-19 hiện nay.
Nhóm nhà nghiên cứu do Giáo sư Liu Yu dẫn đầu tại Đại học Bắc Kinh cho rằng, cách tiếp cận “làm phẳng đường cong” - vốn được nhiều nước sử dụng với hy vọng rằng thời tiết ấm hơn và các loại vaccine trong tương lai sẽ giúp kiềm chế virus SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) - có thể hủy hoại nền kinh tế trong khi lại không có nhiều tác dụng trong việc giảm tình trạng lây nhiễm bệnh.
“Điểm ngoặt sẽ không bao giờ đến, đỉnh dịch sẽ vẫn như khi không có biện pháp nào. Chúng tôi gợi ý rằng họ nên xem xét lại cách tiếp cận hiện nay”, nhóm nhà nghiên cứu, bao gồm cả các nhà khoa học từ Đại học Havard của Mỹ, cho biết trong một báo cáo được công bố tuần trước.
“Làm phẳng đường cong” bao gồm việc sử dụng một loạt các biện pháp như đóng cửa các địa điểm công cộng, đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và ban hành sắc lệnh “ở nhà”… để làm ổn định số ca mắc mới và số ca tử vong. Ý tưởng này là để tránh số ca mới gia tăng đột biến khiến các bệnh viện không bị quá tải. Khi số ca mắc mới và số ca tử vong hàng ngày bắt đầu giảm, thì tức là đường cong đã được làm phẳng.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu dựa trên số ca nhiễm bệnh hàng ngày, yếu tố địa lý của sự lây lan dịch bệnh, hiệu quả kinh tế và giao thông công cộng để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách ngăn chặn dịch bệnh khác nhau, đặc biệt là việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Mô hình cân bằng hiệu quả hơn “làm phẳng đường cong”?
Theo các nhà nghiên cứu, tới nay chỉ có một số nước, trong đó có Hàn Quốc, Qatar, Na Uy và New Zealand, có thể ngăn chặn được dịch bệnh mà ít làm ngắt quãng nhất đối với các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, một số nước phát triển nhất – như Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha – lại chịu tác động lớn đối với nền kinh tế trong khi vẫn phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19. Các nền kinh tế này dường như chưa hiệu quả trong việc kiềm chế dịch bệnh so với các nước đang phát triển như Iran hay Lào.
Theo các nhà nghiên cứu, thất bại này là do việc tập trung vào làm phẳng đường cong – cách tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của cộng đồng trong việc giãn cách xã hội.
Chính sách này dẫn tới sự ngắt quãng lớn đối với các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội nhưng lại không hiệu quả trong việc cách ly những người nhiễm bệnh với phần còn lại của dân số. Ở một chừng mực nào đó, thì điều này còn tệ hơn cả việc không làm gì.
“Lựa chọn này khiến các nước vẫn phải gánh chịu 20-60% thiệt hại kinh tế nhưng chỉ đạt được 30-40% trong việc giảm số ca mắc mới - mức chưa đủ để làm thay đổi đường cong dịch bệnh. Các kết quả cho thấy đây thường là kịch bản tồi tệ nhất khi nói đến tính hiệu quả chi phí”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Một số nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đề xuất việc dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, nghiên cứu này cảnh báo rằng đó sẽ là cách làm sai lầm và nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu nói rằng việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi chưa có năng lực kiểm soát tình trạng lây nhiễm hiệu quả như xét nghiệm, có thể tạo ra một thảm họa nhân đạo ở Mỹ tương tự như những gì từng diễn ra ở Ecuador - nơi mà thi thể các nạn nhân Covid-19 được đặt trong những chiếc thùng các tông trên đường phố vì có quá nhiều người chết.
Nhận định này cũng phù hợp với dự báo của một số quan chức y tế cấp cao tại Mỹ, trong đó có Anthony Fauci – người đứng đầu Viện các dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ. Ông Fauci cũng nói rằng việc mở trở lại nền kinh tế quá sớm sẽ phản tác dụng.
Giải pháp nào là hợp lý?
Theo các nhà nghiên cứu, có một giải pháp, đó là siết chặt các biện pháp phong tỏa trong khi tăng tốc xét nghiệm và cách ly các bệnh nhân. Nếu mỗi bệnh nhân chỉ truyền bệnh cho chưa đến 1 người, thì sự lây lan của dịch bệnh cuối cùng cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Điều này đồng nghĩa với một lệnh cấm nghiêm ngặt hơn đối với các hoạt động công cộng, trong khi tăng tốc xây dựng các bệnh viện dã chiến để có thể tiếp nhận tất cả các bệnh nhân nhằm tránh nguy cơ họ lây bệnh cho những người khác.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lệnh cấm đi lại có những tác động hạn chế đối với sự lây lan của dịch bệnh. Trong khoảng 10 giờ đồng hồ trước khi lệnh phong tỏa ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, hơn 300.000 người đã “di tản” sang các địa phương khác, nhưng họ không gây ra sự bùng phát dịch lớn trên khắp Trung Quốc.
Lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu của Mỹ hồi tháng 3 cũng không hiệu quả vì các đợt vùng phát dịch đã bắt đầu ở các thành phố của M từ trước đó. Chiến lược “loại bỏ” của Trung Quốc là cách hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh một cách nhanh chóng, nhưng lại không ổn định do chi phí cao, với 40-90% thiệt hại kinh tế mỗi tháng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, giới chức các nước có thể cân nhắc các chiến lược dù vẫn đảm bảo nghiêm ngặt nhưng lại có hiệu quả cân bằng hơn về mặt kinh tế mà Hàn Quốc và New Zealand đã thực hiện. Các chiến lược này chỉ gây thiệt hại từ 0,5 đến 4% cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Jaymie Meliker, Giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Stony Brook ở New York nói rằng, mô hình này cũng có những hạn chế, vì nhóm nghiên cứu của Giáo sư Liu (Đại học Bắc Kinh) không đặt ra giá trị đối với mỗi mạng sống mất đi trong đại dịch.
“Tôi không biết họ ước tính mỗi mạng sống đáng giá bao nhiêu trong mô hình lợi ích chi phí. Nếu các bệnh viện quá tải và có thêm nhiều người chết vì dịch bệnh, thì khi đó chúng ta cần định lượng tổn thất đó trong một mô hình lợi ích chi phí. Điều đó là cần thiết để có thể đánh giá được những thiệt, hơn của các chiến lược ngăn chặn dịch bệnh khác nhau”, Giáo sư Meliker nói./.