Lệnh trừng phạt của Mỹ có khiến Iran và Triều Tiên xích lại gần nhau?
VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên dự kiến thăm Iran ngày 7/8 trong bối cảnh cả hai quốc gia đang đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho dự kiến thăm Iran ngày 7/8 trong bối cảnh cả hai quốc gia này đều đang đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ liên quan đến các chương trình hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên dự kiến thăm Iran ngày 7/8 trong bối cảnh cả hai quốc gia đang đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Ảnh: AFP |
Theo trang Channel News Asia, ông Ri Yong Ho đến thủ đô Tehran ngay sau khi Washington đưa ra các lệnh trừng phạt mới với Iran. Ngày 4/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì "sức ép về kinh tế và ngoại giao" lên Triều Tiên để đạt được "tiến trình phi hạt nhân hóa đã được xác minh một cách đầy đủ".
Trước tuyên bố này, ông Ri chỉ trích Mỹ luôn "lớn tiếng" chống lại Triều Tiên dù đã có một thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6/2018 sau cuộc gặp trực tiếp ở Singapore. Tại Hội nghị Thượng đỉnh này, ông Kim đã hứa sẽ hợp tác để hoàn toàn phi hạt nhân hóa nhưng theo báo cáo của các cơ quan tình báo, Triều Tiên vẫn tiếp tục các chương trình hạt nhân từ sau cuộc gặp.
Iran cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt mới sau quyết định của Tổng thống Trump hồi tháng 5/2018 với việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện năm 2015 (JPCOA), thường được biết đến với tên gọi Thỏa thuận Hạt nhân Iran. Những quốc gia ký thỏa thuận này như Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc đều thể hiện sự phẫn nộ trước quyết định của Mỹ và đang hợp tác cùng nhau để duy trì hiệp định. Sau chỉ thị của Tổng thống Trump, ông Pompeo thông báo rằng Mỹ sẽ thực hiện "những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử" với Tehran.
Trong suốt chuyến thăm tới Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sẽ gặp người đồng cấp phía Iran là ông Javad Zarif. Hiện vẫn chưa rõ hai bộ trưởng sẽ thảo luận về những vấn đề cụ thể gì. Tuy nhiên, vì cả hai quốc gia đều phải đối mặt với những lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến các chương trình hạt nhân nên họ sẽ có nhiều mối quan tâm chung. Những bài báo trước đó cũng khẳng định Iran và Triều Tiên đã hợp tác với nhau trong các chương trình tên lửa hạt nhân.
Dù vậy, Triều Tiên và Iran vẫn tồn tại những cách tiếp cận khác nhau trong mối quan hệ với Mỹ. Trong khi Tehran kiên quyết từ chối đàm phán trực tiếp với Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump thì Bình Nhưỡng lại cởi mở hơn trong các cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết nhà lãnh đạo tối cao của Iran - Ayatollah Khamenei đã hoạch định một chính sách cứng rắn với chính quyền ông Trump. Trong khi đó, ông Kim lại là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên có cuộc gặp trực tiếp với một Tổng thống Mỹ.
Tướng Mohammad Ali Jafari, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thậm chí đã chỉ trích Triều Tiên về Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Trump hồi tháng 6/2018 rằng ông Kim đã "đầu hàng" Washington. Ông cũng khẳng định mạnh mẽ rằng Iran "sẽ không bao giờ làm như vậy"./.
Kết cục thảm khốc nếu Iran đóng cửa Eo biển Hormuz đáp trả đòn của Mỹ
Chóng mặt vì ngoại giao hạt nhân kiểu “nhào lộn” của Mỹ và Triều Tiên