Liên minh châu Âu chia rẽ vì ngũ cốc Ukraine
VOV.VN - Nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đã làm nảy sinh bất đồng kéo dài giữa Liên minh châu Âu và các thành viên ở phía Đông, nhất là trong bối cảnh các quốc gia này đang đứng trước những kỳ bầu cử quan trọng.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa qua đã kêu gọi Ba Lan, Hungary và Slovakia có thái độ mang tính xây dựng sau khi 3 quốc gia này đơn phương tuyên bố sẽ tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine bất chấp quyết định của Ủy ban châu Âu về việc chấm dứt lệnh cấm này. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu hôm 18/9 cũng tổ chức cuộc họp với tất cả các quốc gia thành viên để thảo luận sâu hơn về vấn đề này.
Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn đơn phương duy trì lệnh cấm
Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu quyết định không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào các nước láng giềng của nước này. Ukraine là một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới trước khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 2022. Diễn biến này cũng khiến cho việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp của Kiev ra thị trường toàn cầu có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua.
Người nông dân Ukraine đã buộc phải dựa vào việc xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng do không thể sử dụng những tuyến đường thuận lợi qua các cảng Biển Đen. Năm 2022, Ukraine đã vận chuyển 60% hàng xuất khẩu của mình qua các tuyến đường Đoàn kết và 40% qua Biển Đen nhờ thỏa thuận này. Tới tháng 8, khoảng 4 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã đi qua tuyến đường này, trong đó gần 2,7 triệu tấn đi qua sông Danube.
Trong bối cảnh đó, làn sóng sản phẩm ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine tràn vào các quốc gia láng giềng (5 quốc gia Đông Âu) đã gây ra tình trạng khủng hoảng giá cả nông nghiệp xảy ra ở những nước này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nông dân và doanh nghiệp địa phương. Những cuộc biểu tình phản đối, xung đột nội bộ chính trị của các nước trước vấn đề này đã đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia Đông Âu. Để bảo vệ thị trường của mình, chính phủ các nước này đã cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine. Liên minh châu Âu vào tháng 5 đã vào cuộc để ngăn chặn từng quốc gia áp đặt lệnh cấm đơn phương và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vào các nước láng giềng. Theo lệnh cấm của EU, Ukraine được phép xuất khẩu qua các nước này với điều kiện sản phẩm phải được bán ở nơi khác.
Tuy nhiên, sau khi Ukraine cam kết thực hiện những biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng và EU không gia hạn các lệnh cấm vào ngày 15/9, ba quốc gia đơn phương tuyên bố ngăn chặn dòng ngũ cốc khiến cho căng thẳng giữa 3 nước là Hungary, Ba lan và Slovakia với Ukraine tiếp tục gia tăng. Mặc dù các nước này vẫn khẳng định cho phép quá cảnh các sản phẩm của Ukraine sang các nước khác tuy nhiên đây là một thời điểm vô cùng nhạy cảm bởi nó diễn ra khi người nông dân châu Âu vào mùa thu hoạch và chuẩn bị bán nông sản.
Hiện vẫn chưa thể tính toán cụ thể được thiệt hại và các rủi ro lương thực nếu có sự gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen nhưng vấn đề này đã đẩy mâu thuẫn, chia rẽ trong cách thức ứng phó của các quốc gia EU đối cuộc xung đột hiện nay.
Hành động của EU trước quyết định của 3 quốc gia
Rõ ràng việc 3 quốc gia là Ba Lan, Hungary và Slovakia công khai thách thức quyết định không gia hạn lệnh cấm vận đối với ngũ cốc của Ukraine của Ủy ban Châu Âu sẽ đặt ra câu hỏi liệu EU sẽ phản ứng thế nào để giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu sẽ không vội vàng thực hiện những hành động mạnh tay với 3 nước này đặc biệt khi cuộc tổng tuyển cử ở Ba Lan và Slovakia chuẩn bị diễn ra.
Theo một số nguồn tin, một số quan chức cấp cao trong Ủy ban châu Âu cho biết hiện tại EU chưa có ý muốn thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các quốc gia này. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu đã cảnh báo rằng một hành động cứng rắn có thể diễn ra sau đó. Cuối tuần qua, phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu đã nhắc nhở 3 nước rằng chính sách thương mại là thẩm quyền độc quyền của Ủy ban, từ đó có thể suy đoán Ủy ban châu Âu có thể có hành động chống lại 3 quốc gia này bất chấp những lý do ảnh hưởng về kinh tế được đưa ra để ngăn nhập khẩu sản phẩm ngũ cốc từ Ukraine.
Thậm chí, việc này có thể dẫn đến các hình phạt từ Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) dành cho 3 nước Đông Âu. Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 18/9, Ukraine có kế hoạch kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các lệnh cấm đối với các sản phẩm nông nghiệp của nước này.
Đây cũng là một thời điểm vô cùng khó khăn khiến EU phải cân nhắc kỹ lưỡng. Những động thái EU có thể dẫn tới thay đổi về quan điểm ngoại giao chính trị, thậm chí có thể ảnh hưởng tới quan hệ nội bộ EU trong bối cảnh các quốc gia như Ba Lan, Slovakia bước vào bầu cử tới đây.
Một động thái cứng rắn của EU có thể khiến người nông dân châu Âu cảm thấy bất an bị can thiệp quá sâu dẫn tới gây bất lợi cho người dân trong lĩnh vực này. Trong khi, những ảnh hưởng kinh tế từ Đại dịch Covid-19, xung đột vẫn chưa lắng xuống, việc các biện pháp của EU làm ảnh hưởng đến đời sống người dân có thể dẫn tới những chia rẽ to lớn hơn trong những quyết định tiếp theo của khối.
Phép thử về sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine
Xuất khẩu nông sản của Ukraine đã trở thành một vấn đề chính trị nhức nhối ở EU trong thời gian qua. Kể từ khi được ban hành, các lệnh cấm là nội dung gây mẫu thuẫn sâu sắc giữa các thành viên EU và Kiev, coi chúng là hành động trái với tinh thần đoàn kết giữa hai bên. Một số quốc gia thành viên, bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ, đã đưa ra "mối lo ngại nghiêm trọng" về tác động bất lợi mà các hạn chế gây ra đối với thị trường chung, vốn được cho là hoạt động với các quy tắc bình đẳng cho mọi quốc gia.
Do đó, đánh giá việc cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine là bước thử nghiệm trong nhiều phép thử sắp tới của châu Âu dành cho Kiev là hoàn toàn có cơ sở. Ủy ban Châu Âu vừa cam kết dỡ bỏ lệnh cấm vận trước ngày 15 tháng 9 và đã đưa ra quan điểm nghiên cứu các giải pháp thay thế, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực vận tải qua sông Danube, qua đó có thể giảm bớt căng thẳng đặt ra trên các tuyến đường bộ sau sự sụp đổ của hành lang Biển Đen.
Ngay khi Liên minh châu Âu quyết định chấm dứt các hạn chế của khối đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đã tạo ra những mâu thuẫn gay gắt giữa lợi ích của khối này và một số nước Đông Âu. Các quốc gia Đông Âu cho biết đang phải hứng chịu làn sóng ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine, làm chao đảo thị trường nông nghiệp, các quyết định đơn phương của Ba Lan, Hungary và Slovakia với sản phẩm ngũ cốc của Ukraine cũng đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khối và tạo ra những nguy cơ bất đồng kéo dài giữa Ủy ban châu Âu và các thành viên.
Sự chia rẽ trong các quyết định đối với cuộc xung đột hiện nay từ lâu vẫn luôn âm ỉ, nhưng những động thái mới đây càng khiến cho căng thẳng trong khối gia tăng; đẩy Ba Lan và Ukraine, hai quốc gia được coi là đồng minh thân cận và có ủng hộ rất lớn trong suốt quá trình xung đột cũng rơi vào căng thẳng ngoại giao mới. Thậm chí, quyết định này cũng được đánh giá là một giải pháp trung dung, trong đó tăng cường mức độ kiểm soát đối với ngũ cốc của Ukraine nhưng dưới sự giám sát trực tiếp của Kiev, tạo ra ý thức chia sẻ trách nhiệm đối với cuộc tranh chấp nông sản kéo dài.
Cuộc xung đột giữa chính trị và nông nghiệp minh chứng cho một thách thức to lớn đối với Ủy ban Châu Âu trong phép thử với sự ủng hộ kiên định của khối với Ukraine. Có thể nói, vấn đề của EU hiện nay không chỉ là tìm kiếm các giải pháp ứng phó phù hợp mà cần có sự đồng thuận từ các quốc gia trong các biện pháp ứng phó chung trên cơ sở hướng tới lợi ích thiết thực cho từng quốc gia thành viên và của khối trước những thách thức to lớn hiện tại. Nếu không sự đoàn kết trong chiến lược chung, hài hòa về mặt lợi ích, chắc chắn các vấn đề chung của khối với cuộc xung đột hiện nay sẽ không thể được giải quyết.