Liên tục xuất hiện ổ dịch mới, Trung Quốc có nên sống chung với Covid-19?

VOV.VN - Một số chuyên gia cho rằng, từ thực tế dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, Trung Quốc nên nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, học cách “sống chung với Covid-19”, chuyển mục tiêu từ giảm số ca mắc mới sang giảm số ca bệnh nặng và tử vong.

Biến thể Delta đe dọa chiến lược “Không Covid” của Trung Quốc

Đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở Trung Quốc trong nhiều tháng, cho đến khi phát hiện ổ dịch mới tại sân bay ở Nam Kinh. Chưa đầy 3 tuần sau, ổ dịch đã lan ra ít nhất 17 tỉnh của Trung Quốc. Tình hình dịch bệnh càng nghiêm trọng hơn khi nhiều ca nhiễm  biến thể Delta và ổ dịch xuất hiện vào đúng mùa du lịch.

Mặc dù số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức thấp, ghi nhận khoảng 700 ca kể từ ngày 20/7 đến nay, các quan chức y tế vẫn cảnh giác cao độ, coi đây là thách thức lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan hôm 4/8 nói với các quan chức rằng, ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Tình hình dịch bệnh vẫn còn bất ổn và sẽ có một cuộc thanh tra toàn quốc về việc kiểm soát đại dịch ở những nơi như bệnh viện và phòng khám.

Biến thể Delta đang gây ra thách thức đối với chiến lược “Không Covid” của Trung Quốc, khi các nhà chức trách cố giữ cho số ca mắc bệnh ở mức thấp nhất bằng việc cách ly những người mới đến, xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc, phong tỏa, hạn chế đi lại và nhiều biện pháp khác. Chiến lược “Không Covid” cũng được một số nước như Australia và New Zealand áp dụng.

Với sự lây lan nhanh chóng của Delta, hiện đang là biến thể chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, câu hỏi được đặt ra là chiến lược “Không Covid” có thực sự là một giải pháp lâu dài ở Trung Quốc hay không.

Đợt bùng phát dịch mới nhất cũng làm phai mờ hy vọng về việc mở cửa biên giới của Trung Quốc trong tương lai gần khi nhiều thành phố phải xét nghiệm diện rộng, giao thông bị gián đoạn và nhiều điểm nóng bị phong tỏa.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ mô tả biến thể Delta dễ lây lan hơn bệnh cảm lạnh thông thường và cúm, thậm chí lây lan nhanh như bệnh thủy đậu.

Stuart Turville, phó giáo sư thuộc Viện Kirby tại Đại học New South Wales, cho biết, virus SARS-CoV-2 ngày càng “thích ứng” hơn với khả năng liên kết và kết hợp với các tế bào, gây ra sự lây nhiễm. “Có vẻ như biến thể Delta đang lây truyền nhanh hơn trong thực tế”, ông Turville nói.

He Qinghua, quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho rằng các biện pháp quy mô lớn, nghiêm ngặt và nhanh chóng từng giúp Trung Quốc ngăn chặn hơn 30 ổ dịch trước đó, sẽ tiếp tục có hiệu quả với đợt bùng phát mới nhất. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cho biết, tốc độ lây lan nhah chóng của biến thể Delta sẽ gây ra thách thức với những biện pháp này.

“Thời gian ủ bệnh của biến thể Delta đã rút ngắn hơn ít nhất 1 ngày. Bạn có đủ thời gian truy vết tiếp xúc nếu bạn chỉ có 3 ngày thay vì 5 ngày hay không? Điều đó sẽ khó hơn rất nhiều”, George Rutherford, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, cho biết.

Trung Quốc có nên “sống chung với Covid-19”?

Một số chuyên gia y tế công cộng đang đặt câu hỏi liệu đã đến lúc giảm bớt các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt ở Trung Quốc và học cách “sống chung với Covid-19” hay chưa.

Tại Thượng Hải, Zhang Wenhong, lãnh đạo khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan, cho biết, đợt bùng phát mới nhất cho thấy nguy cơ mắc Covid-19 sẽ luôn tồn tại và thách thức đặt ra là “làm thế nào để sống chung với dịch bệnh trong thời gian dài”.

Đó là điều mà các quốc gia khác đang bắt đầu thực hiện và Trung Quốc có thể học tập, theo Nicholas Thomas, phó giáo sư về an ninh y tế tại Đại học Thành phố Hong Kong.

“Các quốc gia khác, dù phải bắt buộc lựa chọn hay do hoàn cảnh, đều đang tìm cách sống chung với đại dịch. Mặc dù biện pháp này có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn, nhưng sẽ giúp khôi phục nền kinh tế nhanh hơn. Trên thực tế, đây có thể là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc vì đại dịch hiện đã lây lan ra toàn cầu”, ông Thomas nói.

Ông Thomas cho rằng, Trung Quốc không thể dễ dàng vượt qua Covid-19 khi thế giới cũng đang cố gắng phục hồi sau đại dịch. “Mặc dù chính sách phong tỏa hiệu quả, nhưng chi phí cho chính sách này đang tăng lên cùng với những tổn thất về cơ hội. Trong vòng 6-12 tháng tới, trừ khi có một biến thể đáng lo ngại xuất hiện, những chi phí đó sẽ không bền vững đối với Trung Quốc”, ông Thomas nhận định.

Một số quốc gia đang chọn cách không giảm thiểu số ca bệnh mới xuống mức thấp nhất mà cố giảm số ca mắc bệnh nặng và tử vong. Singapore là một trong số đó. Vào tháng 6, Singapore đã chuyển từ “chính sách không ca bệnh” sang coi Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu giống như cúm hoặc thủy đậu.

Anh, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, đã nới lỏng hầu hết các hạn chế, bao gồm cả quy định về đeo khẩu trang vào giữa tháng 7, dù số ca mắc bệnh tăng đột biến vào thời điểm đó. Khoảng 73% người trưởng thành tại Anh đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong tuần từ ngày 2-7/8, nước này ghi nhận hơn 188.000 ca mắc Covid-19 mới nhưng số ca tử vong ở mức tương đối thấp với 627 ca.

Chuyên gia Rutherford cho biết, mục tiêu là “giảm số ca tử vong và nhập viện, điều mà tôi tin rằng vaccine làm được”. “Để đạt được điều này, chúng ta sẽ phải chấp nhận việc số ca mắc bệnh tăng lên. Biến thể Delta làm cho kế hoạch trở nên khó khăn hơn, nhưng chúng tôi đang cố gắng đối phó thông qua các biện pháp can thiệp cấp thấp hơn như đeo khẩu trang”, ông Rutherford nói.  

Nhà dịch tễ học người New Zealand Michael Baker, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago, cho biết, các nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao như Anh, Mỹ, Israel và các quốc gia EU, đã chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh về số ca bệnh, nhưng vaccine đã có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong.

“Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, sẽ là điều liều lĩnh nếu cho phép lây truyền virus trước khi một quốc gia đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao. Ngay cả khi đó, điều quan trọng là phải duy trì các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây nhiễm. Tất cả các quốc gia trên đều có cơ sở hạ tầng và năng lực y tế tốt, điều này giúp giảm bớt tác động của việc gia tăng số ca bệnh”, ông Baker nói.

Ông Baker cũng lưu ý rằng, biến thể Delta đã tạo thêm áp lực cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại đang được thực hiện ở các quốc gia và khu vực, dù ngày càng có nhiều người tiêm chủng hơn.

Australia cho biết sẽ xem xét việc mở cửa biên giới khi 80% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. New Zealand đang đặt vấn đề về việc có nên mở cửa biên giới hay không và mở lại như thế nào trong tuần này.

“Có một số người, bao gồm cả tôi, nghĩ rằng chúng ta không nhất thiết phải học cách sống chung với Covid-19 cho đến khi chúng ta biết thêm về những ảnh hưởng lâu dài của virus đối với sức khỏe con người”, ông Baker nói.

Tại Trung Quốc, Feng Zijian, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc, nói rằng nước này sẽ cần duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở biên giới cho đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.

Theo CDC Trung Quốc, khoảng 1,77 tỷ liều vaccine đã được sử dụng tính đến ngày 7/8 tại quốc gia 1,4 tỷ dân này.

Ông Feng cho biết, Trung Quốc sẽ phải đưa ra quyết định về việc điều chỉnh các biện pháp kiểm soát khi có thêm nhiều người được tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Feng cũng lưu ý rằng rất khó để đánh giá tác động của việc tiêm chủng hàng loạt do số ca mắc Covid-19 mới ở Trung Quốc hiện tại khá thấp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo phải sống chung “lâu dài hoặc mãi mãi” với Covid-19
Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo phải sống chung “lâu dài hoặc mãi mãi” với Covid-19

VOV.VN - Các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc cho rằng bởi vì virus SARS-CoV-2 sẽ liên tục đột biến nên thế giới cần học cách sống chung với thực tế này, cũng như tiêm vaccine nhanh nhất và sớm nhất có thể.

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo phải sống chung “lâu dài hoặc mãi mãi” với Covid-19

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo phải sống chung “lâu dài hoặc mãi mãi” với Covid-19

VOV.VN - Các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc cho rằng bởi vì virus SARS-CoV-2 sẽ liên tục đột biến nên thế giới cần học cách sống chung với thực tế này, cũng như tiêm vaccine nhanh nhất và sớm nhất có thể.

Dịch bệnh lan ra 13 thành phố, chuyên gia Trung Quốc kêu gọi sống chung cùng Covid-19
Dịch bệnh lan ra 13 thành phố, chuyên gia Trung Quốc kêu gọi sống chung cùng Covid-19

VOV.VN - Dịch Covid-19 bùng phát ở sân bay thành phố Nam Kinh, Trung Quốc đến nay đã lan ra 13 thành phố.

Dịch bệnh lan ra 13 thành phố, chuyên gia Trung Quốc kêu gọi sống chung cùng Covid-19

Dịch bệnh lan ra 13 thành phố, chuyên gia Trung Quốc kêu gọi sống chung cùng Covid-19

VOV.VN - Dịch Covid-19 bùng phát ở sân bay thành phố Nam Kinh, Trung Quốc đến nay đã lan ra 13 thành phố.

Sống chung với Covid-19 có phải biện pháp khả thi để thoát khỏi đại dịch?
Sống chung với Covid-19 có phải biện pháp khả thi để thoát khỏi đại dịch?

VOV.VN - Trong khi một số nước chọn cách sống chung với Covid-19 thì nhiều chuyên gia cho rằng việc “đi đường tắt” để mở cửa trở lại đang khiến những người chưa được tiêm vaccine gặp rủi ro và tới nay, con người vẫn chưa hiểu hết về virus này.

Sống chung với Covid-19 có phải biện pháp khả thi để thoát khỏi đại dịch?

Sống chung với Covid-19 có phải biện pháp khả thi để thoát khỏi đại dịch?

VOV.VN - Trong khi một số nước chọn cách sống chung với Covid-19 thì nhiều chuyên gia cho rằng việc “đi đường tắt” để mở cửa trở lại đang khiến những người chưa được tiêm vaccine gặp rủi ro và tới nay, con người vẫn chưa hiểu hết về virus này.