Liệu hộ chiếu vaccine sẽ là tấm “thẻ xanh” vượt đại dịch Covid-19?

VOV.VN - Theo NY Times, hộ chiếu vaccine sẽ không thể là biện pháp chấm dứt sự lây lan của đại dịch, cho đến khi vaccine Covid-19 được phân phối công bằng và các quốc gia đồng ý với các tiêu chuẩn tiêm chủng.

Thách thức khi triển khai hộ chiếu vaccine

Hơn 448 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới. Tại một số quốc gia, các chiến dịch tiêm chủng đã phép người dân quay trở lại cuộc sống gần như bình thường. Ở Israel, nơi 50% dân số đã được tiêm chủng, người dân có thể xuất trình “thẻ xanh” chứng minh họ đã tiêm vaccine Covid-19 để vào nhà hàng, rạp hát và phòng tập thể dục.

Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc gần đây đã công bố các phiên bản chứng nhận tiêm chủng riêng. Khi những người có chứng nhận tiêm chủng được phép vào các địa điểm trong phạm vi một quốc gia, chính phủ các nước cũng hy vọng có thể sử dụng chứng nhận tiêm chủng để điều chỉnh việc di chuyển quốc tế.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, nguồn cung vaccine vẫn còn thiếu và thậm chí ở một số nơi hoàn toàn chưa có sẵn. Khi các chính phủ, phần lớn ở các nước giàu, tìm cách sử dụng hộ chiếu vaccine để nới lỏng các biện pháp hạn chế, họ có nguy cơ dựa vào một hệ thống chưa hoàn thiện để gây tác động tiêu cực đến việc lây lan đại dịch.

Ngoài hộ chiếu vaccine đang được triển khai ở châu Âu và Trung Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang làm việc với nhóm Commons Project về một hệ thống ghi chép lại việc tiêm chủng vaccine Covid-19. Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đang phát triển Digital Health Pass và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đang phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh cung cấp cho hành khách thông tin về các yêu cầu xét nghiệm và tiêm chủng.

Theo NY Times, hộ chiếu vaccine cho phép di chuyển quốc tế sẽ đặt ra một số thách thức. Luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia yêu cầu du khách chứng minh họ đã được tiêm chủng các bệnh như sốt vàng da. Tuy nhiên, vaccine Covid-19 là một loại vaccine mới và không phải tất cả các loại vaccine Covid-19 đều được cấp phép sử dụng trên thế giới.  

Các quốc gia có thể quyết định chỉ chấp nhận chứng nhận tiêm loại vaccine được phép sử dụng trong nước của họ. Trung Quốc nói rằng, hộ chiếu vaccine của họ sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Mỹ hiện không có vaccine Covid-19 nào do các công ty Trung Quốc sản xuất. Vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng ở 86 quốc gia, nhưng chưa được phê chuẩn sử dụng ở Mỹ. Ngoài ra, vaccine được sử dụng ở một số quốc gia có thể không hiệu quả đối với các biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện trong nước đó hoặc ở nước ngoài.

Những vấn đề này cần được giải quyết trên quy mô toàn cầu và các chính phủ nên tận dụng cơ hội để giải quyết tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới của Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 5.

Hệ thống hộ chiếu vaccine nên quy định rõ những loại vaccine nào sẽ được chấp nhận và hệ thống này phải được trang bị để cập nhật các yêu cầu tiêm chủng khi hướng dẫn y tế cộng cộng thay đổi. Các hệ thống này cũng phải ngăn chặn các quốc gia tự ý từ chối chấp nhận các chứng nhận tiêm vaccine. Nếu không có sự đồng thuận quốc tế, có nhiều nguy cơ đặt ra khiến đại dịch Covid-19 kéo dài. Theo NY Times, hộ chiếu vaccine cho phép công dân của một số quốc gia di chuyển quốc tế trong khi hàng triệu người khác vẫn đang chờ tiêm chủng sẽ làm tăng bất bình đẳng trên toàn cầu.

Hộ chiếu vaccine sẽ không giúp thoát khỏi khỏi đại dịch?

Đến nay, Mỹ vẫn chưa công bố kế hoạch về việc cấp hộ chiếu vaccine. Những người Mỹ đã tiêm chủng sẽ nhận được một thẻ ghi rõ ngày tháng và loại vaccine họ được tiêm. Tuy nhiên, những tấm thẻ này không được sử dụng làm hộ chiếu vaccine và có thể dễ dàng bị làm giả. Kế hoạch hộ chiếu vaccine của Mỹ sẽ gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên, việc triển khai vaccine Covid-19 ở Mỹ đã bị cản trở bởi sự bất bình đẳng khi người da màu đang được tiêm chủng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với người da trắng. Thứ hai, không phải ai cũng có thể tiêm chủng khi vaccine chưa được phép sử dụng cho trẻ em và dữ liệu về sự an toàn của tiêm chủng trong thời kỳ mang thai còn hạn chế. Chứng nhận tiêm chủng sẽ cần một cơ chế để đảm bảo những người không thể tiêm chủng sẽ không bị từ chối cơ hội việc làm, dịch vụ và giáo dục.

Yêu cầu của người sử dụng lao động và doanh nghiệp về chứng nhận tiêm chủng sẽ không chỉ mang lại những rào cản về đạo đức và pháp lý, mà còn những thách thức liên quan đến việc thu thập, lưu trữ, xác minh và bảo vệ dữ liệu. Các doanh nghiệp yêu cầu tiêm vaccine cho khách hàng hoặc nhân viên sẽ cần hệ thống xem xét hộ chiếu vaccine. Điều này có thể tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Nếu hộ chiếu vaccine ở dạng ứng dụng trên điện thoại thông minh, một số người sẽ không thể sử dụng chúng. Thêm vào đó, hộ chiếu vaccine sẽ ghi lại dữ liệu sức khỏe cá nhân, bởi vậy, việc không bảo vệ những thông tin này sẽ tạo ra nguy cơ gian lận, giả mạo, phân biệt đối xử và vi phạm quyền riêng tư.

Người dân trên khắp thế giới đang mong chờ đại dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc, và những người đã được tiêm vaccine cũng kỳ vọng được tận dụng sự tự do mà việc tiêm chủng mang lại. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm cấp hộ chiếu vaccine phải nhận được sự hợp tác của các quốc gia trên thế giới và việc tiếp cận vaccine phải diễn ra một cách bình đẳng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều quốc gia EU ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”
Nhiều quốc gia EU ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”

VOV.VN - Việc thông qua “hộ chiếu vaccine” hay còn gọi là “thẻ xanh kỹ thuật số” đang được nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ nhằm từng bước phục hồi ngành du lịch.

Nhiều quốc gia EU ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”

Nhiều quốc gia EU ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”

VOV.VN - Việc thông qua “hộ chiếu vaccine” hay còn gọi là “thẻ xanh kỹ thuật số” đang được nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ nhằm từng bước phục hồi ngành du lịch.

WHO không khuyến nghị sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho hoạt động đi lại
WHO không khuyến nghị sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho hoạt động đi lại

VOV.VN - Tổ chức Y tế thế giới hôm qua (8/3) tiếp tục khẳng định không khuyến nghị việc yêu cầu sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho các hoạt động đi lại.

WHO không khuyến nghị sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho hoạt động đi lại

WHO không khuyến nghị sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho hoạt động đi lại

VOV.VN - Tổ chức Y tế thế giới hôm qua (8/3) tiếp tục khẳng định không khuyến nghị việc yêu cầu sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho các hoạt động đi lại.

Các quốc gia Đông Nam Âu kêu gọi EU sớm thông qua "Hộ chiếu vaccine"
Các quốc gia Đông Nam Âu kêu gọi EU sớm thông qua "Hộ chiếu vaccine"

VOV.VN - Hy Lạp là quốc gia đầu tiên đề xuất ý kiến này. Hy Lạp cho biết đã sẵn sàng chào đón khách dịch vào mùa hè năm 2021 nếu họ đã được tiêm phòng, có kháng thể hoặc âm tính với SARS-CoV-2.

Các quốc gia Đông Nam Âu kêu gọi EU sớm thông qua "Hộ chiếu vaccine"

Các quốc gia Đông Nam Âu kêu gọi EU sớm thông qua "Hộ chiếu vaccine"

VOV.VN - Hy Lạp là quốc gia đầu tiên đề xuất ý kiến này. Hy Lạp cho biết đã sẵn sàng chào đón khách dịch vào mùa hè năm 2021 nếu họ đã được tiêm phòng, có kháng thể hoặc âm tính với SARS-CoV-2.