Liệu lệnh trừng phạt “chưa từng có” của Mỹ có đủ sức răn đe Nga?

VOV.VN - Theo một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, “các biện pháp trừng phạt chưa từng có” của Washington gần như sẽ không đủ để ngăn chặn ý đồ của Nga với Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo rằng nếu tấn công Ukraine, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt “tác động lớn”, nặng hơn bất kỳ biện pháp nào từng áp dụng với Moscow.

Các quan chức tình báo Mỹ cho biết, Nga đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự tiềm năng bằng cách tập trung hàng chục nghìn quân dọc biên giới và thực hiện các hành động gây hấn khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 7/12 để thảo luận về vấn đề này.

Các biện pháp trừng phạt mới sẽ thực hiện cùng với một loạt các lệnh trừng phạt đối với Nga được áp dụng từ đầu năm 2021 và trước đây để đáp trả các cáo buộc tấn công mạng của Moscow, việc sáp nhập Bán đảo Crimea và sự hẫu thuẫn của nước này đối với các nhóm nổi dậy ở miền Đông Ukraine.  

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, các biện pháp trừng phạt là một phương tiện hữu hiệu để đạt được các mục tiêu chính sách. Tuy nhiên, liệu điều này có chính xác và các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” có đủ khả năng răn đe Nga hay không? Theo CNA, có những vấn đề nghiêm trọng đối với các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm vào Nga.

Lệnh trừng phạt đơn phương hiếm khi có hiệu quả

Mặc dù không rõ Mỹ có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nào, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy họ có thể nhắm mục tiêu vào hệ thống tài chính của Nga, bao gồm các ngân hàng lớn nhất và hạn chế khả năng của Nga trong việc chuyển đổi đồng rúp sang USD.

Các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ nhằm trừng phạt nền kinh tế của Nga, các đồng minh của Moscow và giới tài phiệt của đất nước.

Để những lệnh trừng phạt này có hiệu lực, Mỹ sẽ cần các đồng minh. Các biện pháp trừng phạt trước đây của Mỹ nhằm vào Nga thường là đơn phương và không có sự hỗ trợ hoặc tham gia của các quốc gia lớn khác hay Liên Hợp Quốc.

Các biện pháp trừng phạt đơn phương như vậy hiếm khi thành công. Trong một nền kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa, các biện pháp trừng phạt đơn phương phải đối mặt với những trở ngại rất lớn, ngay cả khi đó là do nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra.  

Một nghiên cứu do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson công bố năm 1997 cho thấy, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chỉ đạt được 13% mục tiêu đối với chính sách ngoại giao của họ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, các biện pháp trừng phạt đa phương liên quan đến một số quốc gia có hiệu quả hơn các biện pháp đơn phương.

Những trường hợp hiếm hoi khi các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ có hiệu quả sẽ liên quan đến các nước có quan hệ thương mại rộng rãi với Mỹ, tuy nhiên, rõ ràng trong trường hợp này không phải là Nga.

Trong danh sách các đối tác thương mại của Mỹ, Nga đứng ở vị trí thấp. Các lệnh trừng phạt trước đây của Washington đối với Moscow đã khiến quan hệ thương mại Nga-Mỹ giảm sút hơn nữa. Nga không phụ thuộc vào thương mại của Mỹ và do đó khó có khả năng chịu áp lực kinh tế của Mỹ.

Bên cạnh đó, khi một quốc gia phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, họ có thể tìm kiếm các mối quan hệ thương mại đối với những nước khác.

Đó là trường hợp của Cuba. Khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với đối tác thương mại cũ sau Cuộc cách mạng Cuba năm 1959, Havana đã nhờ tới sự giúp đỡ của Moscow. Các lệnh trừng phạt không có tác động đến việc thay đổi chính sách của Cuba.

Trong những năm gần đây, Nga đang tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Trung Quốc, điều này sẽ khiến nước này ít bị áp lực kinh tế từ Mỹ hơn.

Có thông tin cho rằng nước đồng minh châu Âu đã bị thuyết phục bởi các báo cáo tình báo của Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã được đảm bảo sẽ xảy ra, nhưng liệu tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) có đồng ý với các lệnh trừng phạt hay không lại là một vấn đề khác.  

Nga là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Các mối quan hệ thương mại sâu rộng của Nga với các nước EU sẽ giúp Moscow giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt không có sự hỗ trợ và hợp tác đầy đủ của châu Âu.

Nga cung cấp cho châu Âu phần lớn khí đốt tự nhiên, đảm bảo khả năng tiếp cận thương mại và nguồn thu bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Đức và các nước châu Âu khác đang bày tỏ quan ngại về hành động chống lại Ukraine của Nga. EU đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc nước này sáp nhập Bán đảo Crimea. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, EU đã ủng hộ các chiến lược ngoại giao hơn là các biện pháp trừng phạt kinh tế để quyết định tương lai của Ukraine.

Kết hợp với chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”?

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp trừng phạt là tầm quan trọng của việc kết hợp các lệnh trừng phạt với thương lượng ngoại giao.

CNA nhận định rằng, các biện pháp trừng phạt hoạt động có hiệu quả nhất khi các biện pháp ép buộc được kết hợp với chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để khuyến khích sự tuân thủ.

Đề nghị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể là một hình thức thương lượng hiệu quả để thuyết phục việc thay đổi mục tiêu về chính sách.

Đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại cũng đã thành công trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, khiến chính phủ Libya ngừng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế và từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kết hợp chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.

Các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ, Liên Hợp Quốc và EU được kết hợp với đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu Iran tuân thủ các hạn chế trong chương trình hạt nhân.

Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã xác minh rằng Iran giữ nguyên quan điểm của mình và cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã được gỡ bỏ vào năm 2016.

Tuy nhiên, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và áp đặt các biện pháp trừng phạt “áp lực tối đa” mới đối với Iran.

Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Mỹ đã đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Iran chấp nhận các hạn chế mới đối với chương trình hạt nhân, nhưng hai bên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận.

Lời đe dọa của ông Biden về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga không có nhiều tác động đến hành động của ông Putin trừ khi các quốc gia châu Âu ủng hộ và tham gia vào quyết định này.

Một cách tiếp cận khác có thể là hỗ trợ các nỗ lực của châu Âu nhằm đàm phán một giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine, đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện tại như một động thái để giảm áp lực lên Kiev./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine
Tổng thống Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 09/12 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine

Tổng thống Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 09/12 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Putin nói xung đột ở miền Đông Ukraine "như cuộc diệt chủng"
Tổng thống Putin nói xung đột ở miền Đông Ukraine "như cuộc diệt chủng"

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/12 nói rằng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine giữa quân đội của chính phủ Kiev và lực lượng ly khai thân Nga “giống như hành động diệt chủng”, giữa lúc căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng.

Tổng thống Putin nói xung đột ở miền Đông Ukraine "như cuộc diệt chủng"

Tổng thống Putin nói xung đột ở miền Đông Ukraine "như cuộc diệt chủng"

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/12 nói rằng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine giữa quân đội của chính phủ Kiev và lực lượng ly khai thân Nga “giống như hành động diệt chủng”, giữa lúc căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng.

Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga
Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 8/11 cho biết, Mỹ sẽ chuyển giao chuyến hàng cuối cùng của gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD đến Ukraine trong tuần này, trong đó có vũ khí nhỏ và đạn dược.

Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga

Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 8/11 cho biết, Mỹ sẽ chuyển giao chuyến hàng cuối cùng của gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD đến Ukraine trong tuần này, trong đó có vũ khí nhỏ và đạn dược.