Liệu NATO có đủ sức đương đầu với Nga trên chiến trường Ukraine?
VOV.VN - Xung đột Ukraine càng khốc liệt và kéo dài, người ta càng lo ngại về khả năng đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO trên chiến trường này. Thực lực quân sự của NATO đang là điều được chú ý vào lúc này.
NATO và kịch bản đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine
Mới đây Tổng thống Pháp Macron nói rằng “không thể loại trừ” khả năng điều quân phương Tây tới tham chiến ở Ukraine. Sau khi đăng cai cuộc họp 25 lãnh đạo châu Âu tại Paris vào ngày 26/2 vừa qua, Tổng thống Macron nói rằng “Không thể loại trừ điều gì. Chúng tôi sẽ làm bất cứ thứ gì cần thiết để bảo đảm Nga không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Cho tới nay, NATO mới chỉ giới hạn ở việc huấn luyện các lực lượng quân sự của Ukraine và cung cấp cho họ các vũ khí phòng ngự. Các nước thành viên NATO lo ngại rằng việc trực tiếp đối đầu với quân Nga ở Ukraine sẽ có rủi ro dẫn tới một cuộc leo thang xung đột trên quy mô lớn trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin và các cộng sự thường xuyên cảnh báo rằng Nga có thể dùng tới vũ khí hạt nhân nếu nổ ra xung đột lớn hơn.
Hiện tại, NATO đang tiến hành cuộc tập trận lớn nhất của mình kể từ Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận Steadfast Defender diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5/2024 với sự tham gia của toàn bộ 31 nước thành viên của khối NATO nhằm mục tiêu tăng cường năng lực và mức độ sẵn sàng phòng thủ tập thể.
Tướng Christopher Cavoli, tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu, nói: “Steadfast Defender 2024 sẽ là minh chứng rõ ràng cho sự đoàn kết, sức mạnh và quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ các giá trị của chúng tôi và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Đáng lưu ý, cuộc tập trận này có sự tham gia của lực lượng Mỹ và Canada nhằm thể hiện tốc độ và quy mô năng lực tăng cường của NATO.
Cuộc tập trận mô phỏng một xung đột với “một đối thủ gần ngang cơ”, ám chỉ Nga. Điều này cho thấy NATO bắt đầu xem xét nghiêm túc khả năng xung đột trực tiếp với Nga.
Thời Chiến tranh Lạnh, NATO thường xuyên tổ chức tập trận. Kể từ khi Liên Xô tan rã, NATO đã tìm kiếm một bản sắc mới. Trong thập niên 1990, trọng tâm của khối quân sự này chuyển từ bảo vệ lãnh thổ chung sang bảo vệ lợi ích chung của các nước thành viên, như khi tổ chức này can thiệp vào các cuộc chiến tranh ở Bosnia năm 1995 và ở Kosovo năm 1999, khi họ chính thức thông qua khái niệm chiến lược mới này.
Nhu cầu thể hiện tinh thần đoàn kết
Sau 2 năm bất đồng về cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine và giữa lúc tranh cãi về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, NATO rất cần thể hiện sự đoàn kết trong khối và năng lực quân sự của họ. Điều này càng quan trọng hơn nữa sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây bình luận rằng các nước thành viên NATO nào không đáp ứng các hướng dẫn về chi tiêu quân sự thì sẽ không còn được Mỹ bảo vệ.
Theo đó, các nước thành viên được mong đợi chi ít nhất 2% GDP hàng năm của mình cho phòng thủ. Nhưng thực tế phức tạp hơn thế. Chi tiêu phòng thủ của một số quốc gia được phân bổ hoàn toàn cho NATO. Trong khi đó, các nước khác dù đặt mức chi tiêu quân sự dưới 2% nhưng chi tiêu trung bình trên đầu người của họ lớn hơn cả những nước đáp ứng hướng dẫn của NATO.
Thí dụ, Luxembourg không đạt mức chi 2% (họ chỉ chi 0,72%) nhưng tính bình quân đầu người, họ chi tới 921 USD, tức là hơn cả mức của Ba Lan (nước chi 3,9%) và Pháp (1,9%).
Mỹ có thể chi tới 3,5% GDP cho phòng thủ nhưng không phải tất cả số tiền đó được phân bổ cho NATO. Đa phần sức mạnh quân sự của Mỹ được triển khai ở Thái Bình Dương và ở lãnh thổ nội địa của họ. Do vậy, sẽ không hợp lý khi phán xét giá trị tư cách thành viên NATO từ khía cạnh này.
Điều khoản chủ chốt trong hiệp ước NATO là Điều 5, quy định về an ninh tập thể và buộc các thành viên phải phản ứng nếu một nước khác trong khối bị một bên thứ 3 thù địch tấn công. Mỹ là quốc gia thành viên NATO duy nhất đã kích hoạt Điều 5 sau khi xảy ra loạt tấn công khủng bố 11/9/2005. Mỹ đã nhận được sự trợ giúp từ các nước NATO khác tại Afghanistan và rộng hơn là trong “cuộc chiến chống khủng bố”.
NATO liệu đã sẵn sàng cho đối đầu quân sự ở Ukraine?
Một vấn đề lớn mà NATO đối diện không nằm ở việc triển khai binh sĩ họ có mà là ở việc cung cấp vũ khí đạn dược cho số binh sĩ này. Tương tự các khó khăn trong viện trợ vũ khí đạn dược cho Ukraine, hiện NATO không có kho vũ khí đạn dược dự trữ đáng kể, cũng không sở hữu năng lực sản xuất để cung ứng vũ khí và đạn dược cho một cuộc chiến tranh hiện đại kéo dài.
Đó là do NATO đã từ lâu chỉ chuẩn bị kế hoạch cho tác chiến thời gian ngắn, khi còn được cung cấp vũ khí, thiết bị. Vì lý do này, chiến lược của NATO trong tình huống nổ ra xung đột là luôn cố gắng chấm dứt xung đột đó càng sớm càng tốt.
Đô đốc Rob Bauer thuộc Hải quân Hà Lan phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw vào tháng 10/2023: “Chúng ta cần đến số lượng lớn. Nền kinh tế sản xuất theo hướng chỉ vừa đủ, mà chúng ta cùng xây dựng trong 30 năm qua, là điều tốt đẹp trên nhiều phương diện, ngoại trừ đối với lực lượng vũ trang khi nổ ra chiến tranh”.
Một số nước châu Âu đã tìm cách tránh các bình luận của Tổng thống Pháp Macron về khả năng đưa quân vào Ukraime. Các nước này bao gồm Ba Lan, Séc và Thụy Điển.
Tuy nhiên, Nga đã nắm lấy các bình luận đó của ông Macron. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng bản thân việc bàn về ý tưởng gửi quân tới tham chiến ở Ukraine đã cho thấy một “yếu tố rất mới”. Ông Peskov nói tiếp: “Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ cần nói tới không phải là xác suất mà sự tất yếu của một cuộc xung đột trực tiếp”.