Liệu Nga và ông Putin có đang chạm dần vào ranh giới đỏ ở Syria?
VOV.VN - Trong khi Mỹ tìm cách rút khỏi Syria thì Nga lại đang tăng cường hiện diện tại đây, từ đó tạo ra nguy cơ cho chính họ.
Thỏa thuận gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Sochi đã nâng vai trò của Nga với tư cách là một bên gây ảnh hưởng quyết định, đồng thời chính thức hóa quá trình giảm hiện diện của Mỹ ở đông bắc Syria. Với thỏa thuận này, sự hiện diện của quân đội Nga và Syria mở rộng ở khắp miền đông sông Euphrates, lần đầu tiên kể từ năm 2015.
Tổng thống Nga Putin (bên phải) và Tổng thống Syria Assad. Ảnh: Reuters. |
Nhưng mặc dù thỏa thuận Sochi được xem là một chiến thắng nữa cho Tổng thống Nga Putin, vẫn có những trở ngại đối với những kế hoạch nước lớn của ông.
Can dự sâu ở Syria và nguy cơ đối mặt với tấn công và nổi dậy
Dưới thời Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sự tham gia của quân đội Nga trong nội chiến Syria bắt đầu vào tháng 9/2015. Mục tiêu chống lưng cho Tổng thống Syria Assad và giúp ông này giành lại các lãnh thổ đã mất ở tây sông Euphrates, ngoại trừ vùng Afrin, Jarablus và Al-Bab, đã đạt được đáng kể, nhờ vào hỏa lực áp đảo của Nga và việc ném bom không khoan nhượng vào các thành phố do phiến quân kiểm soát như là Đông Ghouta, Đông Aleppo, Palmyra và Homs.
Ước chừng 34.000 phi vụ oanh tạc đã phá hủy hơn 96.000 mục tiêu vào cuối năm 2017.
Lý giải về các cuộc không kích quyết đoán ở Syria, Tổng thống Nga Putin vào năm 2015 nói như sau: “Hơn 2.000 chiến binh đến từ Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có mặt ở lãnh thổ Syria. Có một mối đe dọa đối với chúng ta khi chúng trở về. Do vậy, thay vì đợi chờ chúng quay về, chúng ta tốt hơn hết đánh chúng ngay trên lãnh thổ Syria”.
Vào năm 2017, con số những kẻ này là khoảng 4.000 tên.
Trong chiến dịch không kích kéo dài 2 năm, sự tham gia của bộ binh Nga vẫn ở mức tối thiểu và chủ yếu ở cấp độ cố vấn trên thực địa. Tuy nhiên thỏa thuận Sochi gần đây đã thay đổi điều này. Theo điều 5 của thỏa thuận, các cuộc tuần tra chung của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và Nga-Syria sẽ được tiến hành dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy có sự gia tăng số quân nhân Nga trên bộ. Lần đầu tiên binh sĩ Nga sẽ bắt đầu tuần tra khu vực phía đông sông Euphrates, ngoài khu vực quen thuộc của họ trước đây. Điều này có thể tạo thêm áp lực cho Moscow.
Nếu có một điều có thể khiến Tổng thống Nga Putin lo lắng đến nỗi mất ngủ thì đó là sự bùng phát của một cuộc nổi dậy đòi độc lập cho những người Hồi giáo, đặc biệt là ở khu vực Kavkaz đông người Chechnya, khu vực này vào thập niên 1990 đã khiến Nga ngộ ra nhiều bài học đắt giá.
Bộ binh Nga càng in dấu rõ ở Syria thì nguy cơ quân nhân Nga bị tấn công càng lớn. Mà trong bối cảnh quân đội Syria bị suy yếu (do 8 năm nội chiến) và ít có khả năng xác lập quyền kiểm soát của chính quyền trung ương ở các vùng sâu vùng xa của Syria, nhiều khả năng Nga sẽ gửi thêm quân tới đây để hỗ trợ, và do đó càng làm tăng nguy cơ họ bị tấn công.
Tình cảnh này có thể kích hoạt một cuộc nổi dậy ngay bên trong nước Nga. Vùng Kavkaz của Nga vốn đã như nồi áp suất nhưng được “giữ van” bởi những người thân cận với Putin như Ramzan Kadyrov.
Tổng thống Putin có lẽ ý thức rõ điều này khi lực lượng bộ binh được ông lựa chọn cho việc tuần tra dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là 300 quân cảnh Nga lấy từ vùng Chechnya – mảnh đất Sunni cứng rắn nhất của Nga.
Hao tổn tiền bạc và sức ép trong nước
Việc Nga gia tăng can dự vào Syria cũng khiến Nga phải chịu gánh nặng tài chính lớn hơn trong bối cảnh kinh tế Nga vốn gặp nhiều khó khăn. Với việc các mỏ dầu của Syria ở vùng Deir ez-Zor giờ do Mỹ kiểm soát thì ông Putin không còn nhiều thứ ở Syria có thể bù lại chi phí của Nga tại đây.
Trong khi đó, Putin cũng không dựa được nhiều vào đồng minh Iran. Kinh tế của Iran cũng gặp khó khăn mà Iran lại phải chi ước tính 6-8 tỷ USD để hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Syria Assad.
Vậy nên Nga đã phải cắt giảm các chi phí cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội ở trong nước để có thể cung cấp tài chính cho cuộc chiến của họ ở Syria.
Ngoài Syria, kể từ năm 2008, Nga còn được cho là can dự quân sự vào một số nước và vùng lãnh thổ khác nữa. Riêng ở bán đảo Crimea, Kremlin đã phải đầu tư hơn 5 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, bệnh viện và trường học. Hơn nữa, Putin được cho là còn đổ tiền vào Venezuela để bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro – mức chi này được ước tính lên tới khoảng 25 tỷ USD.
Các chiến dịch và các mục tiêu lớn đó không phải là những điều duy nhất làm gánh nặng cho nền kinh tế Nga.
Các nhà phân tích tại Bloomberg Economics ước tính rằng các lệnh trừng phạt, đặc biệt là liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea, đã làm nền kinh tế Nga bị thiệt hại tới 6% trong 5 năm qua. Tất cả những điều này có thể gây tác động tiêu cực lên di sản của ông Putin ở trong nước.
Chính quyền của Tổng thống Putin đang gặp các thách thức như nền kinh tế khó khăn, nạn tham nhũng, dân số không tăng trưởng, và tuổi hưu trí tăng cao (với hậu quả trước mắt là các cuộc biểu tình).
Đáng lưu ý, vào tháng 9/2019, đảng Nước Nga Thống nhất của Putin đã hứng chịu các thất bại lớn trong bầu cử hội đồng dân biểu thành phố Moscow.
Đầu năm 2019, một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Công luận thuộc nhà nước Nga cho thấy niềm tin của công chúng Nga vào ông Putin chỉ là 33% - mức thấp nhất kể từ năm 2006.
Việc Mỹ rút khỏi Syria và sau đó Nga đưa mạnh lực lượng vào đây tạo ấn tượng ban đầu là Putin mạnh hơn bao giờ hết và là “cảnh sát trưởng mới ở Syria”. Tuy nhiên việc phải căng mỏng lực lượng để theo đuổi các mục tiêu nước lớn có thể khiến Nga chạm giới hạn ở chính ngay Syria./.