Liệu Tổng thống Biden có gặp rắc rối với bê bối tài liệu mật?
VOV.VN - Sự cố bê bối tài liệu mật đang là chủ đề rất được quan tâm của truyền thông Mỹ khi hai vụ việc có nhiều điểm tương tự và nó lại liên quan đến lãnh đạo cao nhất của nước này, Tổng thống đương nhiệm Biden và cựu Tổng thống Trump.
Ngay sau khi giành được đa số tại Hạ viện, các ủy ban Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã lập tức khởi động hàng loạt các cuộc điều tra bao gồm các hoạt động giao dịch kinh tế của thành viên gia đình Tổng thống Biden, trách nhiệm của chính quyền trong vụ rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan và mới đây nhất là cáo buộc Tổng thống Biden lưu trữ các tài liệu mật trái quy định.
Mục đích chính của đảng Cộng hòa
Việc đảng Cộng hòa mở hàng loạt các cuộc điều tra nhằm vào cá nhân và chính quyền Tổng thống Biden, trong đó có vụ việc liên quan đến tài liệu mật là điều đã được dự báo trước. Mục đích chính của động thái này không ngoài nhằm tiếp tục hạ uy tín của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ trước thềm bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm tới. Ngoài ra, càng mở rộng điều tra bao nhiêu thì đảng Cộng hòa lại có thêm các lá bài để mặc cả với đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Biden trong thực hiện các chương trình nghị sự quốc gia. Đây cũng là một đặc điểm của chính trị Mỹ khi các bên đều tìm kiếm giải pháp có lợi nhất cho đảng và những người ủng hộ đảng của mình.
Một số chuyên gia phân tích còn nhận định, hiện nay trong đảng Cộng hòa chia làm hai phe nhóm rõ rệt, đa số vẫn ủng hộ cựu Tổng thống Trump và nhóm nhỏ hơn phản đối. Ngay cả Chủ tịch Hạ viện mới Kevin McCarthy cũng là nhân vật ủng hộ ông Trump và ngược lại.
Chính vì thế, việc đảng Cộng hòa mở các cuộc điều tra, đặc biệt là cuộc điều tra liên quan đến tài liệu mật sẽ khiến đảng Dân chủ phải cân nhắc kỹ càng trong các động thái tiếp theo, giúp giảm áp lực đối với ông Trump trong vụ tài liệu mật tương tự. Thông thường, các vụ điều tra này không dẫn tới việc khởi tố đối với Tổng thống vì có đặc quyền miễn trừ nhưng sẽ khiến đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Biden sẽ gặp khó khăn hơn khi phải thương lượng với đảng Cộng hòa về các chương trình nghị sự của mình.
Hai vụ việc có nhiều điểm giống và khác nhau
Cho đến thời điểm này đang diễn ra 2 cuộc điều tra về hành vi sở hữu tài liệu mật không đúng quy định của hai tổng thống Mỹ. Điều giống nhau là hai cuộc điều tra này đều nhằm làm rõ hành vi sở hữu tài liệu mật, mức độ vi phạm, có hành động cản trở điều tra hay không cũng như ảnh hưởng và tác động của việc này đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Các tài liệu được thu giữ gồm một số văn bản mật trong thời kỳ ông Biden đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thống từ năm 2009-2017 và trong thời kỳ ông Trump là Tổng thống từ năm 2017-2021. Theo luật pháp Mỹ, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, tất cả hồ sơ của các chính quyền, kể cả tài liệu mật hoặc không mật đều phải được chuyển cho Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ, cơ quan có trách nhiệm lưu trữ tất cả các văn bản của chính quyền. Việc biết hoặc cố ý di chuyển, lưu giữ lại các tài liệu mật là bất hợp pháp.
Theo thông lệ chung, việc các quan chức vô tình lưu giữ tài liệu mật có thể sẽ không bị truy tố. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy có hành động cố ý lưu trữ hoặc có hành vi ngăn cản điều tra thì có thể sẽ bị đưa ra xét xử. Trong trường hợp của ông Trump, sau khi rời Nhà Trắng hơn một năm, cơ quan chức năng Mỹ, cụ thể là Cơ quan lưu trữ quốc gia đã nhiều lần phải đi “đòi” lại các tài liệu mà ông cất giữ nhưng không thành công. Sau khi ông trả lại 15 thùng tài liệu hồi đầu năm ngoái thì mới phát hiện trong đó có nhiều tài liệu mật. Tiếp theo đó, Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám xét khu dinh thự Mar-a-Lago hồi tháng 8/2022và thu giữ thêm hơn 13.000 tài liệu, trong đó có khoảng hơn 100 tài liệu mật. Ông Trump bị cáo buộc cố tình mang tài liệu từ Nhà Trắng đến Mar-a-Lago và cất giấu trái quy định.
Với trường hợp của ông Biden, trong khi thu dọn văn phòng của ông hồi đầu tháng 11/2022 ở Trung tâm nghiên cứu Penn Biden có trụ sở tại thủ đô Washington D.C. đã phát hiện khoảng 10 tài liệu mật. Các cuộc điều tra tiếp theo phát hiện thêm một số tài liệu mật tại nhà riêng của ông Biden ở bang Delaware. Tất cả các tài liệu trên đã được bàn giao lại cho Cơ quan lưu trữ quốc gia. Cho đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy ông Biden cố tình lưu trữ tài liệu mật hoặc cản trở quá trình điều tra vụ việc. Nói tóm lại, cả hai trường hợp đều vi phạm quy định lưu trữ tài liệu mật nhưng mức độ và cách thức của ông Trump nghiêm trọng hơn.
Có tác động nhưng không quá lớn đối với ông Biden
Theo các thông tin được tiết lộ thì Tổng thống Biden đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử sắp tới. Thời điểm công khai ý định và chính thức thông báo tranh cử có thể diễn ra trong tháng 2 hoặc tháng 3 tới. Việc bị điều tra về hành vi lưu trữ tài liệu mật sai quy định mặc dù không dẫn tới khả năng bị truy tố nhưng rõ ràng là một điểm trừ, khiến ông Biden gặp khó khăn nhiều hơn trong nỗ lực ra tranh cử Tổng thống năm 2024.
Về hình ảnh và uy tín cá nhân, việc phát hiện các tài liệu mật ở văn phòng và nhà riêng của ông Biden đang đẩy ông chủ Nhà Trắng vào vết xe đổ của cựu Tổng thống Trump. Chính ông Biden trước đó đã nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ các hành động của ông Trump liên quan đến chuyển giao và lưu trữ tài liệu, coi đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Dư luận Mỹ cũng cho rằng, ông Biden đang là tổng thống đương nhiệm và có trách nhiệm cao hơn rất nhiều so với ông Trump. Chính vì thế, bê bối trên đã giáng thêm một đòn nữa vào tỷ lệ ủng hộ và uy tín của ông Biden trong điều hành đất nước vốn đang ở mức rất thấp so với các tổng thống khác vào thời điểm sau hai năm cầm quyền.
Vụ bê bối trên cũng khiến lãnh đạo đảng Dân chủ phải cân nhắc hơn nữa trong việc có ủng hộ ông Biden ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo hay không. Trong nội bộ đảng Dân chủ đang nổi lên nhiều luồng ý kiến phản đối ông Biden với các lo ngại như tuổi tác đã quá cao, uy tín có xu hướng giảm sút, cần một gương mặt trẻ đại diện cho thế hệ mới lên lãnh đạo nước Mỹ. Điểm khó nhất của đảng Dân chủ lúc này là cũng chưa tìm được một gương mặt nào sáng giá cho chức vụ Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.
Hơn nữa, việc bổ nhiệm công tố viên điều tra hành động lưu trữ tài liệu sai quy định của ông Biden cũng tạo thêm một cơ hội để đảng Cộng hòa tận dụng chỉ trích phe Dân chủ và chính phủ đương nhiệm. Đảng Cộng hòa cho rằng, với việc nắm đa số tại Hạ viện họ đang có lợi thế nhiều hơn trong khi Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đang ở thế dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, người có lợi nhất trong vụ việc này có lẽ là cựu Tổng thống Trump. Hai cuộc điều tra có nhiều điểm tương đồng khiến áp lực đè nặng lên ông Trump dường như có phần giảm bớt khi phe Dân chủ đang phải tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề một cách thích hợp.
Có thể thấy rằng, trong trường hợp cả Tổng thống Biden và ông Trump đều trở thành ứng cử viên hàng đầu của hai đảng ra tranh cử Tổng thống thì bê bối liên quan đến việc lưu trữ tài liệu mật sẽ trở thành vấn đề thứ yếu không bên nào muốn nhắc đến. Nếu một trong hai ứng cử viên là người khác thì vấn đề này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để công kích lẫn nhau./.