Loạt nổ bí hiểm rung chuyển căn cứ Nga: Ukraine đang thay đổi lối đánh?
VOV.VN - Căn cứ quân sự Nga ở Crimea rung chuyển vì các vụ nổ ngày 9/8. Nhiều máy bay Nga bị phá hủy chính xác. Giới phân tích đưa ra nhận định về loạt nổ bí hiểm này, bao gồm giả thuyết Ukraine thay đổi lối đánh để tác động lên tâm lý đối phương.
Những dấu hiệu khác thường
Một căn cứ quân sự Nga ở bán đảo Crimea (được sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014 nằm cách xa chiến tuyến của cuộc chiến Nga - Ukraine đã rung chuyển do nhiều vụ nổ lớn vào hôm 9/8/2022. Theo các chuyên gia và quan chức, loạt nổ tại căn cứ không quân Saki này không chỉ gây các tổn thất về vật chất (như với các tòa nhà, máy bay và nhân lực) mà còn có thể gây tác động tiêu cực lên tâm lý.
Nga tuyên bố các vụ nổ ở căn cứ không quân Saki gần Novofedorivka là do kho đạn gặp sự cố tự kích nổ. Họ cũng khẳng định không có hư hại nào với các máy bay tại căn cứ này.
Đài RT của Nga hôm 9/8 dẫn thông cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định loại trừ việc căn cứ Saki bị tấn công trong loạt vụ nổ cùng ngày. Quan chức quốc phòng Nga giải thích rằng sự cố đó là nổ loại đạn hàng không được cất trữ tại căn cứ này.
Căn cứ không quân Saki nằm gần thành phố Novofedorovkam bên bờ biển Crimea cách thủ phủ vùng, Simferopol, khoảng 40km về phía Tây Bắc. Hải quân Nga đã sử dụng căn cứ Saki để huấn luyện phi công kể từ khi Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.
Tuy nhiên, ít nhất một người tại căn cứ đã thiệt mạng, theo tin tức của Reuters hôm 11/8. Còn các hình ảnh vệ tinh mới công bố về căn cứ này thì cho thấy một số lượng máy bay Nga đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Các giả thuyết Ukraine thực hiện tấn công Saki, không loại trừ tên lửa đạn đạo
Ukraine không chính thức nhận trách nhiệm về loạt nổ tại căn cứ Saki - căn cứ nằm dọc theo các khu nghỉ dưỡng đông du khách Nga và nằm cách tiền tuyến tới vài trăm kilômét.
Hiện nay, Ukraine đã làm gì trong các vụ nổ đó vẫn là một điều bí ẩn.
Một quan chức chính phủ Ukraine giấu tên nói với tờ Washington Post rằng vụ “tấn công” tại căn cứ không quân Nga là do lực lượng đặc nhiệm tiến hành. Trong khi đó, một vị cố vấn cho Tổng thống Ukraine gợi ý rằng đây là “tác phẩm” của vũ khí tầm xa hoặc lực lượng dân quân địa phương, theo nguồn tin AP.
Trong một bài báo khác, một quan chức Mỹ nói với tờ Washington Post rằng có vẻ như Ukraine đã sử dụng vũ khí tầm xa nhưng không phải loại vũ khí do Mỹ cung cấp vì Mỹ ngần ngại trao năng lực đó cho Ukraine để tránh sự đáp trả mạnh từ phía Nga.
Một quan chức Ukraine nói với tờ New York Times rằng một “loại thiết bị nổ do Ukraine độc quyền sản xuất” đã gây ra loạt vụ nổ tại căn cứ Nga. Theo nhân vật này, máy bay Nga thường xuyên cất cánh từ căn cứ Saki để tiến đánh các lực lượng của Ukraine.
Trong khi đó, Jeffrey Edmonds - một chuyên gia về quân đội Nga tại cơ sở nghiên cứu CNA (Mỹ), đồng thời là một cựu chuyên gia phân tích quân sự của CIA, nói với Business Insider rằng đây ít khả năng là một tai nạn đạn dược. “Khả năng cao đó là tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà phía Ukraine đã đưa vào sử dụng”.
Ukraine đã cố gắng sử dụng loại tên lửa này còn gọi là Hrim-2. Tên lửa ước tính có tầm bắn vài trăm kilômet.
Edmonds lưu ý rằng ông chưa rõ vì sao loại tên lửa này được sử dụng. Ông đoán rằng đó là do độ chính xác cao của loại tên lửa này. “Họ đã đánh trúng các máy bay tại đó”.
Chuyên gia Edmonds phân tích tiếp: Hoạt động dân quân du kích của người Ukraine ở Crimea là điều không chắc chắn lắm. Còn nếu Ukraine dùng đặc nhiệm để tấn công căn cứ Nga thì máy bay và cơ sở hạ tầng ở đây sẽ bị phá hủy bằng thuốc nổ, mà thuốc nổ thì sẽ gây ra những hư hại theo cách khác, không giống như tình trạng máy bay quân sự Nga bị phá hủy trong các bức ảnh vệ tinh.
Ý đồ của Ukraine là đánh vào tâm lý Nga trong cuộc phản công?
Giới chuyên gia và quan chức nhận định rằng mục đích quan trọng hơn của loạt vụ nổ giống tấn công này là gây tác động tâm lý lên người Nga.
Một quan chức Ukraine giấu tên nói với tờ Politico rằng các vụ nổ nhằm gửi cho người Nga thông điệp rằng “không còn nơi nào là an toàn” với họ.
Andriy Zagorodnyuk - cựu Bộ trưởng quốc phòng Ukraine, đứng đầu Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, giải thích với Washington Post: “Họ không thể còn cảm thấy an toàn ở Crimea nữa. Họ từng nghĩ mình an toàn ở Crimea, mình an toàn ở cự ly xa”.
Chuyên gia Edmonds nhận định: “Tác động tâm lý từ loạt vụ nổ này lớn hơn nhiều” so với hư hại vật chất gây ra cho máy bay và căn cứ Nga”. Theo ông này, đánh giá công bằng sẽ là các vị trí của Nga ở hậu phương có thể không còn an toàn nữa.
Trên chiến trường, các lực lượng Nga đang nỗ lực cao độ để đạt các mục tiêu do Tổng thống Putin đặt ra. Hiện nay, họ đang tập trung vào mặt trận phía Đông và phía Nam Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine cũng đã bắt đầu phản công để tái chiếm các vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga.
Tờ Politico đã đặt câu hỏi với các quan chức Ukraine như sau - liệu các vụ nổ nói trên có phải dấu hiệu mở màn cho cuộc phản công của Ukraine ở miền Nam? Các vị này trả lời rằng “có thể nói như vậy”.
Một quan chức quốc phòng cao cấp của Ukraine - người đã xác nhận sự liên quan của Ukraine trong các vụ nổ ở căn cứ Nga, nói với Yahoo News rằng mọi thứ “đang ấm dần lên”./.