Lợi bất cập hại

Việc Pháp và Anh bỏ qua lệnh cấm của Liên Hợp Quốc để cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối ở Libya đang bị dư luận quốc tế phản đối

Cuộc chiến nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo Gaddafi ở quốc gia Bắc Phi Libya càng lúc càng diễn biến phức tạp và chưa thể tiến gần tới hồi kết. Câu hỏi được dư luận đặt ra lúc này là tại sao, một điểm nóng đã có sự tham gia giải quyết của lực lượng liên quân NATO với một Nghị quyết do một tổ chức toàn cầu là Liên Hợp Quốc thông qua mà vẫn khó kết thúc như mong muốn đến vậy?

Khói bốc lên sau một vụ không kích ở Tripoli (Ảnh: AFP)

“Nói một đằng, làm một nẻo” là tình trạng mà lực lượng liên quân NATO tiến hành “cuộc chiến” chống lại nhà lãnh đạo Libya Gaddafi khi tin tức những ngày qua cho thấy, Pháp và Anh đang cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập, sau khi đã gây thương vong lớn cho dân thường thay vì “bảo vệ”. Có lẽ đó chính là vấn đề mấu chốt nhất để lý giải cho việc khó kết thúc được cuộc chiến này trong một sớm, một chiều.

Trong khi gia tăng các biện pháp để mong dứt điểm cuộc chiến ở đây bằng cách kéo dài thời hạn cuộc tấn công quân sự thêm 3 tháng, hay phát lệnh truy nã nhà lãnh đạo Gaddafi… lực lượng liên quân NATO lại đang mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Đó chính là việc Pháp thì “thả” vũ khí, còn Anh thì cung cấp áo giáp, đồng phục và áo phản quang cho lực lượng cảnh sát trung thành với Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp đối lập ở Libya. Hành động này không khác gì việc cung cấp vũ khí cho Libya trong khi Nghị quyết 1973 hay 1970 của Liên Hợp Quốc đều không có nội dung được phép cấp vũ khí, thậm chí cấm vận vũ khí đối với quốc gia này.

Chính bởi lẽ đó, ngay khi Pháp thừa nhận đã trực tiếp cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối ở Libya, Liên minh châu Phi (AU) và một số nước đã lên tiếng phản đối hành động này. Trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 của AU ngày 30/6 tại thủ đô Malabo của Guinea Xích đạo, các nhà lãnh đạo châu Phi đã chỉ trích hành động trên của Pháp, cũng như việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã nhà lãnh đạo Libya Gaddafi. Cũng nhân dịp này, các đại biểu tham dự Hội nghị một lần nữa lên tiếng phản đối chiến dịch không kích của NATO tại Libya thời gian qua.

Ý kiến phản đối hành động cung cấp vũ khí của Pháp cũng đến từ phía Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng, việc trang bị vũ khí cho lực lượng chống đối ở Libya đã “vi phạm nghiêm trọng” Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo đó áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí toàn diện đối với Libya kể từ tháng 2/2011.

Hành động này của Pháp quả là “lợi bất - cập hại”. Điều này khiến dư luận lo ngại cho những hoạt động đang được khuyến khích là các cuộc “đàm phán trực tiếp và không trực tiếp” giữa chính quyền Libya với lực lượng chống đối. Hay những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc các nhà lãnh đạo AU đang làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Libya ngày 29/6 đã đưa ra các đề xuất để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, dựa trên một lộ trình hòa bình được phác thảo hồi tháng 3 vừa qua.

Đã đành, để tăng thêm khả năng sớm kết thúc cuộc chiến nhằm lật đổ Nhà lãnh đạo Gaddafi nên Pháp và Anh đang có những hành động “vượt rào” bằng hình thức cung cấp vũ khi cho lực lượng chống đối Libya. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 1973 mà Liên Hợp Quốc thông qua để NATO tiến hành cuộc không kích Libya với sứ mạng chính là để “bảo vệ dân thường” đã bị vi phạm thì chắc chắn máu của người dân vô tội Libya sẽ còn tiếp tục đổ. Như vậy, sứ mạng ấy đã không được thực thi và nó sẽ không thể là giải pháp đúng cho vấn đề Libya.

Diễn biến sẽ còn xấu đi trong những ngày tới là những điều người ta đang nghĩ tới và tương lai sẽ vẫn còn ảm đạm cho điểm nóng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên