Luật Hải cảnh Trung Quốc khiến Philippines bùng nổ tranh cãi nội bộ về đe dọa trên biển
VOV.VN - Sau khi Trung Quốc công bố Luật Hải cảnh tự phong cho tuần duyên nước này nhiều quyền khiến thế giới lo ngại, đã xảy ra tranh cãi khá gay gắt trong nội bộ Philippines.
Các ngư dân Philippines có lẽ đã gọi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc thực chất là “lời tuyên chiến”. Nhưng trong giới chính trị nước này lại đang diễn ra tranh cãi khá gay gắt về vấn đề này.
Cụ thể, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines và Ngoại trưởng nước này đã khẩu chiến với nhau về cách phản ứng trước bộ luật mới của Trung Quốc – bộ luật có hiệu lực (từ phía Trung Quốc) vào ngày 1/2/2021, cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành tấn công phủ đầu nhằm vào tàu bè nước ngoài ở vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là thuộc quyền tài phán của họ.
Phát ngôn viên Tổng thống Philippines - Harry Roque, vào hôm 1/2 nói rằng Manila đang xem xét đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển liên quan đến vấn đề hải cảnh nói trên.
Nhưng Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr đã bác lại. Ông nói trên mạng xã hội Twitter: “Tôi sẽ không nghe lời Harry Roque. Tôi yêu thích anh này nhưng anh ấy không có đủ năng lực trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ không quay trở lại La Hay. Chúng ta có thể mất cái chúng ta đã giành được”. Ông Locsin đề cập phán quyết năm 2016 của một tòa trọng tài quốc tế đứng về phía Manila trong việc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.
Không nao núng, phát ngôn viên Rogue phản pháo vào hôm 2/2.
Trong khi đó đương kim Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại im hơi lặng tiếng về vấn đề này.
Bất bình với Trung Quốc nhưng thiếu thống nhất trong cách phản ứng?
Những mâu thuẫn trên và sự im lặng của ông Duterte cho thấy sự thiếu rõ ràng trong phản ứng của Philippines trước luật mới của Trung Quốc, dù cho chính quyền Manlia đối mặt với áp lực gia tăng phải cứng rắn với Trung Quốc trên biển.
Nhưng cả Liên hiệp các tổ chức ngư dân Philippines – Pamalakaya, lẫn Ngoại trưởng Locsin đều gọi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là một “lời đe dọa chiến tranh”. Ông Locsin cũng đã gửi công hàm phản đối.
Mối quan ngại về luật mới nói trên gia tăng kể từ khi tàu nghiên cứu Jia Geng của Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines mới đây mà không hề xin phép.
Cách đây 2 năm, vào tháng 8/2019, Tổng thống Philippines Duterte đã ra lệnh cho tất cả các tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng biển Philippines thì trước tiên phải xin phép giới chức nước này. Phát ngôn viên của ông này lúc đó nói rằng “hoặc là hãy tuân thủ một cách thân thiện với chúng tôi, hoặc là chúng tôi sẽ thực hiện điều đó một cách thiếu thân thiện”.
Ở Manila có các đồn đoán cho rằng tàu Jia Geng đi vào vùng biển Philippines gần đảo Samar đang thu thập dữ liệu về vùng biển giàu tài nguyên này. Giới chức Trung Quốc đã bác bỏ điều này.
Nhân tố Đại sứ quán Trung Quốc
Trong một thông cáo vào hôm 1/2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines tố cáo các “lực lượng” giấu tên đã “đi quá xa đến mức giật gân hóa việc tàu thăm dò khoa học của Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines, coi đây như một sự xâm nhập”.
Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố tàu Trung Quốc nói trên chỉ “đang tìm cách trú tránh do thời tiết và điều kiện biển không thuận lợi”.
Vào ngày 2/2, Ngoại trưởng Locsin cho biết: Bộ Ngoại giao Philippines đã cho nhất trí với đề xuất khẩn của Đại sứ quán Trung Quốc về tránh trú cho tàu bè lúc thời tiết xấu. Nhưng chỉ là được cho tránh trú chứ không được phép ở lại, và phải bị theo dõi.
Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết, tàu trên đã rời đi vào chiều 1/2.
Đại sứ quán Trung Quốc bảo vệ cho Luật Hải cảnh của nước này, gọi đây là công việc “lập pháp nội địa”, rồi lập luận rằng “nhiều nước ban hành các bộ luật tương tự” và “không có luật nào trong số đó bị xem là mối đe dọa chiến tranh”.
Đại sứ quán này còn đề cập đầy ám chỉ đến “Luật Hải cảnh Philippines năm 2009 lập ra lực lượng tuần duyên với tư cách cơ quan vũ trang và có đồng phục”.
Nhìn chung Philippines vẫn lo ngại Trung Quốc, phản bác lập luận của họ
Tuy nhiên các nhà phê bình vẫn lo sợ Trung Quốc có thể sử dụng Luật Hải cảnh của họ để hợp thức hóa việc sử dụng vũ lực ở các vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông. Các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này e ngại luật mới của Trung Quốc là chỉ dấu cho cách tiếp cận mới hung hăng hơn từ phía Bắc Kinh trong việc thực hiện các yêu sách của họ.
Antonio Carpio - cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, nói: “Hải cảnh của chúng tôi hoạt động chỉ trong lãnh thổ Philippines, vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, và thềm lục địa mở rộng. Tuần duyên của chúng tôi không thể sử dụng vũ lực bên ngoài các khu vực này trừ phi bị tấn công vũ trang”.
Ông Carpio so sánh như sau: Trung Quốc đã “chuẩn y cho hải cảnh của mình dùng vũ lực bên ngoài lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của họ, để thực thi các yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông”.
Theo Carpio, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vượt ra ngoài 12 hải lý tính từ đường bờ biển được công nhận dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), rồi vươn tới cả lãnh hải của Philippines.
Cựu thẩm phán phân tích thêm: “Theo luật mới của Trung Quốc, lực lượng hải cảnh của họ có thể dùng vũ lực chống lại ngư dân Philippines và tàu thăm dò của Philippines kể cả bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở vùng biển Tây Philippines, vi phạm UNCLOS”.
Tương tự, Giáo sư Jay Batongbacal thuộc Viện Hàng hải và Luật Biển Philippines cũng chỉ trích tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng Luật Hải cảnh của họ không “nhắm cụ thể vào bất cứ nước nào”.
Giáo sư Batongbacal nói: “Tôi đồng ý là luật đó không nhắm một nước cụ thể nào nhưng nó lại nhắm tới tất cả các nước, gây sức ép với các nước phải đồng ý rằng Trung Quốc có chủ quyền với toàn bộ Biển Đông”.
Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros phát biểu: “Hải cảnh Trung Quốc, được cho là lớn nhất thế giới, có thể thực hiện hành động quân sự dưới vỏ bọc luật hàng hải bất cứ nơi nào bên trong cái gọi là đường 9 đoạn mà đã từ lâu không có hiệu lực theo luật pháp quốc tế”.
Chính Locsin ban đầu bác bỏ các mối quan ngại về luật hải cảnh nói trên. Hôm 25/1, ông đăng trên Twitter rằng “cái này chẳng liên quan đến chúng ta, việc Trung Quốc thông qua luật gì là việc riêng của họ”.
Nhưng đến ngày 27/1, Ngoại trưởng Locsin thay đổi quan điểm hoàn toàn và đưa ra sự phản đối bằng con đường ngoại giao. Lúc này, ông cho rằng một lời đe dọa chiến tranh thách thức luật pháp quốc tế mà lại không bị phản đối thì điều đó đồng nghĩa với việc quy phục lời đe dọa đó./.