Luật nhập cư mới “làm nóng” chính trường Pháp
VOV.VN - Cuối tuần trước, Chính phủ Pháp vừa công bố văn bản chính thức về luật nhập cư mới. Luật Nhập cư mới được ban hành sau khi Hội đồng Hiến pháp của Pháp bác bỏ một số điều khoản bổ sung theo yêu cầu của cánh hữu, trong đó có các biện pháp hạn chế tiếp cận phúc lợi xã hội và áp chỉ tiêu nhập cư.
Báo chí Pháp cho biết, luật Nhập cư mới cũng đã được chính thức áp dụng ngay từ ngày thứ 7 (27/1/2024). Trong một động thái mới nhất, Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia (NR) cực hữu, ông Jordan Bardella đã chỉ trích quyết định của Hội đồng Hiến pháp, đồng thời kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề nhập cư, cho rằng đó là giải pháp duy nhất để các bên đạt được thỏa hiệp.
Các cuộc biều tình cũng đang nhen nhóm bùng phát tại nhiều địa phương của Pháp nhằm phản đối Luật Nhập cư mới. Trong bối cảnh nhiều nông dân Pháp đã xuống đường biểu tình liên quan đến các vấn đề phúc lợi xã hội, liệu Luật Nhập cư mới được áp dụng có tạo thêm những thách thức mới đối với chính phủ Pháp?
Điểm đáng chú ý của Luật Nhập cư mới
Ngay từ khi được Quốc hội Pháp thông qua vào cuối tháng 12/2023, Luật Nhập cư mới đã dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của người dân nước này. Họ cho rằng đây là dự luật quá hà khắc và sẽ đẩy nước Pháp rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu nhân lực.
Tuy nhiên, sau khi Hội đồng Hiến pháp quốc gia xem xét lại dự luật này, phần lớn lo lắng đó hiện đã được xóa bỏ. Cụ thể, Hội đồng đã loại trừ các điều khoản quy định việc thắt chặt các phúc lợi xã hội hay đoàn tụ gia đình. Đồng thời, sinh viên nước ngoài sẽ không còn phải đóng một khoản phí “đảm bảo” khi đăng ký học ở Pháp hay phải chứng minh “sự nghiêm túc” bằng thành tích trong quá trình họp tập ở quốc gia này.
Dự luật cũng không thay đổi quyền được xin quốc tịch đối với con cái của người nước ngoài được sinh ra ở Pháp cũng như quyền được thừa kế đất đai. Một điều cần đặc biệt lưu ý, đó là Hội đồng đã loại bỏ việc áp dụng hạn ngạch nhập cư. Quốc hội sẽ bàn thảo về vấn đề này một cách cụ thể cũng như đưa ra hạn ngạch dựa trên tình huống thực tế và áp dụng cho khoảng thời gian là 3 năm.
Ngoài ra, Luật Nhập cư mới cũng tập trung vào việc hợp thức hóa giấy tờ cư trú cho những người lao động được trả lương ít nhất 12 tháng (không cần liên tục) trong vòng 24 tháng vừa qua và không có bất kỳ hồ sơ phạm tội nào. Không những thế, các thay đổi cũng cho phép các sinh viên hoặc người lao động nước ngoài có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương có thể xin thẻ cư trú tại Pháp tối đa lên đến 4 năm.
Đây là ưu tiên của Chính phủ Pháp để bù đắp việc thiếu hụt lao động trong những ngành nghề được ưu tiên như bác sĩ, y tá, hộ lý, công nhân xây dựng hay lao động thuần túy…
Luật Nhập cư mới tập trung chủ yếu vào việc thắt chặt các trẻ vị thành niên phạm pháp cũng như gia đình của họ. Bắt đầu từ ngày 27/1, bất kỳ người trưởng thành hay trẻ vị thành niên đang cư trú ở Pháp bị kết án từ 5 năm tù trở lên hoặc tái phạm nhiều lần với thời gian tù tội vượt quá 3 năm đều có khả năng bị trục xuất khỏi nước này. Chính phủ cũng có quyền từ chối thị thực đối với bố mẹ các trẻ vị thành niên phạm pháp hay vị phạm những “nguyên tắc của nền Cộng hòa”.
Không những thế, Luật Nhập cư mới còn cho phép việc loại bỏ một số biện pháp bảo vệ cũng như đẩy nhanh quá trình trục xuất đối với một số người nước ngoài cấu thành hành vi đe dọa nghiêm trọng trật tự công cộng hay bị kết án về hành vi chống lại “lãnh đạo được dân bầu”.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố hôm thứ 6 (26/1), Luật Nhập cư mới vừa được ban hành vẫn giữ nguyên cấu trúc mà chính phủ mong muốn, với đại đa số các điều khoản thay đổi liên quan đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục trục xuất người nước ngoài phạm pháp.
Dư luận Pháp
Dự Luật Nhập cư này là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ của cựu Thủ tướng Pháp Elizabeth Borne buộc phải từ chức. Việc kiến nghị bác bỏ đạo luật nhập cư được chấp thuận ngay trước khi dự luật này được biểu quyết tại Quốc hội là một minh chứng cho sự thất bại của bà Borne.
Bà đã đánh mất sự ủng hộ của đại đa số những nghị sĩ, ngay cả những người thuộc phe của bà và Tổng thống Macron. Đỉnh điểm của sự phản đối này là Bộ trưởng Bộ Y tế Aurélien Rousseau, thành viên nội các của Chính phủ lúc ấy, đã tuyên bố từ chức để biểu thị sự bất mãn về dự luật này.
Trước tình hình đó, cả bà Borne lẫn ông Macron đã phải thỏa hiệp với Thượng viện, do đại đa số các nghị sĩ cánh hữu nắm quyền, để có thể thông qua dự luật. Và cái giá của sự đồng ý đó là một loạt các điều khoản “ hà khắc” liên quan đến người nhập cư như việc thắt chặt các phúc lợi xã hội hay đoàn tụ gia đình; sinh viên nước ngoài sẽ phải đóng một khoản phí “đảm bảo” khi đăng ký học ở Pháp cũng như phải chứng minh “sự nghiêm túc” bằng thành tích trong quá trình họp tập; loại bỏ quyền được xin quốc tịch đối với con cái của người nước ngoài được sinh ra ở Pháp cũng như quyền được thừa kế đất đai…
Mặc dù Luật Nhập cư mới được Quốc hội thông qua sau đó nhưng trong chính phe ủng hộ của Tổng thống Macron cũng đã có 20 người phản đối và 12 người bỏ phiếu trắng. Phe cựu hữu coi đây như một chiến thắng về mặt “ý thức hệ” còn phe trung dung và phe cánh tả cho rằng chính phủ đang ngày cực đoan hóa cũng như đi ngược lại những cam kết ban đầu.
Chưa bao giờ nội bộ đảng cầm quyền rạn nứt như tình cảnh lúc ấy. Người dân bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình với quy mô lớn dần yêu cầu chính phủ xem xét lại dự luật. Uy tín của bà Borne và các thành viên nội các tụt dốc không phanh. Tổng thống Macron buộc phải đưa ra quyết định thay đổi Chính phủ nhằm cứu vãn tình thế.
Tuy nhiên, sau khi được Hội đồng Hiến Pháp xem xét và sửa đổi, Luật Nhập cư mới đã phần nào trở nên dễ chấp nhận hơn nhưng không vì thế mà làn sóng phản đối dừng lại. Ngay tối thứ 5 (25/1) tuần trước, khi được Hội đồng tuyên bố thông qua, người biểu tình đã lập tức tụ họp lại ở thành phố Rennes, phía tây-bắc nước Pháp, để phản đối Luật Nhập cư.
Cuộc biểu tình quy tụ hơn 300 người đã nhanh chóng biến thành các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người dân với nhiều người bị thương. Một số cửa hàng cũng bị đập phá và cướp bóc trong sự kiên này.
Phản ứng đối với luật nhập cư mới
Trong những ngày qua, nông dân Pháp liên tục tiến hành các cuộc biểu tình với cường độ ngày càng tăng dần. Đầu tiên chỉ là một đoạn đường nhỏ ở phía tây nam rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh. Sau vài ngày, cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều tỉnh phía nam như Ariège, Haute-Garonne hay Hautes-Pyrénées.
Hiện làn sóng phẫn nộ đã chạm đến Paris và theo các tổ chức công đoàn của nông dân Pháp, tuần này sẽ đánh dấu bằng các cuộc biểu tình với quy mô chưa từng có. Không chỉ dừng lại ở đó, các tài xế taxi cũng bắt đầu làn sóng biểu tình và tuyên bố sẽ làm tắc nghẽn giao thông các thành phố lớn ở Pháp như Lyon, Bordeaux hay Nantes trong hôm nay và nhiều ngày tới.
Trong bối cảnh rối ren ấy, chính phủ mới của Thủ tướng Gabriel Attal vẫn chưa đưa ra được câu trả lời làm hài lòng lực lượng nông dân phẫn nộ. Mặc dù chính phủ Pháp đã có một số thỏa hiệp nhưng theo các chuyên gia, những nỗ lực này là chưa đủ. Thêm vào đó là cuộc biểu tình của các tài xế taxi, đây có thể là điềm báo cho một vòng xoáy hỗn loạn mới ở Pháp.
Và tương tự như Đức, các đảng cực hữu sẽ tận dụng cơ hội này để gia tăng sức ảnh hưởng và thu hút thêm người ủng hộ. Nhất là trong bối cảnh Luật Nhập cư mới đã không như họ mong đợi. Đại đa số những yêu sách cực đoan của phe cựu hữu đã bị Hội đồng Hiến pháp loại bỏ. Phe cánh hữu và cực hữu đã lên tiếng yêu cầu hủy bỏ dự luật, thâm chí là yêu cầu sửa đổi Hiến pháp để Quốc hội là cơ quan cuối cung quyết định việc ban hành luật.
Hiện, ông Attal đang phải đối mặt với sự phản đối đến từ nhiều phía và điều quan ngại nhất đó là họ sẽ có thể liên kết lại. Với cách điều hành bài bản của phe cánh hữu và sự phẫn nộ sẵn có của người biểu tình, làn sóng đấu tranh đòi “quyền lợi” nhiều khả năng sẽ đẩy nước Pháp đi xa và sẽ mất nhiều thời gian để đến được thỏa hiệp. Và dù kết quả như thế nào đi nữa thì những người phải gánh hậu quả là người dân và nền kinh tế Pháp. Thế vận hội Olympic đã gần kề, liệu Tổng thống Macron và chính phủ non trẻ của thủ tướng Gabriel Attal có kịp ngăn cơn sóng dữ?
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng lúc này đó là làm yên lòng người dân và tập trung vào kỳ thế vận hội sắp tới. Bởi suy cho cùng, kỳ thế vận hội sẽ mang lại cho nước Pháp nhiều thành công kể cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Tuy nhiên, thời gian dành cho ông Macron đã không còn nhiều và đây là lúc phải đưa ra những quyết định mang tính đột phá.