Lý do Hàn Quốc không cung cấp vũ khí cho Ukraine

VOV.VN - Trong bối cảnh các nhà cung cấp vũ khí truyền thống như Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu khí tài xuất khẩu, Hàn Quốc đã “nhảy vào” để lấp đầy khoảng trống nhưng vẫn từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Vũ khí Hàn Quốc đắt khách

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các nhà cung cấp vũ khí truyền thống như Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu khí tài xuất khẩu, Đức và các quốc gia khác cũng phải chật vật để đảm bảo có đủ xe tăng để gửi tới Ukraine. Khách hàng bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Khi các quốc gia ở Đông Âu chạy đua để tái trang bị và nâng cấp quân đội của họ sau khi gửi vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine, Hàn Quốc đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn.

Cuối tháng 8/2022, Ba Lan đã ký hợp đồng với các công ty quân sự hàng đầu Hàn Quốc để mua xe tăng và pháo. Mất hơn 3 tháng để lô hàng đầu tiên được chuyển đến. Warsaw đánh giá cao tốc độ bàn giao của Seoul.

Các đơn đặt hàng mua vũ khí từ Ba Lan được xem là món hời đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, người từng tuyên bố sẽ đưa Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới vào năm 2027, sau Mỹ, Nga và Pháp.

Từ năm 2017 đến 2021, Hàn Quốc là quốc gia phát triển nhanh nhất trong số 25 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, xếp thứ 8 với 2,8% thị phần toàn cầu, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Đó là trước khi Seoul “chốt” hợp đồng với Ba Lan, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào năm 2022.

Hanwha Aerospace, nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Hàn Quốc, đang lên kế hoạch tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất vào năm tới.

“Chúng tôi cần bổ sung thêm hai dây chuyền lắp ráp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng” kỹ sư Park Sangkyu của Hanwha cho biết, đề cập đến các đơn đặt hàng K9 từ Ba Lan và các quốc gia khác.

Hanwha cung cấp cho quân đội Hàn Quốc gần 1.200 pháo tự hành K9 Thunder cũng như hàng trăm hệ thống cho Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Estonia, Phần Lan và Na Uy. Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, pháo tự hành K9 của Hanwha chiếm 55% thị trường xuất khẩu lựu pháo tự hành của thế giới trong giai đoạn 2000-2021.    

Đơn đặt hàng khổng lồ của Ba Lan sẽ làm tăng thị phần của Hàn Quốc. Romania là một quốc gia NATO khác cũng đang đàm phán mua K9 của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng có nhiều “ưu đãi” trong thỏa thuận xuất khẩu vũ khí bằng cách đề nghị chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất tại nước đối tác, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của chính các khách hàng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Altay và pháo tự hành T-155 dựa trên các mẫu của Hàn Quốc.

Hanwha cũng đang xây dựng một nhà máy ở Australia để lắp ráp K9 với các nhà cung cấp địa phương. Hầu hết các loại lựu pháo của Hàn Quốc mà Warsaw đang mua sẽ được sản xuất tại Ba Lan với các đối tác tại quốc gia châu Âu này.

Hàn Quốc biết rõ những ưu đãi như vậy có sức hút mạnh như thế nào.

Từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine

Mặc dù mở rộng doanh số bán vũ khí trên toàn cầu, nhưng Hàn Quốc từ chối gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. Thay vào đó, Seoul tập trung vào việc lấp đầy khoảng trống tái vũ trang của thế giới, đồng thời áp đặt các quy tắc kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với các mặt hàng vũ khí xuất khẩu của nước này.

Chỉ một số ít quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng bùng nổ nhờ cuộc xung đột Nga-Ukraine như Hàn Quốc. Không giống như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã thu hẹp quy mô quân đội và năng lực sản xuất vũ khí vào cuối Chiến tranh Lạnh, Hàn Quốc vẫn duy trì chuỗi cung ứng quốc phòng nội địa mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu từ các lực lượng vũ trang cũng như đề phòng Triều Tiên.

Bất chấp những lời kêu gọi từ Kiev và NATO về việc gửi vũ khí đến Ukraine, Hàn Quốc giữ vững lập trường, cố gắng cân bằng giữa liên minh kiên định với Washington và lợi ích kinh tế và quốc gia.

Sự cảnh giác của Hàn Quốc một phần xuất phát từ việc nước này không muốn khiêu khích Nga - quốc gia mà Seoul hy vọng hợp tác trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một Triều Tiên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo Hàn Quốc không hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nói rằng điều này sẽ hủy hoại quan hệ giữa Moscow và Seoul và có thể khiến Nga thắt chặt quan hệ quân sự với Triều Tiên. Cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy Triều Tiên xích lại gần Nga hơn. Triều Tiên cũng lên tiếng ủng hộ Nga và bị Mỹ cáo buộc vận chuyển đạn pháo, tên lửa và các loại vũ khí khác đến Nga.

Khi đồng ý để giúp Mỹ bổ sung kho vũ khí dự trữ, Hàn Quốc nhấn mạnh vào một điều kiện kiểm soát xuất khẩu rõ ràng: “người dùng cuối” sẽ là Mỹ, một quy tắc mà họ đã áp dụng cho tất cả các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí - bao gồm cả hợp đồng với Ba Lan - trong nhiều thập kỷ.

Dù vậy, một số công nghệ vũ khí của Hàn Quốc cũng được đưa đến Ukraine. Chẳng hạn, pháo Krab của Ba Lan được gửi đến Ukraine sử dụng khung gầm từ pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc.

“Vũ khí của Hàn Quốc có thể được đưa đến Ukraine thông qua các nước khác”, ông Yang Uk, chuyên gia vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, bày tỏ lo ngại.

Lối đi riêng của Hàn Quốc

Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã phải vật lộn để tự chế tạo vũ khí bằng cách đảo ngược phần cứng quân sự của Mỹ.

Hanwha là nhà sản xuất thuốc nổ với tên gọi Korea Explosives trước khi được chính phủ chỉ định là công ty quốc phòng để sản xuất lựu đạn, mìn và pháo hiệu vào những năm 1970.

Ngày nay, Hanwha sản xuất các hệ thống radar, động cơ máy bay, robot gỡ bom, phương tiện chiến đấu không người lái và súng phòng không. Công ty này cũng hợp tác với chương trình không gian của Hàn Quốc.

Mặc dù Hàn Quốc không sản xuất vũ khí thời Liên Xô mà Ukraine cần nhất, nhưng nhiều hệ thống vũ khí của Seoul tương thích với vũ khí NATO sắp chuyển đến Ukraine.

Hanwha hy vọng có thể chia sẻ công nghệ của họ về pháo và xe bọc thép với Mỹ và giúp trang bị cho NATO những vũ khí mà Mỹ không còn sản xuất hoặc không thể cung cấp đủ nhanh.

Ông Son Jae Il, Chủ tịch của Hanwha Aerospace cho biết: “Mỹ không thể chế tạo mọi loại vũ khí”.

Trong khi Mỹ chế tạo vũ khí cao cấp như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và máy bay tối tân để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, Hàn Quốc tập trung vào “vũ khí tầm trung như pháo, xe bọc thép và xe tăng, đồng thời tập trung công nghệ cạnh tranh ở các loại khí tài này”, ông Son nói thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lý do Israel ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga
Lý do Israel ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga

VOV.VN - Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tròn 1 năm, đây là dịp thích hợp để đánh giá chính sách của Israel đối với cuộc xung đột này, đặc biệt là việc Israel vẫn từ chối bán vũ khí cho Ukraine.

Lý do Israel ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga

Lý do Israel ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga

VOV.VN - Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tròn 1 năm, đây là dịp thích hợp để đánh giá chính sách của Israel đối với cuộc xung đột này, đặc biệt là việc Israel vẫn từ chối bán vũ khí cho Ukraine.

Ukraine hao tổn đạn dược với tốc độ chóng mặt, Mỹ và châu Âu chạy đua sản xuất vũ khí
Ukraine hao tổn đạn dược với tốc độ chóng mặt, Mỹ và châu Âu chạy đua sản xuất vũ khí

VOV.VN - Trong bối cảnh kho dự trữ vũ khí cạn kiệt, Mỹ và đồng minh đang tranh luận về cách thức tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Ukraine hao tổn đạn dược với tốc độ chóng mặt, Mỹ và châu Âu chạy đua sản xuất vũ khí

Ukraine hao tổn đạn dược với tốc độ chóng mặt, Mỹ và châu Âu chạy đua sản xuất vũ khí

VOV.VN - Trong bối cảnh kho dự trữ vũ khí cạn kiệt, Mỹ và đồng minh đang tranh luận về cách thức tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Ukraine “nửa mừng nửa lo” khi nhận xe tăng hiện đại từ phương Tây
Ukraine “nửa mừng nửa lo” khi nhận xe tăng hiện đại từ phương Tây

VOV.VN - Ukraine bày tỏ sự vui mừng khi nhiều quốc gia phương Tây cam kết sẽ cung cấp xe tăng để giúp đẩy lùi lực lượng Nga, nhưng Kiev có thể sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành, duy trì và sửa chữa những chiếc xe tăng này.

Ukraine “nửa mừng nửa lo” khi nhận xe tăng hiện đại từ phương Tây

Ukraine “nửa mừng nửa lo” khi nhận xe tăng hiện đại từ phương Tây

VOV.VN - Ukraine bày tỏ sự vui mừng khi nhiều quốc gia phương Tây cam kết sẽ cung cấp xe tăng để giúp đẩy lùi lực lượng Nga, nhưng Kiev có thể sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành, duy trì và sửa chữa những chiếc xe tăng này.