Lý do Mỹ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia mà không phải Hàn Quốc hay Nhật Bản
VOV.VN - Vị trí chiến lược của Australia khiến việc triển khai các tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân ở nước này trở thành một tài sản có lợi cho Mỹ và phương Tây hơn nhiều so với việc triển khai ở các nước các đồng minh khác của Washington.
Thông báo hôm 15/9 về việc Mỹ và Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Australia có được các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân được nhận định là một trong những diễn biến quan trọng nhất đối với an ninh Đông Á trong năm 2021.
Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và là quốc gia phi hạt nhân đầu tiên làm điều đó. Các lò phản ứng sử dụng urani cấp độ vũ khí của Mỹ dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho các tàu ngầm mới của Australia.
Thỏa thuận chưa từng có này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân khi Australia cuối cùng sẽ mua vũ khí hạt nhân hoặc có vũ khí hạt nhân thông qua một thỏa thuận chia sẻ tương tự như những gì Mỹ đang làm với một số đồng minh châu Âu.
Ở khả năng thứ 2, vũ khí hạt nhân Mỹ - trong trường hợp này là tên lửa hành trình, sẽ được chuyển giao cho Australia trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn và Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) sẽ được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí này, tương tự như như các quốc gia châu Âu được huấn luyện sử dụng bom trọng lực hạt nhân của Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, tất cả những điều này vẫn chỉ là suy đoán. Có thể hiện tại Australia chỉ có ý định sử dụng các các tàu ngầm tấn công của mình hoàn toàn như những vũ khí thông thường nhằm phô trương sức mạnh ở khu vực “xa nhà”.
Các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có lợi thế hơn so vớis các tàu ngầm diesel-điện do có thể di chuyển được khoảng cách xa hơn với tốc độ cao hơn và có độ bền tốt hơn, cho phép chúng ở trên biển dài ngày mà không cần tiếp nhiên liệu. Theo một số ước tính, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể cho phép Hải quân Hoàng gia Australia duy trì các đợt triển khai ở Biển Đông với thời gian dài gấp 7 lần so với các tàu chạy bằng diesel-điện, tới 77 ngày liên tục thay vì 11 ngày.
Tại sao là Australia mà không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc?
Việc cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia đã đặt ra câu hỏi liệu các đồng minh khác của Mỹ có thể là ứng viên tiếp theo hay không và tại sao Australia là khách hàng đầu tiên và duy nhất của loại vũ khí này.
Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn hơn nhiều so với Australia, có khả năng chi trả tốt hơn nhiều cho các thương vụ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, vì một số lý do, Tokyo và Seoul có thể sẽ không được Mỹ cung cấp các công nghệ tương tự.
Cả hai quốc gia Đông Á này đều công nghiệp hóa hơn nhiều so với Australia và từ lâu đã có ngành công nghiệp tàu ngầm quy mô lớn, có thể tự sản xuất được các tàu chạy bằng diesel-điện.
Các tàu ngầm của Nhật Bản nói riêng, chẳng hạn như lớp Taigei mới, được cho là tàng hình hơn nhiều so với bất cứ con tàu tương tự nào của phương Tây.
Ngoài sự khác biệt đáng kể trong các ngành công nghiệp quân sự, vị trí của Nhật Bản và Hàn Quốc khiến họ kém phù hợp hơn trong việc triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhất là khi xét đến những thách thức an ninh mà Mỹ đang tìm cách giải quyết bằng cách triển khai loại vũ khí này.
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm gần các đối thủ đang thách thức việc duy trì trật tự do phương Tây dẫn đầu trong khu vực, như Trung Quốc, Nga và cả Triều Tiên. Với Mỹ, chỉ cần tàu ngầm diesel-điện là đủ, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lại không cần thiết đối với các hoạt động tầm ngắn trong khu vực. Tàu ngầm chạy diesel-điện được đánh giá là hiệu quả hơn khi không cần độ bền cao vì chúng không chỉ tiết kiệm chi phí hơn nhiều trong quá trình đóng cũng như vận hành, mà còn vận hành êm hơn và khó bị phát hiện hơn.
Điều này có thể thay đổi trong tương lai, đặc biệt đối với Hàn Quốc nói riêng, khi nước này tiến tới xây dựng các nhóm tấn công tàu sân bay có khả năng phát huy sức mạnh vượt ra ngoài khu vực Đông Bắc Á, những nơi các tàu ngầm có độ bền cao có thể đem lại một đội hộ tống đáng giá không kém các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ hiện nay.
Hàn Quốc cũng đã tiến tới phát triển khả năng răn đe chiến lược giai đoạn hai, khi trở thành quốc gia phi hạt nhân duy nhất sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Nước này có thể hướng tới các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân để đáp ứng các SLBM trong tương lai xa hơn.
Vị trí của Australia đủ gần… nhưng cũng đủ xa
Trên thực tế, vị trí chiến lược của Australia khiến việc triển khai những con tàu như vậy trở thành tài sản có lợi cho Mỹ và phương Tây hơn nhiều so với việc triển khai ở các nước đồng minh khác của Washington.
Động thái mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia cũng không trái ngược với xu hướng an ninh của Canberra. Nhiều báo cáo trong năm 2018-2019 cho thấy nước này cân nhắc mua vũ khí hạt nhân, cũng như máy bay ném bom B-21.
Là một máy bay ném bom tầm xa liên lục địa, B-21 - giống như các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, là loại tài sản mà chỉ các quốc gia có vũ khí hạt nhân từng triển khai với ý định nhằm vào các mục tiêu ở cách xa một đại dương.
Dù kế hoạch mua B-21 của Australia vẫn chưa chắc chắn, nhưng một thương vụ như vậy cũng cho thấy Canberra có xu hướng tìm mua các tài sản có khả năng thể hiện sức mạnh nhằm vào Đông Bắc Á, thậm chí khiến các thành phố và căn cứ Trung Quốc nằm trong phạm vi bị đe dọa.
Điều này lại rất có lợi cho Washington khi nó góp phần duy trì trật tự do phương Tây dẫn đầu trong khu vực. Cho dù Australia có mua B-21 hay không, cũng không thể phủ nhận loại máy bay này sẽ bổ trợ cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và dự kiến được Không quân Mỹ triển khai trên đất Australia trong các nhiệm vụ ở Đông Á.
Do các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam và đảo Wake, chưa kể đến Hàn Quốc và Nhật Bản, ngày càng dễ bị tấn công trước thế hệ vũ khí mới của Trung Quốc và Triều Tiên, tầm quan trọng của Australia lại càng gia tăng. Khoảng cách của Australia mang lại sự an toàn tương đối giống như đảo Guam trong những năm Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn đủ gần để trở thành một căn cứ quan trọng cho các chiến dịch tấn công./.