Lý do Mỹ sẵn sàng gửi bom chùm cho Ukraine
VOV.VN - Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ dành cho Ukraine sẽ có bom chùm. Loại vũ khí này được kỳ vọng là yếu tố giúp sức cho chiến dịch phản công của Kiev.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 (theo giờ Mỹ) dự kiến sẽ thông báo việc gửi bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD. Động thái này có thể sẽ gây ra sự phẫn nộ từ một số đồng minh và các nhóm nhân đạo vốn phản đối việc sử dụng bom chùm.
Những người ủng hộ việc gửi bom chùm cho Ukraine lập luận rằng Nga đã và đang sử dụng loại vũ khí này ở Ukraine và loại bom chùm mà Mỹ cung cấp cho Kiev sẽ là loại có tỷ lệ đạn chưa nổ thấp hơn.
Ukraine đã đề nghị các nước phương Tây cung cấp bom chùm vì cho rằng loại vũ khí này sẽ giúp ích cho cuộc phản công, khắc phục bất lợi về nhân lực và pháo binh của Kiev.
Cho đến gần đây, Washington vẫn từ chối đề nghị của Kiev, với lý do lo ngại về việc sử dụng bom chùm và nói rằng chúng không cần thiết. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc tháng trước cho biết quân đội Mỹ tin rằng bom chùm “sẽ hữu ích để tấn công các chiến hào và vị trí phòng thủ của Nga”.
Bom chùm là gì?
Bom chùm là một quả bom nổ trên không trung và giải phóng các quả “bom con” nhỏ hơn trên một khu vực rộng. Các quả bom nhỏ được thiết kế để tiêu diệt xe tăng và thiết bị, hay binh lính. Chúng có thể đánh trúng nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Trong các cuộc xung đột trước đây, bom chùm có tỷ lệ sát thương cao. Hàng nghìn quả bom con chưa phát nổ vẫn tồn tại và khiến nhiều người thiệt mạng trong hàng thập kỷ sau đó. Lần gần đây nhất Mỹ sử dụng bom chùm là trong cuộc chiến ở Iraq vào năm 2003. Washington đã quyết định không tiếp tục sử dụng loại vũ khí này khi cuộc xung đột chuyển sang môi trường đô thị với dân số đông đúc.
Các nhóm nhân quyền cho rằng việc sử dụng bom chùm ở các khu vực đông dân cư là vi phạm luật nhân đạo quốc tế vì chúng gây ra sự hủy diệt bừa bãi. Theo Reuters, 60% thương vong do bom chùm là những người bị thương trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. 1/3 số thương vong do bom chùm được ghi nhận là trẻ em.
Hơn 120 quốc gia đã ký Công ước về cấm sử dụng, sản xuất, vận chuyển và tàng trữ bom chùm. Nga, Ukraine và Mỹ đều từ chối ký hiệp ước. Kể từ khi công ước được thông qua vào năm 2008, 99% kho dự trữ toàn cầu đã bị phá hủy, theo Liên minh Bom chùm.
Ngày 6/7, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết, Bộ Quốc phòng có “nhiều biến thể” bom chùm và loại mà Mỹ sẽ gửi cho Ukraine không phải là các biến thể cũ có tỷ lệ hỏng (tức tỷ lệ bom con chưa phát nổ ngay) cao hơn 2,35%.
Giảm áp lực lên kho đạn pháo của Mỹ
Trong hơn một năm qua, Mỹ đã gửi hơn 2 triệu viên đạn pháo cho Ukraine. Các đồng minh của Washington trên toàn cầu cũng đã cung cấp cho Kiev thêm hàng trăm ngàn viên đạn pháo.
Đạn 155 mm có thể tấn công các mục tiêu cách xa 24-32 km, khiến chúng trở thành loại đạn được lựa chọn cung cấp cho bộ binh Ukraine khi Kiev tìm cách tấn công mục tiêu của đối phương từ xa. Các lực lượng Ukraine bắn hàng ngàn viên đạn mỗi ngày trong cuộc xung đột với Nga.
Nghị sỹ Ukraine Yehor Cherniev nói với các phóng viên tại một sự kiện của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ đầu năm nay rằng, Kiev có thể sẽ cần bắn từ 7.000 đến 9.000 viên đạn mỗi ngày trong các cuộc phản công dữ dội.
Tuy nhiên, việc cung cấp cho Ukraine số lượng đạn lớn sẽ gây áp lực đáng kể lên các kho dự trữ của Mỹ và đồng minh.
Ông Ryan Brobst, một nhà phân tích nghiên cứu cho Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) cho biết, bom chùm là một lựa chọn đáng cân nhắc vì nó sẽ giúp Ukraine tiêu diệt nhiều mục tiêu hơn với số lượng đạn ít hơn. Mỹ đã không sử dụng bom chùm trong các cuộc xung đột kể từ sau Iraq, nên Washington có một lượng lớn trong kho và có thể nhanh chóng chuyển cho Ukraine.
Bức thư của các thành viên hàng đầu đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện gửi chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng 3/2023 cho biết Mỹ có thể có tới 3 triệu quả bom chùm sẵn sàng sử dụng, đồng thời thúc giục Nhà Trắng gửi các loại vũ khí này cho Ukraine để giảm bớt áp lực đối với nguồn dự trữ của Mỹ.
“Đạn chùm hiệu quả hơn đạn pháo đơn lẻ vì chúng gây sát thương trên diện rộng hơn. Điều này rất quan trọng đối với Ukraine khi họ tấn công vào các vị trí được củng cố chắc chắn của Nga”, ông Brobst nói.
Theo ông Brobst, việc chuyển bom chùm từ các kho của Mỹ cho Ukraine có thể giải quyết tình trạng thiếu đạn dược của Kiev, đồng thời giảm bớt áp lực lên các kho dự trữ đạn pháo 155 mm của Washington.
Các loại đạn pháo mà Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine và loại bom chùm mà Mỹ dự định gửi cho Kiev đều dựa trên tiêu chuẩn 155 mm, loại cỡ nòng đã được sử dụng rộng rãi trên khắp chiến trường ở Ukraine.