Lý do “nắm đấm thép” của phương Tây không thể giúp Ukraine xoay chuyển tình thế
VOV.VN - Dù sở hữu những xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh mẽ, được mệnh danh là “nắm đấm thép” của phương Tây, nhưng Ukraine vẫn không tạo được bước đột phá lớn trong cuộc phản công.
Ukraine sở hữu “nắm đấm thép” của phương Tây
Sau gần 2 năm xung đột nổ ra, Ukraine đã có trong tay số lượng lớn xe tăng tiên tiến của phương Tây. Trong đó, có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức cung cấp, xe tăng Challenger do Anh chuyển giao và xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những chiếc xe tăng này vẫn không phải “viên đạn bạc” giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường. Trong khi cuộc phản công của Ukraine diễn ra một cách chậm chạp thì các cuộc tấn công của Nga lại ngày càng gia tăng. Hiện Ukraine đang phải tìm cách sử dụng kho vũ khí hạn chế của nước này một cách hiệu quả khi mùa đông đến.
Ông Seth G. Jones – giám đốc điều hành Dự án các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng: “Tôi nghĩ xe tăng rất hữu ích cho việc phòng thủ. Sớm hay muộn, Nga sẽ tấn công trở lại và xe tăng có thể hữu ích trong việc giúp Ukraine đẩy lùi các bước tiến của Nga”.
Phương Tây đã chuyển giao các xe tăng Leopard và Challenger cho Ukraine vào đầu năm nay và các phương tiện này nhanh chóng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc phản công của Kiev. Nhưng xe tăng, cùng với nhiều loại xe bọc thép khác nhau đã gặp rắc rối trước hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga bao gồm các bãi mìn, hào chống tăng và ụ răng rồng, được bao phủ bằng hỏa lực pháo binh, buộc các lực lượng của Kiev phải điều bộ binh đi trước. Ngoài ra, cũng không có nhiều trận chiến xe tăng trên chiến trường vì thế Ukraine khó có thể sử dụng thiết giáp của nước này một cách hiệu quả nhất.
Giờ đây, khi mùa đông đến gần, Ukraine đang đối mặt với câu hỏi liệu có nên giữ lại xe tăng để chuẩn bị cho một cuộc phản công tiềm tàng trong tương lai, hay đưa chúng vào chiến trường để tăng cường năng lực phòng thủ.
Ông Gian Gentile, cựu Đại tá quân đội Mỹ và là nhà phân tích của tổ chức tư vấn Rand cho rằng, nhiều khả năng Kiev sẽ giữ lại hầu hết xe tăng cùng với nhiều phương tiện khác trong kho dự trữ để chuẩn bị cho một cuộc phản công mới trong năm 2024.
Cần phải nhắc lại rằng, Ukraine bước vào cuộc xung đột với một số lượng lớn xe tăng cũ kỹ có từ thời Liên Xô, trong đó có xe tăng T-64 và T-72. Nga cũng sử dụng những chiếc xe tăng này, đôi khi có cả biến thể nâng cấp của chúng như T-80 hay T-90. Nhưng tròn một năm sau cuộc chiến với Nga, Ukraine đã lên kế hoạch củng cố sức mạnh cho lực lượng tăng thiết giáp bằng xe tăng của phương Tây, trong đó có xe tăng Leopard 1 và Leopard 2, Challenger 2 và M1 Abrams.
Dù chỉ chiếm số lượng nhỏ, khoảng 300 chiếc trong số hơn 1.000 xe tăng mà Ukraine có, nhưng xe tăng phương Tây được kỳ vọng sẽ mang lại sức mạnh đáng kể cho Kiev. “Chúng mạnh hơn, di chuyển nhanh hơn và có kích thước to hơn xe tăng từ thời Liên Xô mà Ukraine đang sở hữu, với khả năng tấn công mục tiêu chính xác hơn trên chiến trường. Chúng có khả năng sống sót tốt nhờ sử dụng lớp giáp bảo vệ chủ động, được tích hợp hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến, thiết bị quang học tinh vi và nhiều loại đạn dược lợi hại”, ông Gian Gentile lưu ý.
Không phải "viên đạn bạc" giúp xoay chuyển tình thế
Trước đó, các chuyên gia quốc phòng cho rằng, những loại xe tăng như Abrams được "chế tạo để tiêu diệt xe tăng" và chống lại thiết giáp của Liên Xô trong môi trường mùa đông khắc nghiệt hoặc địa hình lầy lội và chúng đã chứng tỏ được khả năng của mình.
Nhưng một số nhà phân tích nhận định, dù có ưu điểm và sức mạnh vượt trội, nhưng xe tăng phương Tây vẫn chưa phải là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine. Việc chúng không thể phát huy vai trò chính trong hoạt động phản công của Ukrain tại miền Nam là điều đáng chú ý.
Kế hoạch ban đầu của Kiev là xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga, tạo ra một khu vực rộng lớn để xe tăng và thiết giáp có thể di chuyển an toàn. Tiếp theo, Ukraine muốn sử dụng các đơn vị tăng thiết giáp để công phá tuyến phòng thủ thứ hai vốn không kiên cố bằng phòng tuyến thứ nhất và tạo ra những bước đột phá quan trọng. Cuối cùng, Kiev muốn mở ra một tuyến đường tới Biển Azov, chia cắt các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, đặc biệt là cắt đứt “hành lang đất liền” nối giữa lục địa Nga và bán đảo Crimea.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, mục tiêu mà Ukraine giành được rất hạn chế. Khi mùa đông đến, Kiev phải chấp nhận thực tế là cuộc phản công chưa tạo được bước đột phá đáng kể. Họ chỉ giành được một số vùng lãnh thổ nhỏ trong đối mặt với những đợt tấn công đáp trả mạnh mẽ của Nga, chẳng hạn như ở thành phố Avdiivka.
Câu hỏi hóc búa đối với Ukraine
Nhà phân tích Seth G. Jones cho rằng: “Khi giao tranh tạm lắng, Nga sẽ có nhiều thời gian để tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng khả năng phòng thủ. Ở thời điểm hiện tại, xe tăng phương Tây sẽ hữu ích cho hoạt động phòng thủ của Ukraine. Kiev cũng có thể triển khai các phương tiện này để tấn công nhưng sẽ rất khó khăn”.
Theo ông Seth G. Jones, để giành lợi thế, Ukraine cần phải liên tục làm tiêu hao và suy giảm sức mạnh của đối phương trong suốt mùa đông, thậm chí vào năm 2024. Điều đó khiến các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, Challenger và Abrams phải đảm nhận vai trò khác. Các phương tiện này có thể phát huy hiệu quả nếu Nga chủ yếu sử dụng xe tăng và xe bọc thép của họ để đạt được bước tiến như ở Avdiivka. Nhưng cũng không loại trừ khả năng Ukraine sẽ giữ lại xe tăng phương Tây trong mùa đông để sử dụng cho các đợt tấn công trong mùa xuân.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, nhà phân tích Gentile lưu ý, trong thời gian tới, nếu quân đội Ukraine có thể tập trung lực lượng thiết giáp/cơ giới hóa đến một hoặc nhiều địa điểm mà họ có thể đạt được bước đột phá, thì xe tăng phương Tây có khả năng trở thành lực lượng tấn công mạnh mẽ để phá vỡ các hệ thống phòng thủ của Nga. “Nhưng thật khó để đoán biết điều gì sẽ xảy ra”, ông Gentile lưu ý.
Các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, Challenger và Abram dễ bị tấn công bằng tên lửa chống tăng dẫn đường, đạn pháo hoặc máy bay không người lái nếu hoạt động riêng lẻ. Nhưng trong trường hợp chúng được sử dụng một cách tập trung, kết hợp với pháo binh và bộ binh thì sẽ trở thành “lực lượng tấn công mạnh mẽ trên mặt đất”, ông Gentile nhấn mạnh.
Một trở ngại khác đối với Ukraine là khâu bảo dưỡng và duy trì xe tăng phương Tây, vốn đòi hỏi chuỗi cung ứng và quy trình sửa chữa khác biệt so với xe tăng từ thời Liên Xô. Đặc biệt, xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất có cấu tạo rất phức tạp và cần lượng lớn nhiên liệu.
Ngoài ra, vẫn chưa rõ phương Tây có thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine các loại xe tăng tiên tiến để thay thế những chiếc xe bị hư hỏng hoặc bị phá hủy trên chiến trường hay không. Cuộc xung đột với Nga đã khiến Ukraine phụ thuộc khá lớn vào tổ hợp công nghiệp quân sự phương Tây nhưng đây cũng là điều bất lợi đối với Kiev khi mà Mỹ và nhiều nước châu Âu đang suy giảm nguồn cung.