Lý do Nga xác định đang trong chiến tranh với NATO
VOV.VN - Sau vụ khủng bố tại tỉnh Moscow, Nga không chỉ đổ lỗi cho Ukraine mà còn liên tục tố cáo phương Tây dính líu vào vụ việc này bất chấp phương Tây khẳng định họ từng cảnh báo Nga về một vụ tấn công tiềm tàng của IS. Giới chức Nga cho rằng khối NATO đang tiến hành chiến tranh chống Nga.
Nga coi IS chỉ là tay chân của khối NATO
Giới chức an ninh Nga xem nhẹ các tuyên bố về trách nhiệm của tổ chức khủng bố Hồi giáo IS. Thay vào đó, họ liên tục cáo buộc tình báo Mỹ và Anh đã tham gia hỗ trợ Ukraine tổ chức cuộc tấn công ở ngoại ô Moscow.
Hôm 3/4/2024, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev trực tiếp quy trách nhiệm cho các cơ quan tình báo Ukraine về vụ tấn công khủng bố tại nơi tổ chức hòa nhạc Crocus City Hall ở tỉnh Moscow khiến ít nhất 114 người thiệt mạng. Ông Patrushev cũng ám chỉ sự dính líu của phương Tây.
Một ngày trước đó, ông Patrushev tố cáo tình báo phương Tây sử dụng các nhóm khủng bố để tấn công đối thủ của mình.
Ông Patrushev phát biểu tại một hội nghị các thư ký hội đồng an ninh của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra tại Astana, Kazakhstan: “Họ đang cố gắng làm cho chúng ta nghĩ rằng vụ tấn công khủng bố đó không phải do Kiev thực hiện mà là do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện, có thể là chi nhánh IS tại Afghanistan”.
Ông này cũng nêu một chi tiết là ngay khi có tin về vụ khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall, phương Tây đã đồng loạt phủ nhận sự không liên quan của Ukraine.
Tuyên bố trên của thư ký an ninh Nga xuất hiện trong bối cảnh phía Nga thường xuyên đưa ra các tuyên bố chống NATO. Các quan chức an ninh hàng đầu của Nga thường xuyên khẳng định liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này đang phát động một cuộc “chiến tranh” chống Nga. Một vài vị trong số đó còn bóng gió về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó.
Kể từ khi cuộc tấn công Crocus City Hall xảy ra, giới chức Nga đã chủ động gọi đó là một phần của cuộc “chiến tranh” nói trên.
Trong khi đó, giới chức NATO tiếp tục tái khẳng định quyền của khối quân sự này trong việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà nước này cần cho việc “bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Vào tháng 3, tình báo Mỹ từng cảnh rằng lực lượng khủng bố có thể tấn công Moscow. Một ngày sau khi nhận được thông báo này, vào ngày 7/3, cơ quan an ninh Nga (FSB) công bố họ đã ngăn chặn cuộc tấn công của IS vào một giáo đường Do Thái ở Moscow.
Phía Nga cho rằng Mỹ đã không cung cấp thông tin cụ thể về vụ tấn công buổi hòa nhạc tại nhà hát Crocus City Hall.
Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Nga, Sergei Naryshkin hôm 2/4 cho biết thông tin từ phía tình báo Mỹ về vụ tấn công Crocus City Hall là quá chung chung, và do đấy không giúp ích được gì cho Nga trong việc nhận diện trước những kẻ phạm tội.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/4 cáo buộc Mỹ thực hiện một chiến dịch tung tin sai lệch. Bà nói rằng chính phủ Mỹ cần chứng minh rằng các tin tức trên báo chí Mỹ là đúng bằng việc tiết lộ thời điểm thông tin cảnh báo chi tiết được công bố và người nhận được thông tin đó.
Bốn ngày sau vụ khủng bố Crocus City Hall, Giám đốc FSB Alexander Bortnikov đã quy trách nhiệm cho Ukraine và nói về sự tham gia của các cơ quan tình báo phương Tây.
Ông Bortnikov nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin rằng vụ khủng bố đó do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện nhưng các cơ quan an ninh phương Tây góp phần vào đó, còn các cơ quan an ninh Ukraine có mối liên hệ trực tiếp”.
Trong khi đó Thư ký an ninh Nga Patrushev nói với tờ Argumenty i Fakty rằng Washignton sử dụng NATO làm công cụ tiến hành các cuộc chiến tranh tổng hợp “nhằm phá hoại và gây rối cho hệ thống chính quyền nhà nước của các nước không đồng tình với chính sách của khối Anglo-Saxon”.
Cáo buộc NATO tiến hành cuộc chiến chống Nga
Trả lời phỏng vấn tờ Argumenty i Fakty (bài phỏng vấn được đăng tải vào đúng ngày 22/3 - ngày xảy ra vụ khủng bố Crocus City Hall), phát ngôn viên điện Kremlin Peskov nói rằng NATO đang tiến hành một cuộc chiến chống Nga.
Ông Peskov nói: “Chúng ta đang trong trạng thái chiến tranh. Ban đầu chúng ta phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Nhưng sau đó phương Tây tập thể đã trở thành một bên tham gia trong xung đột này, đứng về phía Ukraine, khiến nó trở thành một cuộc chiến tranh đối với chúng ta”.
Vào ngày 23/3, Tổng thống Nga Putin nói với người dân nước này rằng “người ta đã mở sẵn một cánh cửa bên phía Ukraine để những kẻ khủng bố vượt biên” sang Nga.
Tổng biên tập đài RT của Nga, Margarita Simonya, cũng quy trách nhiệm về vụ khủng bố này cho Ukraine và phương Tây. Bà cho rằng tình báo phương Tây rõ ràng đóng vai trò trực tiếp trong vụ tấn công này do họ đã nhận diện được những kẻ thực hiện vụ khủng bố. Bà nói: “Họ biết rõ ai là kẻ phạm tội. Họ biết từ trước khi có sự bắt giữ nghi phạm. Đây chính là sự dính líu trực tiếp”.
Một lần nữa, bà Margarita Simonyan khẳng định nguồn gốc của vụ tấn công không phải là IS mà là Ukraine.
Tương tự, nghị sĩ Nga Alexander Yakubovsky tuyên bố “chế độ Kiev đứng sau vụ tấn công, họ có thể sử dụng công cụ là các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng nếu thiếu tình báo phương Tây thì điều này là bất khả thi”.
Nghị sĩ Nga Pyotr Tolstoy cho rằng vụ tấn công ở nhà hát không thể nhìn nhận tách rời với “cuộc chiến với phương Tây tập thể vì tương lai hòa bình của con cháu chúng ta”.
Những tuyên bố như trên của giới chức Nga có vẻ đã giúp nước này huy động thêm quân nhân cho xung đột với Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga hôm 3/4 công bố rằng trong một ngày, 1.700 người Nga ký hợp đồng để chiến đấu cho Nga tại Ukraine. Bộ này cho biết, nhiều người trong số họ được thôi thúc bởi vụ tấn công ở Crocus City Hall. Vẫn bộ này cho hay, trong 10 ngày qua có 16.000 người ký hợp đồng làm quân nhân Nga.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cảnh báo người đồng cấp Pháp chớ triển khai quân sang Ukraine. Lời cảnh báo được đưa ra trong một cuộc điện đàm hiếm hoi vào ngày 3/4.
AP dẫn lời ông Shoigu nói rằng nếu Paris gửi quân sang Ukraine, “điều đó sẽ tạo ra vấn đề cho chính Pháp”.