Lý do tàu chiến Pháp gia tăng hoạt động ở Biển Đông
VOV.VN - Pháp quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và muốn hợp tác với các nước đối tác chiến lược để phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Pháp đã điều tàu chiến tới Biển Đông trước thềm cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản, sau khi các tàu ngầm hạt nhân của nước này tiến hành các chuyến tuần tra trong khu vực. Việc sẵn sàng phản ứng với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở các vùng biển cho thấy Pháp quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và muốn hợp tác với các nước thuộc nhóm Bộ tứ.
Sau tàu ngầm hạt nhân, Pháp điều 2 tàu chiến tới Biển Đông
Hải quân Pháp trong tháng 2/2021 đã điều tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu khu trục Surcouf từ cảng Toulon, miền Nam nước Pháp tới Thái Bình Dương, bắt đầu nhiệm vụ tuần tra và huấn luyện kéo dài 3 tháng.
Nhóm tàu này sẽ vào Biển Đông 2 lần và tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5/2021. Kế hoạch của Pháp không bao gồm việc di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Nhiều ngày trước khi nhiệm vụ huấn luyện và tuần tra này bắt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng cho biết, một trong những tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp, Emeraude, đã kết thúc chuyến tuần tra ở Biển Đông. Chuyến đi này được cho là nhằm phản đối lập trường gây hấn của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực.
Tại diễn đàn an ninh hàng năm Đối thoại Shangri-La năm 2019, Bộ trưởng Parly cũng từng nói rằng Pháp sẽ tiếp tục điều tàu tới Biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm. Bà kêu gọi những nước đồng quan điểm với Pháp làm điều tương tự, để đảm bảo duy trì sự tiếp cận cởi mở với các vùng biển.
Năm 2019, Bắc Kinh đã có động thái hiếm hoi khi cáo buộc Pháp xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Trung Quốc sau khi tàu khu trục Vendemiaire di chuyển qua Eo biển Đài Loan. Chính phủ Pháp tuyên bố đây là một chiến dịch bình thường mà nước này đã từng thực hiện trước đây.
Sự hiện diện của Pháp ở Thái Bình Dương không phải là mới
Tàu chiến Hải quân Pháp đã và đang hoạt động ở Biển Đông từ nhiều năm qua. Nhiệm vụ kéo dài 3 tháng như nêu trên là sự kiện được tiến hành hàng năm kể từ năm 2015. Pháp cũng từng tiến hành các cuộc tập trận chung với Australia, Malaysia... nhưng các hoạt động như vậy chưa được chú ý nhiều khi Biển Đông lúc đó là một chủ đề ít nhạy cảm hơn so với hiện nay.
Năm 2015, Pháp ra một tuyên bố chung với Philippines nói rằng cả 2 nước phản đối “bất cứ tuyên bố nào vi phạm luật quốc tế”. Điều này được xem như nhằm vào Trung Quốc.
Năm sau đó, các tàu của Hải quân Pháp cùng tàu sân bay Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông, sau khi Mỹ nêu quan ngại về những tuyên bố chủ quyền ngày càng thái quá của Trung Quốc, cùng các hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí ở Biển Đông.
Tại Đối thoại Shangri-La năm đó, Pháp công bố ý định điều phối các cuộc tuần tra chung của Liên minh châu Âu ở các vùng biển tranh chấp, nhắm thúc đẩy tự do hàng hải.
Vì sao Pháp quan tâm tới Biển Đông?
Pháp có các vùng lãnh thổ và vì thế cũng có các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các vùng lãnh thổ đó ở Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương. Khu vực này có tầm quan trọng đáng kể và gắn liền với các lợi ích của Pháp. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Pháp với các nước trong khu vực.
Pháp “theo chân” Mỹ trong việc triển khai một chiến lược riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2018.
Cùng với các nước châu Âu khác, Pháp nhiều lần khẳng định rằng tự do hàng hải phải được duy trì ở Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với 90% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn". Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan đến các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong đó tòa khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Tháng 2/2021, một quan chức Pháp nói rằng, chuyến đi của tàu ngầm Pháp tới Biển Đông là nhằm khẳng định “luật quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực” và Pháp sẽ làm việc để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – các nước thuộc nhóm Bộ tứ.
Đầu năm nay, Pháp cũng ra tuyên bố chung cùng Đức và Anh gửi tới Liên Hợp Quốc ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở La Hay năm 2016.
Pháp sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện ở Biển Đông
Trung Quốc phản đối gay gắt với sự can dự và các hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông trong những năm gần đây, nhưng nước này vẫn kiềm chế công khai chỉ trích các hoạt động vừa qua của Pháp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này tôn trọng quyền tự do hàng hải cũng như các chuyến bay của các nước ở Biển Đông theo luật quốc tế, nhưng phản đối việc bất cứ nước nào lợi dụng tự do hàng hải để gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Pháp “không có chỗ” ở Biển Đông.
Giới phân tích dự đoán Pháp sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự ở các vùng biển để phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc./.