Lý do thực sự khiến Đức ngần ngại cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine
VOV.VN - Vừa qua Đức tỏ rõ sự ngần ngại khi quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine. Có nhiều lý do khiến Đức như vậy, trong đó có cả lý do về thị trường xuất khẩu vũ khí của Đức.
Quyết định trong sự lưỡng lự
Việc các nước phương Tây, trong đó có Đức, quyết định cung cấp các xe tăng hạng nặng cho Ukraine với số lượng lớn tạo ra một bước ngoặt mới trong sự ủng hộ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine. Lần đầu tiên, các nước này cung cấp năng lực tấn công đáng kể cho Ukraine nhằm giúp nước này mở một chiến dịch lớn giành lại lãnh thổ đã mất.
Quyết định trên hình thành trong quá trình dài lâu. Nhưng trong vài tháng liền, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chống lại quyết định cung cấp cho Ukraine các xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Thậm chí hội nghị NATO tổ chức tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức vào ngày 20/1 để thảo luận vấn đề trên cũng kết thúc mà không đạt được một quyết định nào, trong sự không hài lòng của Tổng thống Ukraine Zelensky và một số đồng minh phương Tây khác của Kiev.
Đức lo ngại đủ đường
Đức ngần ngại như trên vì một số nguyên nhân. Thứ nhất, Đức sợ tình hình xung đột Ukraine sẽ leo thang thêm. Thứ hai, phần đa dư luận Đức dị ứng với việc phải dính líu vào một cuộc xung đột vũ trang. Điều này là dễ hiểu nếu tính đến lịch sử chiến tranh của nước Đức trong thế kỷ 20. Thứ ba, Đức hy vọng khôi phục lại quan hệ với Nga.
Nhưng đấy chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Còn một số nguyên nhân sâu xa nữa. Thủ tướng Đức Scholz ý thức rất rõ về việc Đức phải dựa vào Mỹ về mặt an ninh. Do vậy ông Scholz chỉ đưa ra một quyết định lớn như vậy (cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine) khi nhận được sự phê chuẩn rõ ràng từ phía Mỹ, và nhất là khi có bằng chứng cho thấy Mỹ sẽ tham gia một thỏa thuận tương tự để cung cấp cho Ukraine các xe tăng trong chính kho vũ khí của Mỹ. Thực tế, đến tận gần đây, Mỹ vẫn khẳng định rằng họ sẽ không gửi sẽ xe tăng Abrams cho Ukraine với lý do các xe tăng đó không phù hợp với điều kiện tác chiến ở Ukraine.
Vấn đề lớn thứ 2 của Đức là kho xe tăng Leopard 2 của họ tương đối nhỏ, gồm chỉ khoảng 300 chiếc để đáp ứng nhu cầu phòng thủ của bản thân nước Đức (giảm từ con số 4.000 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh).
Vấn đề tiếp theo là Đức sợ rằng nếu các quốc gia châu Âu khác đã mua xe tăng Leopard lại cung cấp các xe tăng này cho Ukraine, họ có thể lựa chọn thay thế kho xe tăng của họ bằng vũ khí khí tài của Mỹ. Khi ấy, thị trường xuất khẩu vũ khí của Đức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước này xuất khẩu tới 2.399 xe tăng chiến đấu chủ lực trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2010. Quá trình này đang diễn ra khi Ba Lan công bố mua 116 chiếc M1A1 Abrams cùng thiết bị đi kèm. Việc giao hàng bắt đầu vào đầu năm nay. Thỏa thuận này tri giá tới 1,4 tỷ USD.
Nỗ lực thuyết phục và gây áp lực từ phía Mỹ
Ở đây có một số yếu tố chính trị nội bộ nước Đức. Việc đạt được thỏa thuận nói trên đã khiến vị bộ trưởng quốc phòng trước đó của Đức (Christine Lambrecht) phải từ chức. Bà Lambrecht rất dị ứng với việc cho phép sử dụng xe tăng Leopard 2 ở Ukraine.
Trong khi đó, ở Washington, hoạt động ngoại giao căng thẳng của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thuyết phục Tổng thống Biden cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Đây là một phần trong đòn bẩy của Mỹ nhằm thuyết phục Đức thay đổi quan điểm về gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Hiện nay, dự kiến Đức ban đầu sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 từ chính kho vũ khí của họ, với mục tiêu cuối cùng sẽ cung cấp tổng cộng 112 xe tăng cho Ukraine.
Đức sẽ cung cấp phiên bản hiện đại nhất của Leopard 2, được đánh giá là xe tăng có năng lực hàng đầu thế giới bên cạnh M1 Abrams của Mỹ.
Ba Lan vừa cam kết cung cấp thêm 14 chiếc Leopard 2, còn Na Uy sẽ gửi linh kiện và 8 chiếc Leopard 2. Các nước châu Âu có tổng cộng khoảng 2.000 chiếc xe tăng Leopard. Ukraine muốn có 300 chiếc xe tăng loại này. Cho tới này, các nước cam kết cung cấp 105 chiếc trong vài tháng trời./.