Lý do Tổng thống Biden bất ngờ có chuyến thăm tới Ukraine
VOV.VN - Các nhà phân tích nhận định, chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden có vai trò quan trọng trong việc thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, thúc đẩy nhuệ khí của quân đội nước này, cũng như hướng tới dư luận Mỹ.
Chuyến thăm bất ngờ
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev ngày 20/2 trước khi đến Ba Lan theo lịch trình được thông báo trước đó và 4 ngày trước thời điểm tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thông tin về chuyến thăm của ông Biden cũng như cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được giữ bí mật tuyệt đối cho tới khi Tổng thống Mỹ đến Kiev. Theo New York Times, Tổng thống Biden đã thực hiện hành trình vượt Đại Tây Dương, sau đó di chuyển gần 10 tiếng đồng hồ bằng tàu hỏa từ Ba Lan đến thủ đô Kiev của Ukraine.
Tại cuộc họp báo ngày 20/2, Tổng thống Zelensky đã nhận định: "Đây là chuyến thăm quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử mối quan hệ Ukraine và Mỹ". Trong chuyến thăm được giữ bí mật tuyệt đối sau nhiều tháng lên kế hoạch này, Tổng thống Biden đã thông báo gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine.
Ukraine đang kêu gọi phương Tây tăng tốc hỗ trợ vũ khí trong khi Nga tăng cường tấn công để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn hơn.
Đây không phải lần đầu tiên các tổng thống Mỹ đến vùng chiến sự khi cựu Tổng thống Barack Obama từng tới Afghanistan năm 2013 và cựu Tổng thống George W. Bush từng thăm quân đội Mỹ ở Iraq năm 2003. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Biden đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại một Tổng thống Mỹ đến vùng chiến sự mà không có sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Vì sao Tổng thống Biden quyết định tới Kiev?
Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ tới Ukraine được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine.
"Tôi ở đây để thể hiện sự ủng hộ không ngừng nghỉ với độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này", ông Biden nói, khẳng định sẽ sát cánh với Ukraine "lâu nhất có thể".
Tổng thống Biden nhận định: "Khi Tổng thống Putin tiến hành chiến dịch quân sự cách đây 1 năm, ông ấy cho rằng Ukraine yếu đuối và phương Tây chia rẽ. Ông ấy cho rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn chúng tôi. Nhưng ông ấy đã sai lầm tai hại".
Trong cuộc họp báo ngày 20/2, Tổng thống Biden cho rằng: "Mục tiêu của Nga là xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ. Chiến dịch của Nga sẽ thất bại".
Các nhà phân tích nhận định, chuyến thăm của ông Biden có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhuệ khí của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, chuyến thăm này cũng hướng tới dư luận Mỹ bởi việc duy trì sự ủng hộ trong nước cho Kiev đóng vai trò quan trọng.
Nhà quan sát Stephen Collinson nhận định trên CNN rằng sự xuất hiện của Tổng thống Biden ở thủ đô Kiev là thông điệp trực tiếp gửi tới Tổng thống Putin và thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine. Tổng thống Biden có kế hoạch thăm châu Âu vào tuần này giữa bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sắp tròn 1 năm và lịch trình của ông chỉ đề cập đến Ba Lan. Tuy nhiên, theo nhà quan sát Collinson, hành trình vượt Đại Tây Dương của ông Biden nếu thiếu điểm dừng chân là Ukraine thì sẽ không trọn vẹn khi mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác đã đến Kiev. Hơn nữa, theo ông, nếu không thăm Ukraine, Tổng thống Biden sẽ ngầm thừa nhận rằng có những điều mà Nga có thể ngăn cản ông thực hiện và điều đó cho thấy điểm yếu của Mỹ.
Dù vậy, việc Tổng thống Biden tới Kiev chủ yếu là một chuyến thăm mang tính biểu tượng. Trên thực thế, chuyến thăm này chưa giải đáp được những câu hỏi quan trọng cũng như những điểm không chắc chắn trong hướng tiếp cận của Mỹ và sự khác biệt với Ukraine.
Theo nhà quan sát John Herbst, chiến lược 3 phần của Tổng thống Biden bao gồm: tập hợp đồng minh và đối tác để cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine; áp đặt trừng phạt Nga và thúc đẩy tuyến phòng thủ của NATO ở sườn Đông. Tuy nhiên, ông John Herbst cho rằng chính sách này thiếu sự mạnh mẽ cũng như tầm nhìn rõ ràng và chuyến thăm của Tổng thống Biden đã phản ánh điều đó. Trong khi Mỹ cam kết "sát cánh cùng Ukraine lâu nhất có thể" và khẳng định mục tiêu của Washington là Ukraine chiến thắng hoặc Nga bị đánh bại thì chính quyền Tổng thống Biden chưa có hành động cụ thể để thực hiện điều đó, trong đó có việc cung cấp cho Kiev máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.
Cho đến nay, Mỹ vẫn từ chối cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine bởi việc cung cấp máy bay chiến đấu có thể nhạy cảm hơn so với việc hỗ trợ xe tăng. Điều đó là bởi các chiến đấu cơ này sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc tấn công máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không trên lãnh thổ Nga. Việc sử dụng máy bay chiến đấu của NATO trong những chiến dịch như vậy - thậm chí là do phi công Ukraine điều khiển - có thể khiến điện Kremlin kết luận rằng liên minh này can thiệp trực tiếp vào xung đột và tăng rủi ro leo thang thành một cuộc chiến mà Tổng thống Biden cố gắng tránh để nó xảy ra.
Nhà quan sát Oleh Shamshur thuộc Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cũng cho rằng trong khi Mỹ thông báo về gói hỗ trợ mới cho Ukraine thì gói hỗ trợ này có thể chỉ bao gồm những vũ khí Washington đã nhất trí cung cấp trước đó.
Trong khi đó, nhà quan sát Melinda Haring thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng những nhận định của Tổng thống Biden về việc sát cánh với Ukraine "lâu nhất có thể" phù hợp với lập trường của dư luận Mỹ. 1 năm sau cuộc xung đột ở Ukraine, 65% người dân Mỹ muốn tiếp tục ủng hộ Ukraine giành lại lãnh thổ thậm chí cả khi xung đột kéo dài. Con số này không thay đổi từ năm 2022 - 2023 nhưng đã có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ ủng hộ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Sự khác biệt này được dự đoán sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Dư luận về chuyến thăm Kiev của ông Biden
Ngay sau khi tin tức về chuyến thăm của Tổng thống Biden được công bố, Nhật Bản đã thông báo gói hỗ trợ tài chính mới cho Ukraine trị giá 5,5 tỷ USD. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết: "Chúng ta vẫn cần hỗ trợ cho những người mà cuộc sống của họ bị chiến tranh tàn phá và hỗ trợ họ khôi phục các cơ sở hạ tầng bị phá hủy". Nhà lãnh đạo này cũng thông báo ông sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến cho các nhà lãnh đạo G7 và ông Zelensky ngày 24/2, đúng thời điểm 1 năm kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Một người phát ngôn của chính phủ Đức đã ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống Biden và gọi đó là một "tín hiệu tốt".
Trong khi đó, về phía dư luận Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - người có lập trường cứng rắn trong việc ủng hộ cho Ukraine, cho biết ông cảm thấy "hài lòng" về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Kiev.
"Đây là một tín hiệu phù hợp được gửi đi đúng thời điểm. Tuy nhiên, cùng với các chuyến thăm và tuyên bố được đưa ra ở mức cao nhất, cần phải đi kèm với các hành động quyết đoán sau đó".
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky gọi chuyến thăm của ông Biden là "một ngày quan trọng cho Ukraine".
"Ngày hôm nay là một ngày mang tính biểu tượng. Ngày thứ 362 cuộc xung đột nổ ra và tại thủ đô tự do của đất nước tự do chúng tôi, chúng tôi chào đón chuyến thăm từ một đồng minh mạnh mẽ - Tổng thống Mỹ và trao đổi với ông về tương lai của Ukraine, mối quan hệ của chúng tôi, nền dân chủ của toàn bộ châu Âu cũng như toàn cầu".
Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova thì bày tỏ hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ "mở ra nhiều sự hỗ trợ bổ sung cho Ukraine, vốn có vai trò cấp thiết để kết thúc cuộc xung đột này nhanh hơn".
Phản ứng về chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden, trưởng nhóm chuyên gia chính trị Nga Konstantin Kalachev cho rằng chuyến thăm này là hình thức ủng hộ cao nhất đối với một quốc gia đang có chiến tranh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đã quyết định báo trước cho Moscow về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Kiev nhằm tránh nguy cơ xung đột. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev xác nhận trên kênh Telegram rằng ông Biden đã nhận được “sự đảm bảo an toàn” từ Moscow cho chuyến thăm tới Kiev.
"Ông Biden nhận được các đảm bảo an ninh của Nga từ trước và cuối cùng cũng đến Kiev, hứa hẹn cung cấp rất nhiều vũ khí", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 20/2 xác nhận trên Telegram. "Tất nhiên, họ tự huyễn hoặc rằng chiến thắng sẽ tới với vũ khí mới".
Ông Medvedev cho rằng phương Tây thường xuyên cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho Ukraine. Số lượng vũ khí khổng lồ cho phép các tập đoàn quốc phòng của NATO "kiếm bộn tiền", đồng thời cáo buộc họ chuyển số vũ khí này "cho những kẻ khủng bố trên khắp thế giới"./.