Lý giải nguyên nhân Triều Tiên “nổi giận” với Mỹ
VOV.VN - Theo Vox, việc ông Trump “không giữ lời” về tuyên bố chấm dứt chiến tranh được cho là nguyên nhân khiến Triều Tiên nổi giận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã hứa hẹn với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng ông sẽ ký tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mà các bên mới chỉ dừng lại ở một Hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, việc ông Trump vẫn chưa thực hiện được lời hứa của mình đã khiến Triều Tiên nổi giận và gây bế tắc cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa hiện nay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore. Ảnh: AP |
Lời hứa hẹn không được “ghi chép”
Vox ngày 29/8 dẫn 2 nguồn tin giấu tên cho biết, trong cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng ông sẽ ký Tuyên bố hòa bình sớm nhất có thể ngay sau cuộc gặp này.
Ông Trump có vẻ như cũng đã có thỏa thuận tương tự với Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (cánh tay phải của Nhà lãnh đạo Triều Tiên) khi ông này tới Nhà Trắng trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6/2018.
Tuyên bố Singapore chỉ đề cập rằng: “Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, sau cuộc gặp Thượng đỉnh, chính ông Trump đã tiết lộ rằng, có nhiều điều đã được nhất trí mà không được viết vào trong tuyên bố.
Khi đó, ông nói: “Những gì chúng tôi đã ký hôm nay bao gồm rất nhiều điều. Và cũng có cả những điều không được nêu trong thỏa thuận được ký”.
Thậm chí trước khi tới cuộc gặp Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump cũng từng ám chỉ ông đã thảo luận về một Hiệp ước hòa bình với Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol khi ông này tới Mỹ (cuối tháng 5, đầu tháng 6).
“Chúng tôi đã nói về việc chấm dứt chiến tranh. Và bạn biết đấy, cuộc chiến này thực tế vẫn chưa chấm dứt – nó có thể là cuộc chiến dài nhất, gần 70 năm? Có khả năng về một điều gì đó như vậy? Nó còn hơn cả việc ký kết một văn bản mà bản thân nó đã là điều quan trọng theo một cách nào đó. Về mặt lịch sử, nó rất quan trọng. Chúng tôi đã thảo luận điều đó – chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Bạn có thể tin chúng tôi đang nói về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên không?”.
Bất đồng quan điểm
Triều Tiên lâu nay vẫn đề nghị Mỹ đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trước, trong khi Washington lại yêu cầu Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa trước. Sự khác biệt về quan điểm này đã khiến Mỹ hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên hồi cuối tuần trước.
Theo CNN, quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra sau khi ông Trump nhận được một lá thư từ quan chức cấp cao Triều Tiên cảnh báo rằng, các cuộc đàm phán “đang bế tắc và có thể đổ vỡ”. Lá thư còn nói thêm rằng, Triều Tiên có thể khôi phục “các hoạt động tên lửa và hạt nhân” nếu các yêu cầu không được đáp ứng.
“Triều Tiên đang thất vọng về việc chính quyền Trump không thể đáp ứng các kỳ vọng của nước này hướng tới việc ký kết Hiệp ước hòa bình”, CNN dẫn những nguồn thạo tin cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên trong những tuần gần đây Triều Tiên bày tỏ sự thất vọng với chính quyền Trump về Hiệp ước hòa bình, đặc biệt là khi Mỹ vẫn không ngừng đưa ra những yêu cầu đơn phương về phi hạt nhân hóa.
Phía Mỹ đã khẳng định, họ muốn “phi hạt nhân hóa đầy đủ và có thể xác minh” như đã nhất trí với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đặt ra những kỳ vọng từ phía Mỹ.
Vì sao Mỹ chưa muốn một tuyên bố về kết thúc Chiến tranh Triều Tiên?
Vì sao cần Tuyên bố chấm dứt chiến tranh?
Ông Moon Chung-in, Cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 29/8 nói rằng, việc Tuyên bố chấm dứt chiến tranh là điều quan trọng và cần thiết đối với tất cả các bên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). “Thứ nhất, Tuyên bố này sẽ là một sự kết thúc mang tính biểu tượng đối với lệnh ngừng bắn được ký năm 1953. Thứ hai, nó sẽ chấm dứt sự thù địch giữa hai miền Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên với Mỹ. Thứ ba, hiệp định đình chiến sẽ được duy trì cho đến khi một hiệp ước hòa bình được ký kết”.
Cuối cùng, ông Moon Chung-in nói, tuyên bố kết thúc chiến tranh nhằm gắn việc phi hạt nhân hóa với một thể chế hòa bình.
Nội bộ Mỹ chia rẽ
Các nhà phân tích cho rằng, trong khi ông Trump có thể đồng ý muốn chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, thì các cố vấn của ông, đặc biệt là Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lại cho rằng, Triều Tiên nên có những bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa trước khi Mỹ ký một Hiệp ước hòa bình.
“Mọi thứ đều rõ ràng và dễ hiểu”, Ankit Panda, một chuyên gia chính sách đối ngoại và biên tập viên cấp cao của The Diplomat, cho biết. “Ông Trump đã đưa ra sự đảm bảo ở Singapore [với ông Kim Jong-un và có thể cả ông Kim Yong-chol] rằng ông sẽ thực hiện một tuyên bố [chấm dứt chiến tranh], dù điều đó không được đưa vào Tuyên bố chung. Và các cố vấn của ông lại không đồng tình với những gì ông đã hứa hẹn. Tình thế hiện nay giống như hóa đơn đã đến hạn còn chính quyền thì chia rẽ sẽ phải chi trả ra sao”.
“Điều đó lý giải vì sao Triều Tiên nổi giận”, một nguồn tin nói với Vox. Việc ông Trump hứa hẹn về một tuyên bố hòa bình và sau đó lại đặt ra các điều kiện sẽ được xem như Mỹ không giữ lời với những gì đã tuyên bố.
Lo ngại hiện nay là nếu các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ đổ vỡ, liệu tình hình có quay trở lại những ngày “lửa và giận dữ” như đã từng diễn ra hồi năm ngoái hay không./.
Chặng đường dài tới lễ ký Hiệp định Đình chiến trên bán đảo Triều Tiên