Lý giải việc Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt được thỏa thuận
VOV.VN - Giới chuyên gia Mỹ phản ứng trước việc Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2 không đạt được thỏa thuận chung.
Trong khi cuộc họp báo của Tổng thống Donald Trump diễn ra và ngay sau cuộc họp báo, nhiều chuyên gia và các nhà phân tích Mỹ đã có ý kiến về việc Mỹ và Triều Tiên không thể đạt được một thỏa thuận chung.
Học giả Kazianis. Ảnh: Yale. |
Trên thực tế, giới chuyên gia và truyền thông Mỹ trước đó không đặt quá nhiều kỳ vọng đối với cuộc gặp này mặc dù họ vẫn dự báo sẽ có được một kết quả cụ thể nào đó, ít nhất là khác biệt so với hội nghị tại Singapore vào năm ngoái (2018), tuy nhiên mọi thứ đã hoàn toàn khác.
Trên trang twitter cá nhân, chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ tỏ ý tiếc nuối vì không có thỏa thuận nào đạt được tại hội nghị lần này, song ông khẳng định mình không hề bị sốc hay ngạc nhiên.
Phía Mỹ muốn sự chắc chắn
Ông Kazianis là một trong số ít các chuyên gia đã bày tỏ lạc quan và dự báo về một số kết quả tích cực đạt được tại hội nghị lần này. Theo ông Kazianis, một thỏa thuận tồi đó chính là sự vội vã và không làm gì để giảm bớt mối đe dọa từ Triều Tiên đối với nước Mỹ, các đồng minh của Washington và điều đó sẽ là một sai lầm lịch sử. Chuyên gia Kazianis đồng thời thừa nhận rằng, không có nhiều người từng nói việc đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ dễ dàng. Việc Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý gặp lại nhau tại Hà Nội sau cuộc gặp lịch sử đầu tiên lại Singapore tháng 6/2018 đã là một thành công.
Ông Victor Cha, chuyên gia cao cấp Chương trình nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định về hai giả thiết dẫn đến kết quả hội nghị như vậy. Một là, Triều Tiên cần có thêm thời gian để tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn theo đòi hỏi của Mỹ. Hai là, Chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể gỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt như yêu cầu của phía Triều Tiên và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rời khỏi hội nghị. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quyết định đúng đắn để thúc đẩy thêm nhiều bước đi nhỏ và thà không đạt được thỏa thuận còn hơn đạt được một thỏa thuận tồi. Tuy nhiên, chuyên gia Victor Cha thừa nhận là ông không biết tình hình sẽ đi về đâu khi hai nhà lãnh đạo không thể nhất trí về một thỏa thuận.
Hai bên thiếu chuẩn bị
Ông Joseph Yun, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên nói rằng, việc kết thúc đột ngột của hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy "thiếu sự chuẩn bị". Phát biểu trên truyền hình CNN, ông Joseph Yun cho biết mình đã tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh.
Ngoại trưởng Mỹ: Chủ tịch Triều Tiên chưa chuẩn bị cho bước tiến thêm
Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ, thông thường, chúng liên quan đến rất nhiều công việc ở cấp độ chuyên viên và trên thực tế, một thỏa thuận chính là một kết luận đã được đưa ra từ trước đó. Tại hội nghị lần này, ông nhận thấy hai bên có rất ít sự chuẩn bị và đã bày tỏ lo ngại về điều đó. Dư luận chung tại Mỹ cho rằng hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 không thực chất nhưng ít nhất đã đặt nền móng. Trong khi tại hội nghị lần này chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đã hạ thấp chuẩn mực về phi hạt nhân hóa từng ngày nhưng phía Triều Tiên đã không thể đáp ứng điều đó.
Ông Joseph Yun cũng cho rằng "hàng loạt các sự kiện xảy ra tại thủ đô Washington D.C" ám chỉ việc Hạ viện vừa thông qua hai dự luật về ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kiểm soát súng đạn, cùng với việc cựu luật sư riêng của ông Donald Trump liên tiếp ra điều trần trước các ủy ban của Quốc hội, có thể đã đóng một vai trò.
Một số chuyên gia khác cho rằng cuộc gặp không nên diễn ra khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận trên một số vấn đề vì như thế sẽ không đạt được một kết quả như mong đợi. Ngoài ra, vấn đề Triều Tiên là một vấn đề phức tạp, không thể giải quyết nhanh chóng và sẽ còn phải cần tới một quá trình đàm phán lâu dài với hai bên phải có quyết tâm và thiện chí thực sự, quan trọng nhất là đàm phán ở cấp chuyên viên./.