Mải mê với tham vọng, Trung Quốc tự bẫy chính mình
VOV.VN - Những động thái vươn lên bằng vũ lực, bằng sự bắt nạt, cưỡng ép thì không bao giờ nhận được sự coi trọng của cộng đồng.
Trao đổi với báo điện tử VOV, PGS, TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược và Khoa học Công an nhận định: “Mộng bá vương của Trung Quốc là giấc mộng có từ ngàn xưa. Trong 4000 năm lịch sử của họ, giấc mơ mở mang bờ cõi, bành trướng lãnh thổ chưa bao giờ ngơi nghỉ”.
>> Bài 1: Giấc mộng Trung Hoa- tham vọng Trung Quốc trỗi dậy
Bài 2: Biển Đông-chìa khóa vàng để hiện thực hóa "mộng vàng"
Trung Quốc mộng (ảnh: Sina)
Mỗi lần nhăm nhe là một lần thất bại
Theo ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Myanmar, trong lịch sử gần 3000 năm của dân tộc Việt Nam, các triều đại Trung Quốc đã đem quân xâm lược Việt Nam 20 lần (nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, CHND Trung Hoa 4 lần), tức với tần suất trung bình 150 năm một lần xâm lược. Trên thế giới, chưa từng có một quốc gia nào đem quân đi xâm lược nước láng giềng của mình nhiều lần đến như vậy.
Ông Phùng cho biết thêm, trong tổng số 20 cuộc xâm lược đó, chỉ riêng từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, trong thời gian 65 năm qua CHND Trung Hoa đã xâm lược Việt Nam đến 4 lần (năm 1956 chiếm phía nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, năm 1979 xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, năm 1988 chiếm đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa).
Tàu chiến của Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa Việt Nam tháng 1/1974. Ảnh: tư liệu
Tần suất xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam là trung bình là 15 năm một lần, dày gấp 10 lần so với tần suất xâm lược Việt Nam từ các triều đại phong kiến Trung Quốc, ông Phùng nhận định.
Thế nhưng, cũng theo lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, các triều đại Trung Quốc cũng như các thế lực ngoại bang khác chưa bao giờ tước đi được sự độc lập, tự do, chủ quyền của nước ta. Cứ mỗi lần triều đại Trung Quốc nào nhăm nhe xâm lấn bờ cõi Việt Nam là 1 lần thất bại. Thời gian và lịch sử đã chứng minh.
Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng lên các quốc gia khác
“Nhận định cho rằng Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu đang hết sức phổ biến, cũng khá dễ hiểu nhưng thực sự là sai lầm”- đấy là nhận xét của Giáo sư David Shambaughtrong bài viết “Những lầm tưởng về sức mạnh Trung Quốc” đăng trên National Interest ngày 25/6.
Trung Quốc dĩ nhiên là cường quốc trỗi dậy quan trọng nhất của thế giới. Ở nhiều phương diện, vị trí cường quốc thứ hai thế giới của Trung Quốc sau Mỹ là không phải bàn cãi, và ở một vài khía cạnh Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.
Tuy nhiên, ông Shambaughnhấn mạnh, năng lực chỉ là một khía cạnh của sức mạnh quốc gia– và không phải yếu tố quan trọng nhất. Giáo sư Shambaugh đã chỉ ra rằng yếu tố khác quan trọng hơn là tầm ảnh hưởng –khả năng tạo ra các sự kiện cũng như chi phối hành động lên các quốc gia khác.
Liệu Trung Quốc- với sức bật mạnh mẽ như hiện giờ- có đang thực sự chi phối hành động của các nước khác, hay tạo ra được xu hướng trên thế giới hiện nay? Câu trả lời ngắn gọn là: Không nhiều, nếu không muốn nói là không có gì, ông David Shambaugh cho biết.
Có rất ít lĩnh vực người ta có thể chứng minh được rằng Trung Quốc đang thực sự chi phối nước khác, thiết lập các quy tắc chuẩn mực hay định hình những xu hướng thế giới. Bắc Kinh cũng không nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Nước này là một cường quốc thụ động, né tránh các thách thức và lẩn tránh khi những cuộc khủng hoảng quốc tế bùng phát. Ví dụ gần đây nhất là cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine và Syria là ví dụ cho thấy sự thụ động của Bắc Kinh, ông Shambaugh viết.
Những lầm tưởng về sức mạnh Trung Quốc
Trong bài phân tích “Những lầm tưởng về sức mạnh Trung Quốc”, Giáo sư David Shambaughcho rằng khi nghiên cứu kỹ năng lực của Trung Quốc thì người ta có thể thấy nước này không thực sự mạnh. Nhiều chỉ số chỉ mang tính định lượng, không phản ánh thực chất. Thiếu sức mạnh thực chất dẫn đến việc Trung Quốc không có tầm ảnh hưởng thực sự.
Đơn cử như năng lực quân sự của Trung Quốc, những con số như 145 tỷ USD đầu tư cho ngân sách quốc phòng năm 2013 (xem lại bài 1), tập trung hiện đại hóa hải quân, đẩy mạnh việc tòng quân… sẽ khiến chúng ta ấn tượng rằng quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh dần lên hơn bao giờ hết. Thế nhưng, Giáo sư David Shambaugh nhận định, Trung Quốc không có căn cứ ở nước ngoài, không có hệ thống hậu cần hoặc thông tin liên lạc trên phạm vi rộng, tầm bao phủ vệ tinh toàn cầu còn khá yếu.
Hải quân Trung Quốc không thực sự mạnh (ảnh: fareasternpotato)
Mặt khác, giáo sư David Shambaugh viết, Trung Quốc không thể triển khai sức mạnh ra ngoài phạm vi các nước láng giềng Châu Á. Ngay cả ở Châu Á, năng lực triển khai sức mạnh của nước này cũng rất hạn chế. Khả năng Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực ngoại vi xa tới 500 hải lý của nước này (ví dụ như trong tranh chấp Biển Hoa Đông hay Biển Đông) và duy trì đủ lâu để chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột, cũng không hề chắc chắn.
Hơn thế nữa, bản thân bên trong xã hội Trung Quốc cũng có những rối ren, bất ổn chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Theo ông Trần Việt Thái, nhà nghiên cứu Trung Quốc của Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam, những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt bao gồm.
Thứ nhất, vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc đã ăn sâu vào hệ thống cơ cấu chính trị từ những quan chức cấp thấp đến cả những quan chức cấp rất cao như là ông Chu Vĩnh Khang, nguyên là Chủ nhiệm ủy ban chính pháp, ông Từ Tài Hậu- nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Bạc Hy Lai- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Tất cả những điều đó cho thấy quy mô tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay vô cùng to lớn.
Thứ hai là thách thức về an ninh ở Trung Quốc đã nổi lên rất rõ, đặc biệt về các vụ việc khủng bố mà phía Trung Quốc đổ lỗi cho lực lượng Đông Thổ (East Turkistan) là 1 mối đe dọa lớn. Các vụ tấn công bằng dao ở Vân Nam, vụ tấn công ở Hà Nam, Quảng Đông, Quảng Châu, Tân Cương gây ra lo ngại trong dư luận.
Thứ ba về vấn đề năng lượng, ô nhiễm môi trường. Ở những vùng như Quảng Châu, Thượng Hải, nhất là Bắc Kinh ngay cả những ngày đẹp trời cũng không nhìn thấy mặt trời. Bụi xây dựng, bụi công nghiệp với tỷ lệ kim loại nặng chiếm lơ lửng trong không khí rất cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường sống- cái giá phải trả cho quá trình phát triển là rất lớn.
Khủng hoảng môi trường là vấn đề lớn ở Trung Quốc (ảnh: Reuters)
Xem xét kỹ các vấn đề nội tại Trung Quốc chúng ta có thể thấy khá nhiều điểm yếu của nước này, những khó khăn bên trong cùng nền tảng thiếu vững chắc khiến Trung Quốc chưa thể trở thành một cường quốc toàn cầu.Trung Quốc có thể chỉ là một “con hổ giấy” của thế kỷ 21, ông David Shambaugh nhận định.
Trung Quốc- “cường quốc cô đơn”
Trong bài viết của mình, giáo sư David Shambaugh cũng đã mô tả Trung Quốc như một “cường quốc cô đơn”- thiếu bạn hữu thân thiết và không có đồng minh. Ngay cả trong quan hệ gần gũi nhất với Nga, các yếu tố như không tin tưởng và sự ngờ vực lịch sử luôn tồn tại bên trong mối quan hệ có vẻ hòa hợp này.
Ngay cả với các nước ASEAN, Trung Quốc cũng không có “đồng minh” thực sự nào cả. Ông Kishore Mahbubani, Giáo sư trường Đại học Quốc gia Singapore, viết trên tờ “Thời báo Hoàn cầu” (Trung Quốc) rằng quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tương đối tốt đẹp, song chưa đến mức “tin tưởng sâu sắc”.
Trong mối quan hệ ASEAN- Trung Quốc vẫn còn tồn tại một số khó khăn mà mọi người đều biết. Ví dụ điển hình là vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Đầu tháng 6/2014, Trung Quốc cho phát hành bản đồ dọc 10 đoạn tuyên bố đến 90% chủ quyền Biển Đông- bất chấp sự xâm phạm lên lãnh thổ và lời phản đối của các nước ASEAN. Đến nay Trung Quốc chưa hoàn toàn làm rõ nội hàm của tấm bản đồ “nuốt trọn Biển Đông” và điểm mơ hồ này đã khiến các bên vẫn còn tranh cãi.
Tấm bản đồ phi pháp ngang ngược của Trung Quốc, bao trọn Biển Đông, nhiều phần của Đông Nam Á và Ấn Độ (ảnh: China Daily)
Nếu Trung Quốc chiếm đoạt thành công vùng Biển Đông, nước này sẽ mất đi toàn bộ vùng biển trên thế giới, giáo sư Kishore Mahbubaninhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Việt Tháicho biết chính những hành động ngang ngược tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã khiến nước này tự đẩy mình vào mâu thuẫn khó gỡ giữa 1 bên là tham vọng, 1 bên là duy trì môi trường ổn định để phát triển.
Ông Thái nói: “Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, Không 1 nước nào có thể phát triển 1 cách độc lập mà phải có bạn bè, có đối tác. Trung Quốc đang vướng phải mâu thuẫn giữa một bên là tham vọng đi ra biển, một bên muốn duy trì môi trường hòa bình ổn định để phát triển. Chính điều này đã đẩy Trung Quốc lâm vào thế kẹt mà nếu xử lý không khéo, 2 điều này không những không hỗ trợ cho nhau mà có thể triệt tiêu lẫn nhau”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định: “Trung Quốc không thế tồn tại độc lập, Trung Quốc cũng phải dựa vào thế giới. Khi cả thế giới đã lên án và tẩy chay thì nước này cũng không thể phát triển được”.
Lời kết
Giấc mộng Trung Hoa là giấc mộng đẹp và có ý nghĩa đối với mọi người dân Trung Quốc. Đấy chính là giấc mơ đưa đất nước Trung Quốc thành siêu cường phát triển, hùng mạnh trên mọi phương diện, trở lại thời kì huy hoàng như trước kia. Tuy nhiên, trên con đường thực hiện giấc mơ ấy phải đúng đắn, minh bạch và chân thành.
Bên cạnh Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng có giấc mơ tương tự. Nhật Bản là một ví dụ. Nhật Bản bước ra Thế chiến II với con số không, chưa kể thành phố Hiroshima và Nagasaki bị tàn phá bởi 2 quả bom hạt nhân. Bằng nội lực, bằng đầu tư hợp lý, chính sách ngoại giao mềm mỏng, dùng sức mạnh mềm gây ảnh hưởng đến các nước xung quanh, Nhật Bản từng bước vượt qua những khó khăn để trở thành cường quốc số 2 về kinh tế.
Sự vượt lên của Nhật Bản là điều hoàn toàn có thể (ảnh: investopedia.com)
Tuy nhiên, năm 2011, cơn sóng thần khủng khiếp quét qua Nhật Bản đã khiến nước này một lần nữa lao đao. Thế nhưng, Nhật Bản vẫn trải qua khó khăn ấy một cách kiên cường và đáng khâm phục. Tuy rằng, vị thế Nhật Bản hiện tại chưa được khôi phục như xưa, nhưng sự vượt lên của Nhật Bản là điều hoàn toàn có thể.
Qua ví dụ của Nhật Bản chúng ta có thể thấy, sự vươn lên của bất kì quốc gia nào bằng con đường hòa bình đều được cả thế giới coi trọng và ủng hộ. Còn những động thái vươn lên bằng vũ lực, bằng sự bắt nạt, cưỡng ép thì không bao giờ nhận được sự coi trọng của cộng đồng. Sức mạnh của chính nghĩa là sức mạnh bất biến, không đời nào có thể thay đổi được.
Về phần Việt Nam, chỉ xin nhắc lại một câu chuyện nhỏ vào năm 1.300 trước khi lâm chung, Trần Hưng Đạo có nhắn nhủ với vua rằng “Kế sách trăm năm giữ nước là trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận”. 90 triệu người dân Việt Nam đoàn kết một khối thì có thể tạo thành một sức mạnh không thể phá vỡ./.